Phát huy dân chủ để tạo đồng thuận

Những năm gần đây, huyện Đông Anh là một trong những địa bàn đứng đầu toàn TP Hà Nội về số lượng các dự án phải tiến hành giải phóng mặt bằng (GPMB).

Hầu hết các dự án đều được thực hiện đúng tiến độ. Để có được kết quả trên, lãnh đạo huyện đã luôn quán triệt triển khai quy chế dân chủ cơ sở ở từng khâu trong quá trình giải phóng mặt bằng.

Nhiều kết quả tích cực

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, những năm qua, Đông Anh có hàng trăm dự án, diện tích hàng nghìn hecta đã được triển khai GPMB như: Khu công nghiệp Thăng Long, đường trục kinh tế miền Đông, dự án hạ tầng đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì… Các dự án này đều được cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị huyện vào cuộc triển khai tập trung, quyết liệt, hoàn thành đúng tiến độ.

Giai đoạn 2016 - 2021, huyện đã triển khai công tác thu hồi đất, chi trả tiền GPMB hơn 300 dự án liên quan đến trên 9.800 hộ gia đình, số tiền bồi thường hỗ trợ trên 5.000 tỷ đồng và đã bàn giao 700ha đất để các chủ đầu tư triển khai.

Trong đó, nhiều dự án trọng điểm của T.Ư và TP được thực hiện vượt tiến độ như: Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia đã GPMB xong 92,3ha, đạt 100% diện tích; Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy, GPMB xong 99,1ha/101,09ha đạt 98% diện tích; Khu công viên phần mềm và nội dung số trọng điểm TP Hà Nội, GPMB xong 71,7ha đạt 100% diện tích; Dự án Thành phố thông minh với diện tích khoảng 272ha đến nay đã hoàn thành GPMB 216ha...

Huyện Đông Anh luôn đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong công tác GPMB. Trong ảnh: Lực lượng chức năng GPMB khu đấu giá đất tại xã Vân Hà. Ảnh: Doãn Thành

“Công tác GPMB được thực hiện công khai, dân chủ, đúng pháp luật; vì vậy mặc dù diện tích thu hồi lớn, số hộ liên quan nhiều nhưng quá trình thực hiện của Đông Anh đã không phát sinh đơn thư, khiếu kiện phức tạp. Cấp ủy, chính quyền phối hợp với chủ đầu tư làm tốt công tác tuyên truyền, đối thoại thẳng thắn nên đều nhận được sự ủng hộ đồng thuận của đại bộ phận Nhân dân trong việc bàn giao mặt bằng để việc thi công đúng tiến độ” – Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho hay.

Thời gian tới, huyện tiếp tục đa dạng hóa phương thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, hội viên và tầng lớp Nhân dân hiểu rõ việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong công tác GPMB phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường

Để đảm bảo công tác dân chủ cơ sở trong quá trình GPMB, thu hồi đất phục vụ dự án trọng điểm, Thường vụ Huyện ủy Đông Anh đã chỉ đạo tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện thực hiện được 35 hội nghị đối thoại (định kỳ 11, đột xuất 24); cấp xã, thị trấn trong toàn huyện tổ chức được 161 hội nghị đối thoại (định kỳ 140, đột xuất 21).

Tổng số đại biểu dự hội nghị tiếp xúc, đối thoại cấp huyện là 2.702 người, cấp xã 15.640 người. Tất cả hội nghị đều tổ chức trực tiếp và nhận được 254 ý kiến cấp huyện, cấp cơ sở nhận 1.614 ý kiến. Các ý kiến của Nhân dân đều được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền kịp thời trả lời, giải quyết (92% số ý kiến của Nhân dân được trả lời, giải quyết trực tiếp tại hội nghị cấp cơ sở; 100% trả lời tại hội nghị đối thoại).

Tiếp tục đẩy mạnh quy chế dân chủ cơ sở

Theo Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường, giai đoạn 2020 – 2023 huyện Đông Anh được UBND TP chấp thuận đưa vào kế hoạch sử dụng đất tăng nhiều so với các năm trước.

Cụ thể, năm 2020 là 205 dự án với diện tích thu hồi là 1.290,34ha; năm 2021, 193 dự án diện tích thu hồi 1.023,24ha; năm 2022, 264 dự án diện tích thu hồi 1.126,39ha; năm 2023, 444 dự án diện tích thu hồi 2.069,64ha, gồm: Dự án cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, cầu Đông Trù, đường 5 kéo dài, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, Công viên phần mềm, Công viên Văn hóa - du lịch - vui chơi giải trí Kim Quy...

Trong đó, huyện ưu tiên tập trung hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án trọng điểm của TP và huyện, dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất, các dự án bức xúc dân sinh, dự án hạ tầng giao thông, trường học nằm trong kế hoạch đạt chuẩn năm 2023, 2024… Đồng thời giải quyết dứt điểm các nội dung còn tồn tại, kéo dài trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, hơn 80% diện tích huyện Đông Anh nằm trong khu vực nội đô mở rộng và được lập thành 15 quy hoạch phân khu đô thị, tỷ lệ 1/5000 (gồm 138 thôn, 40 tổ dân phố). Mặt khác, trên địa bàn huyện đang đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu dân cư với 86 đồ án quy hoạch được giao nhiệm vụ.

“Với khối lượng công việc liên quan đến GPMB rất lớn, vì vậy thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong GPMB luôn là nhiệm vụ được huyện đặt lên hàng đầu. Song song với việc giao Đảng ủy các xã, thị trấn, phòng ban chuyên môn tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo GPMB, phân rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, rõ thời gian hoàn thành; bổ sung nhiệm vụ, trách nhiệm cho các tổ chức cá nhân liên quan” – Phó Bí thư Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết thêm.

Theo đánh giá, huyện Đông Anh đang trong quá trình đô thị hóa, giai đoạn quyết liệt hoàn thành đề án xây dựng huyện thành quận, xã, thị trấn thành phường, nên việc phát huy dân chủ trong công tác GPMB càng cần thiết và vô cùng quan trọng.

Quá trình đầu tư hạ tầng đô thị, nông thôn từng bước được thực hiện đồng bộ; chính quyền các cấp coi là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, liên tục trong công tác chỉ đạo, điều hành và được tầng lớp Nhân dân đồng thuận cùng tham gia, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở.

Mai Vân

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-dan-chu-de-tao-dong-thuan.html