Phát hiện vi phạm về kinh tế gần 14 nghìn tỷ đồng và 99 tỷ đồng liên quan đến tham nhũng

Sáng 16/4, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức họp báo Thông báo kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng quý I/2013 và kế hoạch công tác quý II/2013”.

Ông Lê Tiến Hào, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi họp báo. Trong quý I/2013, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận ba cuộc thanh tra gồm: Thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004- 2011; thanh tra Dự án Trường bắn Quốc gia Khu vực 1; thanh tra công tác quy hoạch quản lý sử dụng đất đai và đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Từ 3 kết luận thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế số tiền 816,3 tỷ đồng, trong đó Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 682 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 134,2 tỷ đồng; kiến nghị tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm, đồng thời chuyển cơ quan điều tra ba sự vụ để xử lý theo luật định.

Ngoài Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 1.475 cuộc thanh tra và kết luận 713 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế với số tiền 464,7 tỷ đồng và 3,9ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 348,3 tỷ đồng, 3,9ha đất, đồng thời kiến nghị xử lý hành chính 56 tập thể, 87 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra năm sự vụ để xử lý theo luật định. Lực lượng thanh tra chuyên ngành đã tiến hành 14.623 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về việc chấp hành pháp luật của 71.282 tổ chức, cá nhân; đã phát hiện 40.940 tổ chức, cá nhân có vi phạm, ra 25.090 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, kiến nghị thu hồi 1.033 tỷ, xử lý hành chính 1.011 tỷ đồng.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra về phòng, chống tham nhũng đã phát hiện 14 vụ, 37 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng và có hành vi tham nhũng với số tiền 99 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với sáu cá nhân; kiến nghị xử lý hình sự với năm sự vụ, 32 cá nhân. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện hai vụ, hai đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng...

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, thời gian qua việc thực hiện Kế hoạch 1130 của Thanh tra Chính phủ về việc rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài là rất quyết liệt và có tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Điều đó thể hiện chủ trương và quyết tâm của Đảng, Nhà nước về việc tăng cường rà soát, kiểm tra, phối hợp và giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu kiện tồn đọng, phức tạp, kéo dài là đúng đắn và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương, cũng như sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân trong xã hội...

Tại buổi họp báo, Thanh tra Chính phủ cũng đã công bố hai kết luận quan trọng. Cụ thể:

*Kết luận thanh tra việc thực hiện quản lý nhà nước về dược của Bộ Y tế:

Bên cạnh những thành quả đạt được còn tồn tại những hạn chế trong công tác quản lý dược. Thời gian xử lý hồ sơ chậm so với thời gian quy định. Thời gian xem xét cấp giấy phép đăng ký hoạt động cho các doanh nghiệp nước ngoài lâu hơn so với quy định. Các công ty dược áp dụng các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành GPs chưa đồng đều, chưa đáp ứng yêu cầu, phải sửa chữa nhiều lần, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận, vẫn còn doanh nghiệp chậm đăng ký tái kiểm tra.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện và kiến nghị Bộ Y tế xử lý vi phạm đối với một số công ty dược trong mua bán nguyên liệu, xuất khẩu, bán thuốc thành phẩm có chất gây nghiện, hướng tâm thần và tiền chất dùng làm thuốc như: Công ty CP Dược phẩm Imexpharm, Công ty CP Dược phẩm Tipharco, Công ty TNHH Liên doanh Stada - Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu y tế TP. HCM, Công ty CP Dược phẩm Minh Hải...

* Kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Định từ năm 2004 đến năm 2011

Quá trình thanh tra phát hiện những vi phạm sau: công tác ban hành văn bản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh còn chậm so với yêu cầu; văn bản được ban hành nhiều nhưng không toàn diện, phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần nên không tạo được sự ổn định cho công tác quản lý. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch khoáng sản chưa được quan tâm đúng mức. Việc giao đất, cho thuê đất ở nhiều dự án vi phạm Luật Đất đai, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Việc xác định nghĩa vụ tài chính của tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất còn nhiều vi phạm. Công tác quản lý hoạt động khoáng sản sau cấp phép bị buông lỏng, để nhiều doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước nhưng vẫn tiến hành khai thác. Nhiều khai thác kém hiệu quả, lãng phí tài nguyên khoáng sản. Công tác quản lý tài chính của UBND tỉnh và các cấp, các ngành còn thiếu chặt chẽ, chưa tuân thủ các quy định của pháp luật. Qua thanh tra phát hiện số tiền sai phạm là 50.734.128.765 đồng...

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/kinhte/2013/4/196656.cand