Phát hiện nhiều tồn tại khi thanh tra Công ty CP Đường sắt Quảng Bình

Theo kết luận thanh tra, Công ty CP Đường sắt Quảng Bình có những tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Một lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa phận xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - Ảnh: L.M

Một lối đi tự mở qua đường sắt thuộc địa phận xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - Ảnh: L.M

Cục Đường sắt VN vừa ban hành Kết luận thanh tra số 1698/KL-CĐSVN về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt đối với Công ty CP Đường sắt Quảng Bình và các đơn vị có liên quan.

Theo kết luận thanh tra, trong năm 2022 và quý I/2023, Công ty CP Đường sắt Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành việc thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm theo các điều khoản trong hợp đồng đã ký kết với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), tuân thủ các quy định pháp luật trong tổ chức, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, góp phần duy trì sự hoạt động an toàn của công trình đường sắt, đảm bảo an toàn chạy tàu. Tuy nhiên, cũng để xảy ra các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

Công ty CP Đường sắt Quảng Bình (51% vốn góp của Tổng công ty Đường sắt VN) được Tổng Công ty Đường sắt VN ký hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt hơn 170km, từ Km405+000 đến Km579 + 500 tuyến đường sắt Hà Nội - T.PHCM, đi qua địa phận tỉnh Quảng Bình.

Năm 2022, Công ty CP Đường sắt Quảng Bình được Tổng công ty ĐSVN nghiệm thu, thanh toán kinh phí hơn 140,1 tỷ đồng, quý I/2023 được thanh toán hơn 42,1 tỷ đồng (tổng kinh phí hợp đồng năm 2023 là hơn 158,2 tỷ đồng).

Tuy vậy, một trong những tồn tại được nêu tại kết luận thanh tra là các hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì KCHTĐS quốc gia năm 2022 và năm 2023 chưa đóng dấu giáp lai giữa các trang của Hợp đồng và các biểu khối lượng kèm theo.

Cụ thể, đối với công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì công trình đường sắt có các tồn tại: Công ty chưa thực hiện phân loại cống theo quy định đối với 33 cầu có khẩu độ dưới 2,0m; hồ sơ bình đồ duỗi thẳng tuyến đường sắt có tỷ lệ 1/1.000 là không đúng với quy định là 1/500.

Đáng chú ý, đường gom và hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường bộ (lý trình: Km480+100 đến Km481+100) không có hồ sơ hoàn công, hồ sơ thiết kế, giấy phép thi công và các văn bản liên quan khác theo quy định.

3 đoạn hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường bộ (lý trình: Km488+850 đến Km488+985, Km512+591 đến Km512+802 và Km572+196 đến Km572+250) không có hồ sơ hoàn công, hồ sơ thiết kế và các văn bản liên quan khác.

Đối với công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, tồn tại là hợp đồng đặt hàng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2022 và năm 2023 chưa đóng dấu giáp lai giữa các trang của hợp đồng và các biểu khối lượng kèm theo.

Trong nội dung thực hiện kế hoạch bảo trì công trình đường sắt năm 2022 và quý I/2023: Tổng công ty ĐSVN dù đã xác nhận, đánh giá đối với vật tư thu hồi, nhưng qua kiểm tra tại hiện trường còn một số điểm tập kết vật tư thu hồi chưa sắp xếp gọn gàng (như tại Km552+000-Km553+000 và tại các đường ngang Km500+690, Km502+338). Các hợp đồng và phụ lục hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị, các biểu khối lượng kèm theo chưa đóng dấu giáp lai giữa các trang.

Theo thông tin của Tạp chí GTVT, năm 2022, Tổng công ty Đường sắt VN có văn bản yêu cầu người đại diện phần vốn của Tổng công ty ĐSVN tại các Công ty CP Đường sắt Quảng Bình làm rõ về vật tư chủ yếu trong bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia - Ảnh minh họa

Theo thông tin của Tạp chí GTVT, năm 2022, Tổng công ty Đường sắt VN có văn bản yêu cầu người đại diện phần vốn của Tổng công ty ĐSVN tại các Công ty CP Đường sắt Quảng Bình làm rõ về vật tư chủ yếu trong bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia - Ảnh minh họa

"Trong biên bản nghiệm thu vật tư phần "nội dung căn cứ nghiệm thu" các loại vật liệu đầu vào ghi tg 1/10 P43, L=24,414m thể hiện còn thiếu chi tiết các thông tin về chứng nhận xuất xứ (CO), chứng nhận chất lượng (CQ), chứng chỉ thí nghiệm.

Về quản lý chất lượng công tác bảo trì công trình đường sắt: Toàn bộ biểu mẫu nghiệm thu chất lượng bảo dưỡng thường xuyên cầu, cống quý 1/2023 thể hiện đủ các nội dung nghiệm thu, tuy nhiên chưa cập nhật để thực hiện đúng theo tiêu chuẩn cơ sở TCCS 05: 2022/VNRA (theo Quyết định số 463/QĐ-CĐSVN ngày 31/8/2022 của Cục Đường sắt VN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2022) về Tiêu chuẩn bảo trì công trình cầu, cống, hầm đường sắt (bảo trì và nghiệm thu sản phẩm)", kết luận thanh tra nêu.

Theo Cục Đường sắt VN, để xảy ra các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý, bảo vệ, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt nêu trên, trách nhiệm thuộc Công ty CP Đường sắt Quảng Bình và các cá nhân, đơn vị có liên quan.

Trước những tồn tại, thiếu sót trên, Cục Đường sắt VN kiến nghị Tổng công ty Đường sắt VN thực hiện một số biện pháp xử lý, trong đó có việc chỉ đạo Phân ban Quản lý KCHTĐS khu vực I, Công ty CP đường sắt Quảng Bình kiểm tra chặt chẽ xuất xứ, nguồn gốc, thí nghiệm hàng hóa, các giấy tờ chứng từ liên quan đến việc quản lý chất lượng vật tư và nghiệm thu đánh giá chất lượng vật tư chủ yếu trước khi đưa vào sử dụng công trình theo quy định.

Đối với Công ty CP Đường sắt Quảng Bình: Tổ chức kiểm tra, rà soát khắc phục ngay các tồn tại đã chỉ ra tại kết luận để đảm bảo an toàn chạy tàu. Tổ chức kiểm điểm, xem xét xử lý trách nhiệm (nếu có) của tổ chức, cá nhân liên quan đến các tồn tại của Đoàn thanh tra đã nêu tại kết luận thanh tra.

Cục Đường sắt VN yêu cầu Công ty CP Đường sắt Quảng Bình khẩn trương tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, báo cáo Cục Đường sắt VN kết quả thực hiện trước ngày 30/10/2023.

Tùng Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/phat-hien-nhieu-ton-tai-khi-thanh-tra-cong-ty-cp-duong-sat-quang-binh-183230907171709617.htm