Phát hiện và can thiệp sớm với trẻ tự kỷ

Những năm gần đây, tình trạng trẻ bị tự kỷ đến khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa, cơ sở giáo dục hòa nhập ngày càng nhiều.

Thay vì đến trường như các bạn cùng trang lứa, bé V.B.P. (48 tháng tuổi, ở thành phố Lào Cai) vẫn đang bi bô tập nói cùng các bác sỹ tại phòng trị liệu dành cho trẻ tự kỷ ở Khoa Nội - Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh). Bố mẹ đi làm xa từ lúc P. mới 1 tuổi, từ đó em sống cùng ông bà nội. Lên 2 tuổi, P. không chịu giao tiếp với người xung quanh. Sau đó, em còn thay đổi tâm lý, khóc cười vô cớ và la hét khó kiểm soát, khiến ông bà lo lắng. Đưa P. đi khám, cả gia đình hốt hoảng khi bác sỹ kết luận em mắc chứng tự kỷ không điển hình.

Còn bé N.T.H. (5 tuổi, ở thị xã Sa Pa) mặc dù đã đi học mẫu giáo nhưng chậm nói so với các bạn cùng lớp. H. ít chơi với các bạn, đôi khi tỏ ra cáu gắt, khó chịu vô cớ với mọi người. Một thời gian dài, chị V.T.H. (mẹ bé H.) mới đưa con đi khám, bác sỹ kết luận bé H. mắc chứng tự kỷ dạng nhẹ. Chị V.T.H. bộc bạch: Năm 2019 và 2020, dịch Covid-19 liên tục bùng phát nên con ít được giao tiếp với mọi người vì thường xuyên phải cách ly. Thời điểm đó, con sử dụng ipad, điện thoại để xem hoạt hình nhiều hơn. Tôi không ngờ đó lại là nguyên nhân khiến con chậm nói và nghiêm trọng hơn là bị tự kỷ.

Các bác sĩ Khoa Nội Nhi (Bệnh viện Phục hồi Chức năng tỉnh) can thiệp vật lý trị liệu, tập vận động cho trẻ.

Bác sỹ Trịnh Thị Nga, Khoa Nội - Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) cho biết: Tự kỷ có rất nhiều dạng, với mức độ biểu hiện khác nhau, như tăng động giảm chú ý, chậm phát triển, chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn hành vi, không giao tiếp với mọi người, chỉ tập trung ở điều mà bé thích, nói, cười không nhìn mặt người đối diện… Tự kỷ làm cho trẻ mất khả năng giao tiếp, nhất là về phương diện ngôn ngữ và có thể gây tổn thương cho trẻ do các hành động tự gây hại và quậy phá.

Biểu hiện phổ biến nhất ở trẻ tự kỷ là chậm nói hoặc nói những từ ngữ không có nghĩa, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp, có những hành vi lặp đi lặp lại. Trẻ mắc bệnh tự kỷ có thể vẫn khỏe mạnh bình thường nhưng luôn có những hành vi bất thường. Nhiều phụ huynh không chú ý đến những thay đổi khác thường ở con trẻ hoặc cho đó là điều bình thường, nên khi phát hiện thì bệnh của trẻ đã nặng.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, số lượng trẻ tự kỷ, đặc biệt là những trẻ có biểu hiện chậm nói, rối loạn ngôn ngữ có chiều hướng gia tăng. Năm 2022, Khoa Nội - Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) tiếp nhận, điều trị 1.487 lượt trẻ, trong đó 309 ca điều trị trẻ tự kỷ và 98 ca điều trị trẻ chậm nói, rối loạn ngôn ngữ. Tuy nhiên, đây chỉ là thống kê chưa đầy đủ, bởi trên thực tế, còn rất nhiều trẻ tự kỷ đang điều trị tại các cơ sở giáo dục hòa nhập khác.

Tiến sỹ Tâm lý học Vũ Thanh Châu, cố vấn chuyên môn tại Trung tâm Giáo dục Kỹ năng sống NewLife (phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai) cho biết: Hiện nay, phương pháp giáo dục 1-1 đang là phương pháp điều trị tối ưu nhất với trẻ tự kỷ. Tùy mức độ nặng nhẹ, các bác sỹ/cô giáo sẽ có phương pháp và lộ trình điều trị thích hợp cho từng cháu, với các bài tập từ đơn giản đến phức tạp, như nhận biết màu sắc, chơi đồ vật phối hợp nói, dạy chào - hỏi, tập vật lý trị liệu…

Nguyên nhân chính gây chứng tự kỷ là do rối loạn hệ thần kinh, biến đổi gen, rối loạn nhiễm sắc thể… ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Ngoài ra, môi trường sống và phương pháp giáo dục trẻ cũng là một trong những tác nhân khiến chứng tự kỷ trở nên nghiêm trọng hơn. Thống kê sơ bộ tại Khoa Nội - Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) cho thấy, 80% ca đang điều trị đều sống ở khu vực thành phố, thị xã. Điều đó phần nào lý giải nguyên nhân gây nên chứng tự kỷ. Một trong những nguyên nhân đó là do bố mẹ thiếu quan tâm đến các con; để trẻ tiếp xúc với công nghệ từ sớm, chơi điện tử quá nhiều...

Phương pháp giáo dục 1-1 đang là phương pháp điều trị tối ưu nhất với trẻ tự kỷ.

Bác sỹ Trịnh Thị Nga, Khoa Nội - Nhi (Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh) khuyến cáo: Cha mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến con mình, chú ý quan sát các biểu hiện của trẻ để sớm phát hiện căn bệnh này và đưa trẻ đến bác sỹ nhi, nhà tâm lý học... để được chữa trị đúng cách. Không có cách nào làm biến mất chứng tự kỷ, việc trị liệu chỉ nhằm khống chế và làm giảm các triệu chứng, giúp trẻ cải thiện thực hiện các chức năng.

Một đứa trẻ khỏe mạnh không chỉ cần tăng trưởng tốt về chiều cao và cân nặng, mà còn phải có trí tuệ phát triển tương ứng với lứa tuổi. Khi trẻ có thái độ hoặc hành vi không bình thường, không phù hợp với cách ứng xử như những trẻ khác cùng lứa tuổi, hạn chế về giác quan, vận động, ngôn ngữ... phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở khám, chữa bệnh và can thiệp giáo dục hòa nhập cho trẻ trong thời gian sớm nhất.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/phat-hien-va-can-thiep-som-voi-tre-tu-ky-post367185.html