Phạt hành chính: Luật cho phép, tòa vẫn bó tay

Luật cho phép nhưng hầu như chưa thấy tòa nào, thẩm phán nào tiến hành xử phạt hành chính người gây rối tại tòa. Bị đương sự quậy phá, tòa cũng chỉ biết nhờ công an đến can thiệp. Vì sao?

Theo quy định, ai không chấp hành nội quy phiên tòa, thẩm phán chủ tọa phiên tòa tùy từng trường hợp vi phạm có thể cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm. Nhưng thực tế, các thẩm phán chủ tọa chưa bao giờ áp dụng những biện pháp xử phạt hành chính này dù hiện tượng gây rối tại tòa xảy ra không ít.

Gây náo loạn, lăng mạ, đánh thẩm phán

Gần đây, TAND thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) xử sơ thẩm một vụ tranh chấp đất đai. Sau phần tranh luận, phía bị đơn đã xông vào đánh nguyên đơn và vây hãm chủ tọa để phản đối. Lực lượng bảo vệ kịp thời ngăn chặn, đưa thẩm phán vào phòng nghị án. Nhưng khi HĐXX trở ra, hàng chục người lại xông lên tấn công không cho chủ tọa tuyên án, khiến chủ tọa phải bỏ chạy. Sau đó, nhóm người quá khích này tiếp tục xô bàn ghế, đập phá phòng xử án khiến phiên xử phải hoãn lại.

Vụ khác, một thẩm phán TAND huyện Tuy Phước (Bình Định) vừa tuyên án một vụ ly hôn xong thì bất ngờ cả chục người phía bị đơn xông lên đạp đổ bàn ghế của HĐXX, hò hét nhục mạ các thành viên HĐXX. Họ giật hồ sơ, xé nát toàn bộ các tài liệu rồi đuổi đánh khiến thẩm phán ngất xỉu, gục ngã tại chân cầu thang, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.

Không chỉ có án dân sự, ngay cả án hình sự vẫn có những trường hợp bị cáo manh động gây rối. Tháng 10-2009, tại TAND tỉnh Khánh Hòa, trong phiên phúc thẩm vụ trùm tín dụng đen Trần Thị Hoàng Ánh cùng băng xã hội đen Hạnh “Nhật”, tòa đang thẩm vấn thì Ánh và Lý Văn Minh quay ra sau nói chuyện. Bị cảnh sát nhắc nhở, Minh văng tục nên bị bạt tai. Lập tức, Minh đứng dậy đấm cảnh sát. Hạnh “Nhật” cũng xông đến đánh lực lượng dẫn giải khiến phiên tòa náo loạn…

Thiếu hướng dẫn chi tiết, không phạt được!

Theo Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, các trường hợp gây rối thường xảy ra ở các phiên tòa phi hình sự. Chuyện các bên đương sự tức giận cãi lộn, chửi rủa nhau, thậm chí lăng mạ HĐXX không hiếm. Thông thường, thẩm phán chủ tọa vận dụng quyền điều khiển phiên tòa để yêu cầu người gây rối ra khỏi phòng xử. Nếu họ không chấp hành, tiếp tục gây rối thì tòa nhờ công an phường hoặc cảnh sát 113 đến hỗ trợ. Có chuyện này bởi dù luật cho phép thẩm phán chủ tọa được xử phạt hành chính người gây rối nhưng không thực hiện được bởi chưa có hướng dẫn vận dụng quy định như thế nào, phạt ra sao...

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM bổ sung: Muốn xử phạt hành chính, trước tiên tòa phải lập biên bản vi phạm, sau đó ra quyết định xử phạt. Việc lập biên bản vi phạm hành chính không đơn giản, phải đảm bảo có đủ các bên ký vào, có cả người chứng kiến. Nhưng lúc lộn xộn, tòa mải lo đối phó, khi ổn định được trật tự thì người gây rối đã bỏ đi, đến biên bản còn chưa lập được thì lấy gì mà xử phạt. Chưa kể, mẫu biên bản xử phạt hành chính của tòa cũng chưa có. Mặt khác, mức độ nào đáng để xử phạt, vi phạm nào cảnh cáo, vi phạm nào phạt tiền… đều chưa rõ.

Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM cho biết thêm các tòa, các thẩm phán không muốn “làm trò cười” khi ra quyết định xử phạt hành chính nhưng lại thiếu cơ chế để thi hành. Thực tế, nếu tòa xử phạt hành chính một ai đó như phạt tiền thì quyết định này sẽ thực thi thế nào? Cơ quan nào thi hành: UBND, công an hay thi hành án dân sự? Các cơ quan này đều chưa có cơ chế thi hành quyết định xử phạt hành chính của tòa. Chẳng lẽ tòa tự cử cán bộ đi tìm người gây rối yêu cầu nộp phạt? Nếu họ không chấp hành thì sao? Đặt giả thiết, người bị phạt tự nguyện chấp hành quyết định thì họ sẽ nộp tiền phạt thế nào, nộp vào đâu?

Hiện nay, các hành vi gây rối của đương sự không chỉ xảy ra ở phiên xử mà còn ở cả lúc tòa lấy lời khai, hòa giải… Bộ luật Tố tụng dân sự dành một chương để quy định việc xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng nhưng chỉ là số ít trong rất nhiều loại hành vi gây rối. Chương này cũng chỉ dừng lại ở quy định chung là “thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định”.

Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của tòa

1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 2.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

2. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

3. Chánh án TAND cấp huyện, chánh tòa TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự khu vực có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

4. Chánh án TAND cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự quân khu và tương đương, chánh án TAND Tối cao có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.

(Trích Điều 40 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008)

Mạnh tay hơn

Tại Mỹ, nếu đương sự gây rối tại phiên tòa, thẩm phán sẽ ra lệnh ngay cho lực lượng an ninh (tại tất cả các phiên tòa đều có mặt lực lượng này, có thể là cảnh sát tư pháp hay nhân viên an ninh của tòa) bắt giữ rồi chuyển sang cơ quan công tố truy tố về hành vi quấy rối và đưa ra xét xử trong thời gian sớm nhất. Mức phạt thường rất nặng và ghi vào lý lịch tư pháp.

Ở ta, điểm yếu nhất là thiếu lực lượng tư pháp bảo vệ phiên tòa, thực tiễn xử lý lại còn quá nhẹ tay nên đương sự mới dám coi thường HĐXX và những người tham gia tố tụng khác. Đã đến lúc chúng ta cần có một thiết chế nghiêm khắc hơn, mạnh dạn vận dụng pháp luật về xử phạt cũng như cần có lực lượng bảo vệ tư pháp có mặt tại tất cả các phiên xử nhằm khôi phục lại tính uy nghiêm của chốn công đường.

Luật sưNGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Quy định chi tiết

Nghị định 73 ngày 12-7-2010 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội) chỉ quy định về hành vi gây rối trật tự tại phiên tòa. Vậy các hành vi gây rối trật tự ngoài phiên tòa nhưng nằm trong quá trình tố tụng (hòa giải, đối chất, nhận dạng, thẩm định, xác minh tại chỗ…) thì xử lý sao? Thiết nghĩ cần phải bổ sung quy định pháp luật thật chi tiết và nâng cao chế tài xử phạt để trả lại sự tôn nghiêm của pháp đình.

Luật sưTRẦN HẢI ĐỨC,Đoàn Luật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20111016111848545p0c1063/phat-hanh-chinh-luat-cho-phep-toa-van-bo-tay.htm