Phát huy di sản để nâng cao kinh tế vùng Tây Nguyên

Việc khai thác hiệu quả tiềm năng của di sản văn hóa Tây Nguyên vừa góp phần phát triển kinh tế, thay đổi diện mạo buôn làng, cải thiện cuộc sống người dân, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc bản địa.

Tây Nguyên là vùng cao nguyên rộng lớn, trải dài trên 5 tỉnh là Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Tây Nguyên là nơi cư trú của 49 dân tộc anh em, nên rất đa dạng về bản sắc văn hóa. Nói đến Tây Nguyên là nói đến một kho tàng văn hóa, với hệ thống di sản đặc sắc như: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại; là các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như nhà rông, nhà dài, nhà mồ...; là các lễ hội truyền thống độc đáo như lễ hội đua voi, đua thuyền độc mộc, cồng chiêng, mừng lúa mới, bỏ mả...; văn hóa sử thi, âm nhạc dân gian... các tỉnh Tây Nguyên đã và đang triển khai các giải pháp nhằm đưa di sản văn hóa vào phát triển du lịch, từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Lễ hội đua voi ở tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tiêu Dao

Tây Nguyên đã trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, một số di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo. Thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, thế trận lòng dân được củng cố và tăng cường, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn xung yếu; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm.

Văn hóa cồng chiêng di sản không thể thiếu ở Gia Lai. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Trong những năm gần đây, liên tục các lễ hội với di sản văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên được tổ chức, đã thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi mùa lễ hội. Những lễ hội lớn như liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên, lễ hội đua voi, đua thuyền độc mộc, những lễ bỏ mả... được tổ chức đều đặn hàng năm đã định danh cho du lịch văn hóa Tây Nguyên với du khách từ khắp nơi. Những điều này tạo ra tiềm năng lớn lao, riêng có để phát triển các loại hình du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái, du lịch liên vùng hấp dẫn, tạo giá trị lớn cho nền kinh tế. Có những địa phương như tại Gia Lai, vào mỗi cuối tuần đều tổ chức các chương trình cồng chiêng đường phố tại quảng trường 19/3. Sự kiện hàng tuần như vậy không chỉ là nơi để các nghệ nhân giao lưu với du khách, gìn giữ di sản cồng chiêng cũng như văn hóa các dân tộc, mà hơn hết các nghệ nhân cũng có thu nhập từ việc trình diễn những di sản của dân tộc mình. Mới đây nhất, nhằm phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa Tây Nguyên, Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ 1 năm 2023 với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ” đã được tổ chức trong 3 ngày (từ 29/11/2023-1/12/2023) tại thành phố Kon Tum. Với phương châm lấy di sản nuôi di sản, giúp chính những nghệ nhân đang gìn giữ di sản có thể sống và cống hiến, cũng như bảo tồn được di sản của vùng đất mình.

Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo. Ảnh: Tiêu Dao

Kết hợp di sản văn hóa với việc phát triển kinh tế, để tạo động lực phát triển mới ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên là hướng đi phù hợp. Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã tập trung thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong xã hội để đầu tư tôn tạo, tu bổ hệ thống các di sản; bảo đảm không làm biến đổi hiện vật, di sản di tích gốc, không thay đổi cảnh quan. Nhiều làng du lịch cộng đồng vẫn được giữ lại những nét văn hóa, đời sống nguyên sơ của cộng đồng như làng Kon Pring, Kon Trang Long Loi (tỉnh Kon Tum), làng Nueng, làng Ớp (Gia Lai), hay những làng đồng bào nguyên bản với hàng loạt lễ hội, di sản đặc trưng như lễ bỏ mả với tượng nhà mồ ở làng Phung (Chư Pah, Gia Lai), lễ cầu mưa ở làng Plei Ơi với những huyền thoại về vua lửa, vua nước... hay những lễ hội mang bản sắc đặc trưng của đời sống người dân ê đê như lễ hội đua voi tại buôn đôn (Đăk Lăk).

Di sản đem lại các giá trị về văn hóa, thẩm mỹ, giáo dục, kinh tế, môi trường, xã hội, lịch sử cùng nhiều giá trị khác cho vùng đất Tây Nguyên. Với nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai các quy hoạch phát triển du lịch từ di sản; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức các tour, tuyến du lịch văn hóa gắn với các di tích, di sản gắn với Tín ngưỡng và đời sống văn hóa cộng đồng, các danh lam thắng cảnh, làng nghề truyền thống, không gian văn hóa, sinh sống của cộng đồng các dân tộc... kết hợp quảng bá sản phẩm thủ công, các sản phẩm nông sản đặc trưng như sầu riêng, cà phê, tiêu... Các dự án kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch được đầu tư đã tạo chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa, hiện đại hóa các loại hình dịch vụ để phục vụ cho việc khai thác và bảo tồn di sản. Sản phẩm dịch vụ, du lịch được đầu tư phát triển theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá và liên kết hợp tác phát triển du lịch được đổi mới. Trong những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có các chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch văn hóa với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, để nhanh chóng phục hồi ngành “công nghiệp không khói” sau đại dịch Covid-19; đồng thời xem phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết, thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, gìn giữ. Nhiều chương trình, dự án có liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đã và đang được thực hiện. Đặc biệt là chú trọng hoạt động trao truyền, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào, cộng đồng xã hội được tham gia vào các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản, bảo tồn các tập quán, tín ngưỡng, tri thức văn hóa dân gian trong không gian văn hóa đương đại.

Tất cả là nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để các tỉnh Tây Nguyên phát triển nhiều loại hình sản phẩm du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch trải nghiệm..., góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vùng đất Tây Nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, như trong Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện hiệu quả Dự án 6 góp phần làm giảm chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, các dân tộc trong tỉnh; gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của các dân tộc, thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển.

Khu vực Tây Nguyên có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và văn hóa đa dạng bản sắc. Ảnh: internet

Văn hóa là nguồn cuội của mỗi dân tộc, do đó nó cần được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác để gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp. Trong bối cảnh các nghệ nhân dân gian, những người am hiểu sâu sắc về văn hóa của các dân tộc đang ngày càng ít thì sứ mệnh gìn giữ “hồn cốt” văn hóa được đặt lên vai những người trẻ để tiếp nối và làm giàu bản sắc di sản văn hóa các DTTS Tây Nguyên trong tương lai.

Việt Nam đã thu hút được nguồn lực quốc tế đáng kể cho hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản thông qua nhiều dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức, các quốc gia khác nhau trên thế giới.

Thực hiện Tiêu Dao

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-di-san-de-nang-cao-kinh-te-vung-tay-nguyen-post471111.html