Phát hiện nơi ở của thổ dân thời kỷ băng hà cuối cùng trên hoang đảo

Hơn 4.000 hiện vật bằng đá vừa được phát hiện tại một hoang đảo ngoài khơi Australia cho thấy đây từng là nơi sinh sống của thổ dân trong kỷ băng hà cuối cùng.

Đảo Barrow ngoài khơi Australia, nơi các nhà nghiên cứu phát hiện hơn 4.000 hiện vật cổ bằng đá. (Nguồn: LiveScience)

Cuộc nghiên cứu với hơn 4.000 hiện vật cổ bằng đá được phát hiện trên đảo Barrow ngoài khơi phía Tây Bắc Australia đã cung cấp một bức tranh tổng thể về cuộc sống của thổ dân cách đây hàng chục nghìn năm.

Ông David Zeanah, nhà nhân chủng học tại Đại học bang California, Mỹ và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết, phát hiện này góp phần làm rõ “mối liên hệ lâu dài” của thổ dân bản địa với nước Australia hiện đại.

Theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Quaternary Science Reviews, các hiện vật đa dạng được tìm thấy trên đảo cũng tiết lộ những hiểu biết thú vị về sự di chuyển của con người giữa lục địa Australia và hòn đảo Barrow, đặc biệt là trong thời kỳ đỉnh cao của kỷ băng hà cuối cùng, khoảng từ 29.000 đến 19.000 năm trước.

Vào thời điểm đó, mực nước biển thấp đã để lộ ra thềm lục địa giữa Australia và đảo Barrow ngày nay, đó là một vùng rộng 202 km² ở cách bờ biển phía Tây Bắc Australia khoảng 60 km. Nhà nhân chủng học Zeanah cho biết, hàng ngàn năm trước, nó đã hình thành nên một đồng bằng rộng lớn, khoảng 10.800 km².

Các nhà nghiên cứu đã xác định được rằng, con người từng sống trên đảo, chủ yếu nhờ vào các bằng chứng khảo cổ học được tìm thấy trong các hang đá - nổi tiếng nhất là hang Boodie và một số địa điểm ngoài trời nằm rải rác trên đảo Barrow.

Trong hơn 3 năm qua, họ đã tìm thấy tổng cộng hơn 4.400 công cụ cắt và mài từ nhiều địa điểm khác nhau. Điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên là sự đa dạng trong thành phần của các hiện vật.

Hầu hết các công cụ được tìm thấy trong hang động đều được làm từ đá vôi, loại vật liệu địa chất phong phú nhất trên đảo. Ngược lại, những hiện vật được phát hiện tại các địa điểm ngoài trời được làm chủ yếu từ đá, bao gồm cả đá lửa và sa thạch, có nguồn gốc từ lục địa Australia.

Nhà khảo cổ học Tiina Manne tại Đại học Queensland, Australia, nhận định rằng, phát hiện này cho thấy “sự đa dạng đáng ngạc nhiên trong thành phần công cụ bằng đá trên một khu vực tương đối nhỏ”, đồng thời khẳng định, sự đa dạng này rất có ý nghĩa vì nó tiết lộ thông tin chi tiết về lối sống và thói quen lao động của những thổ dân xa xưa từng sống trên đảo Barrow.

(theo Live Science)

Hoàng Trung Hiếu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phat-hien-noi-o-cua-tho-dan-thoi-ky-bang-ha-cuoi-cung-tren-hoang-dao-268029.html