Phát hiện hàng loạt động vật hoang dã quý hiếm: Làm gì để bảo vệ?

Kết quả điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2023 cho thấy quần thể nhiều loài động vật rừng quan trọng không được ghi nhận và có thể đã suy giảm.

Dấu hiệu đáng mừng về môi trường sống

Thời gian gần đây, ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số địa phương khác, người dân liên tiếp phát hiện nhiều loài động vật quý hiếm như voọc Hà Tĩnh, lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng, khỉ mốc, rùa sa nhân...

Lửng lợn Đông Dương, mang Trường Sơn, gà lôi trắng là những cá thể động vật quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng vừa được phát hiện tại Vườn Quốc gia Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế). Cụ thể, vào hôm 19/3, một con lửng lợn Đông Dương được phát hiện tại khuôn viên bưu điện Bạch Mã (cũ), đoạn km19 đường lên đỉnh Bạch Mã. Trước đó, một cá thể lửng lợn khác cũng nhân viên của đơn vị phát hiện ở một khu rừng thuộc Bạch Mã.

Cá thể Mang Trường Sơn được phát hiện ở Vườn Quốc gia Bạch Mã.

Trước đó vào chiều ngày 9/3, hai du khách quốc tịch Pháp trong lúc tham quan Vườn Quốc gia Bạch Mã đã tình cờ gặp 2 cá thể mang Trường Sơn quý hiếm và đã ghi hình lại. Khu vực những du khách chụp được hình là trước khách sạn Phong Lan (km18).

Lợn lửng Đông Dương (trong tiếng Tày gọi là lương mu), hay còn được gọi dưới một số tên khác chồn hoang, cúi, gấu lợn. Tên lửng lợn được đặt do đặc điểm mũi của nó giống như của lợn rừng. Trong một thời gian dài, do nạn săn bắt trái phép dẫn đến suy giảm về số lượng nên Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đã xếp loài này vào thể loại loài sắp bị đe dọa trong sách đỏ IUCN năm 2008.

Mang Trường Sơn (tên khoa học Muntiacus truongsonenis) là loài thú móng guốc thuộc họ hươu nai Cervidae, phân họ Muntiacinae, giống Muntiacus. Đây là loài động vật đặc hữu đang trong tình trạng nguy cấp, từng được phát hiện trong dãy núi Trường Sơn của Việt Nam vào năm 1997. Sau nhiều năm không thấy xuất hiện, loài mang Trường Sơn tưởng chừng như tuyệt chủng. Tại vùng núi tỉnh Thừa Thiên Huế, vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phát hiện mang Trường Sơn.

Theo chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã Nguyễn Văn Thái, sự xuất hiện của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng này rất đặc biệt, bởi thông thường chúng chỉ phân bố, sinh sống ở núi cao, rừng sâu, nơi ít người qua lại. Cùng với đó, những loài động vật này khá gần gũi, thân thiện và không hề tỏ ra lo sợ khi đối diện với con người.

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu về động vật hoang dã, các loài thú quý hiếm chỉ xuất hiện trở lại khi môi trường sống được bảo đảm và chúng không cảm nhận được các mối đe dọa khác. Điều đó gián tiếp khẳng định môi trường sống chủ yếu của các loài động vật hoang dã là những cánh rừng-đã được quản lý, bảo vệ, phát triển trở thành nơi an toàn hơn cho các loài động vật, góp phần làm đa dạng sinh học, bảo tồn các nguồn gene quý hiếm.

Theo chuyên gia, sự xuất hiện của nhiều loài động vật quý hiếm là tín hiệu tốt sau nhiều thập kỷ núi, rừng, đất đai "chảy máu" bởi tình trạng khai thác, buôn bán gỗ lậu, khoáng sản, đốt rừng làm nương rẫy, tận diệt các loài động, thực vật. Những loài thú quý trở lại như mang theo thông điệp xanh đến với cộng đồng, đó là phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường, môi sinh, vì đó là ngôi nhà chung không chỉ của riêng con người.

