Phát huy điểm mạnh, cải thiện điểm yếu về đổi mới sáng tạo cấp địa phương

Ngày 12/3/2024, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố Bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII). Lần đầu tiên được công bố nhưng PII được đánh giá là bức tranh thực tế đa chiều, có tầm quan trọng và ý nghĩa với 63 tỉnh, thành trong cả nước bởi đây là bộ chỉ số có chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT - XH dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) của từng địa phương. Từ đó cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách thúc đẩy, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động KHCN&ĐMST ở mỗi tỉnh, thành phố.

Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của bộ chỉ số GII (Global Innovation Index) do tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố hàng năm). Bộ KH&CN cho biết với sự hỗ trợ kỹ thuật của WIPO, trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng các bộ chỉ số cấp địa phương đã có trong nước (PCI, PAR, PAPI...) và kinh nghiệm nước ngoài, bộ đã xây dựng bộ chỉ số PII theo 10 bước phù hợp với bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam.

Trong 7 trụ cột này có 5 trụ cột đầu vào (thể chế, vốn con người và nghiên cứu và phát triển, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường, trình độ phát triển của doanh nghiệp) phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST; 2 trụ cột đầu ra (sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động) phản ánh kết quả tác động của KHCN&ĐMST vào phát triển KT-XH. Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII với thực trạng phát triển KT-XH của các địa phương.

Nhóm dẫn đầu là những tỉnh, thành phố có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ), có ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung các khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KHCN&ĐMST mạnh mẽ. Ngược lại, nhóm cuối là các tỉnh, thành phố còn hạn chế trong phát triển KT-XH, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KHCN&ĐMST vào phát triển KT-XH (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc).

Theo vùng KT-XH, các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ có kết quả PII 2023 tốt hơn nhiều so với các địa phương thuộc vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc. Địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao có kết quả PII tốt hơn nhiều so với địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp.

Trong báo cáo PII, mỗi địa phương có một bảng thông tin tổng hợp trình bày chi tiết số liệu theo từng chỉ số (52 chỉ số), nhóm chỉ số (16 nhóm) và trụ cột (7 trụ cột); 5 điểm mạnh, 5 điểm yếu. Bên cạnh đó, biểu đồ mạng nhện theo 7 trụ cột (theo điểm số) của từng địa phương cũng được thiết lập, trong đó có so sánh với điểm số cao nhất, điểm số thấp nhất và mức trung bình để các địa phương nhận diện rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu theo từng trụ cột của đổi mới sáng tạo.

Theo đó, tỉnh Quảng Trị có PII với điểm số 29,25, xếp hạng 55/63 tỉnh, thành phố trong nước. Điểm số đầu vào đổi mới sáng tạo là 28,30; điểm số đầu ra đổi mới sáng tạo là 30,19. Quảng Trị có 5 điểm mạnh là: Chi cho KH&CN/GRDP; Hợp tác nghiên cứu giữa tổ chức KH&CN và doanh nghiệp; Tỉ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp/1.000 doanh nghiệp; Đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể/10.000 dân; Chỉ số sản xuất công nghiệp.

Còn 5 điểm yếu của tỉnh là: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Cơ sở hạ tầng cơ bản; Tỉ lệ doanh nghiệp có chứng chỉ ISO/1.000 doanh nghiệp; Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân.

Theo đánh giá tại báo cáo PII năm 2023, căn cứ các số liệu theo từng chỉ số, Quảng Trị có nhiều chỉ số đầu vào liên quan đến 2 trụ cột (Trình độ phát triển doanh nghiệp, Trình độ phát triển thị trường) đạt thấp như: Tỉ lệ chi đào tạo lao động trong tổng chi của doanh nghiệp 5,33 điểm (địa phương đạt cao nhất 12,9 điểm); Tỉ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển 0,20 điểm (địa phương cao nhất 29,30); Số doanh nghiệp có chứng chỉ ISO/1.000 doanh nghiệp 4,28 điểm (địa phương cao nhất 35,41); Vốn sản xuất bình quân hằng năm của doanh nghiệp 23,28 điểm (địa phương đạt cao nhất 114,59); Giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp 16,09 điểm (địa phương đạt cao nhất 55,11); Đóng góp trong GDP cả nước 0,44 điểm (địa phương cao nhất 15,98)...

Đối với trụ cột cơ sở hạ tầng thì những chỉ số liên quan đến hạ tầng ICT của tỉnh tương đối cao đạt 50,94 điểm (so với địa phương cao nhất 99,44 điểm, thấp nhất 11,68 điểm). Tuy nhiên điểm số về Hạ tầng chung và môi trường sinh thái lại tương đối thấp, chỉ đạt 17,18 điểm (so với địa phương cao nhất 74,51 điểm, thấp nhất 13,50 điểm). Điều này phản ánh đúng thực trạng doanh nghiệp cũng như quy mô nền kinh tế nhỏ bé dẫn đến tiềm lực đầu tư rất hạn chế của tỉnh cho KHCN&ĐMST.

Theo báo cáo của Bộ KH&CN, dữ liệu phục vụ xây dựng PII năm 2023 được lấy từ hai nguồn chính là: số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở trung ương (39/52 chỉ số); do các địa phương thu thập và cung cấp - kèm theo các tài liệu minh chứng (13/52 chỉ số). Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có những sai sót trong quá trình thống kê, cập nhật.

Ví dụ như đối với Quảng Trị, theo thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2023 tỉnh Quảng Trị có 2 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích được đăng ký nhưng chỉ số “Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10.000 dân” của PII có trị giá 0, điểm số 0, bị liệt kê là 1 trong 5 điểm yếu của tỉnh. Đây là năm đầu tiên thực hiện đánh giá bộ chỉ số PII trong toàn quốc nên nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Quảng Trị còn lúng túng, chưa bố trí nguồn lực để tổ chức thu thập, đánh giá và cung cấp dữ liệu một cách kịp thời, chính xác theo mẫu thống kê của Bộ KH&CN.

Mặc dù có một số sai sót trong số liệu cập nhật, thống kê nhưng về cơ bản những chi tiết số liệu mà PII cung cấp phản ánh khá khách quan về tình hình phát triển KHCN&ĐMST của các địa phương. Thiết nghĩ, ngành chức năng của tỉnh cần dựa vào dữ liệu PII làm tiền đề (cùng với dữ liệu khác) để nhận định đúng điểm mạnh, điểm yếu, các yếu tố tiềm năng và điều kiện cần thiết để có giải pháp tiếp tục phát huy điểm mạnh, cải thiện điểm yếu hay các trụ cột đầu vào đang có kết quả thấp nhằm nâng cao vị trí thứ hạng của địa phương về chỉ số đánh giá PII trong những năm tới.

Bên cạnh đó, cần có chính sách cũng như các hoạt động đồng bộ nhằm thúc đẩy và hỗ trợ phát triển KHCN&ĐMST. Đồng thời cần linh hoạt sử dụng các số liệu phân tích của PII trong tham mưu, chỉ đạo và điều hành việc xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/phat-huy-diem-manh-cai-thien-diem-yeu-ve-doi-moi-sang-tao-cap-dia-phuong/184450.htm