Suy thoái đa dạng sinh học ở Việt Nam vẫn rất nghiêm trọng

Động vật hoang dã mang lại sự cân bằng và ổn định cho các quá trình của tự nhiên. Bảo tồn động vật hoang dã là hoạt động bảo vệ các loài động thực vật và môi trường sống của chúng - nền tảng quan trọng đối với cuộc sống và sức khỏe của hành tinh.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái và nguồn gen khác nhau.

Nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho thấy với sự trải rộng về vĩ độ, khí hậu Việt Nam đa dạng từ nhiệt đới ẩm ở vùng đất thấp phía Nam đến ôn đới ở vùng cao nguyên phía Bắc. Vì vậy, Việt Nam có sự đa dạng về môi trường tự nhiên và mức độ đa dạng sinh học cao, trở thành "ngôi nhà" của rất nhiều loài động vật hoang dã. Năm nào cũng có những loài mới được phát hiện và ghi nhận.

Việt Nam có hệ động vật vô cùng phong phú: 276 loài động vật có vú, 828 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 472 loài cá nước ngọt và hàng nghìn loài động vật không xương sống đã được xác định. Đây là nơi sinh sống của khoảng 12.000 loài thực vật. Trong đó, khoảng 50% là loài đặc hữu (riêng quần thể khu vực miền Bắc Việt Nam chiếm khoảng 33%).

Nhiều loài đặc hữu có ý nghĩa khoa học và kinh tế lớn. Việt Nam được xác định có 34 loài chim bị đe dọa toàn cầu, 10 loài đặc hữu sống trong rừng có phạm vi hạn chế, 60 loài cá và 4 loài linh trưởng cũng là loài đặc hữu của riêng Việt Nam.

Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị suy giảm nghiêm trọng. Trải qua nhiều thập kỷ khai thác lâm sản quá mức, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thiếu quy hoạch, săn bắt và buôn bán động vật hoang dã trái phép đã khiến diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp, nhiều loài động thực vật bị đe dọa, 28% loài có vú, 10% loài chim, 21% loài bò sát và lưỡng cư đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Kết quả điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh tại Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2023 cho thấy quần thể nhiều loài động vật rừng quan trọng không được ghi nhận và có thể đã suy giảm do việc bẫy bắt vẫn phổ biến trên diện rộng. Theo nhận định của các chuyên gia bảo tồn thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên đây là đợt khảo sát về đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh hệ thống và toàn diện nhất từng được thực hiện tại Việt Nam.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó bảo tồn các loài động vật hoang dã ưu tiên bảo vệ là nhiệm vụ của toàn xã hội, đảm bảo không có thêm loài ưu tiên bảo tồn bị tuyệt chủng. 100% các loài ưu tiên bảo vệ phải có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, sinh cảnh sống của các loài ưu tiên bảo vệ trên toàn quốc; định kỳ cập nhật thông tin, dữ liệu và công bố Danh mục loài ưu tiên bảo vệ; đánh giá tình trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài tại các khu bảo tồn thiên nhiên và ngoài khu bảo tồn thiên nhiên. Đặc biệt là ưu tiên phục hồi các sinh cảnh của các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài ưu tiên bảo vệ di cư: voi, sao la, mang Trường Sơn, thỏ vằn Trường Sơn, rùa Trung Bộ, rùa hộp trán vàng miền Trung, gà lôi lam mào trắng, sếu đầu đỏ, cò mỏ thìa, các loài linh trưởng nguy cấp...

Sáng 16/4: Hiện trường nữ tài xế ô tô "điên" gây tai nạn liên hoàn khiến 2 người bị thương |SKĐS

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-hien-hang-loat-dong-vat-hoang-da-quy-hiem-lam-gi-de-bao-ve-169240416090722785.htm