Pháp vẫn chưa thể hy vọng!

Hồi năm 1998, HLV trưởng Glenn Hoddle mời hẳn một chuyên gia chữa trị bằng niềm tin tháp tùng đội Anh đến Pháp dự World Cup, để giúp các tuyển thủ Anh tự tin thể hiện phong độ tối đa. Kết quả, đội Anh dưới thời Hoddle trở thành một trong những đội tuyển Anh kém nhất trong kỷ nguyên hiện đại. Và dĩ nhiên, đội tuyển ấy chỉ có thể thất bại tại World Cup 1998, về nước ngay sau vòng 2.

Phù thủy châu Phi – chuyện quen thuộc luôn xuất hiện mỗi khi các đội châu Phi dự VCK World Cup – cũng vậy. Hầu như chẳng có tác dụng tích cực nào khi các đội tuyển châu Phi rước pháp sư làm phép cho cầu thủ của họ. Tất nhiên, phép màu luôn là chuyện hoang đường. Nhưng vấn đề “phù thủy châu Phi” vẫn đáng bàn khi người ta nhìn vào đấy từ khía cạnh tâm lý. Lập luận: khi các cầu thủ tin rằng họ đã được thần linh trợ giúp thì tinh thần, niềm tin khi ra sân sẽ khác. Bây giờ, HLV Laurent Blanc mời chuyên gia tâm lý vào đội tuyển Pháp để giúp các tuyển thủ nước này gượng dậy sau thất bại thảm hại ở World Cup 2010 và cũng chẳng mấy thành công trong chặng khởi động vòng loại EURO 2012. Trước khi mời chuyên gia tâm lý, Blanc cũng đã mời đồng đội cũ Zinedine Zidane tham gia đội tuyển với vai trò cố vấn, tóm lại là cũng chẳng có giá trị tích cực gì. Chuyện Blanc hy vọng tên tuổi của Zidane sẽ tiếp thêm sức mạnh cho đội tuyển Pháp của ông cũng chẳng khác gì chuyện Argentina hy vọng tên tuổi của HLV “bù nhìn” Diego Maradona sẽ là một đóng góp tích cực, có lợi cho tinh thần thi đấu của các ngôi sao Argentina tại World Cup 2010. Điểm chung giữa những Zidane, Maradona, bác sĩ tâm lý, chuyên gia chữa bệnh bằng niềm tin hay phù thủy châu Phi? Rõ ràng, nếu như họ có một giá trị nào đó, đấy đều là giá trị nằm ngoài khả năng chuyên môn của ban huấn luyện cũng như khả năng chơi bóng của chính các cầu thủ. Khi đội bóng thi đấu mà chỉ trông mong vào một giá trị bên ngoài như vậy, thì đâu là vai trò của HLV trưởng, của chính các cầu thủ trong đội? Việc Blanc hết nhờ Zidane lại nhờ bác sĩ tâm lý cho thấy ông đã không có niềm tin vào năng lực của chính mình (hoặc biết rõ chính mình không có khả năng dẫn dắt đội Pháp đến thành công). Giải thích về quyết định mời bác sĩ tâm lý, HLV Blanc nói rằng đội Pháp nói chung cũng như các tuyển thủ Pháp nói riêng là thế này, thế nọ, đại khái là trong tay ông không thiếu cầu thủ giỏi, nhưng các cầu thủ ấy lại không thể kết hợp thành một đội bóng giỏi. Vậy thì, Blanc giữ ghế HLV trưởng để làm gì? HLV Arsene Wenger chưa bao giờ phải mời bác sĩ tâm lý, nhờ vả các tượng đài trong quá khứ hoặc thuê phù thủy. Nhưng các cầu thủ trẻ vô danh, các cầu thủ tài hoa bị nơi khác vứt bỏ vì đánh giá sai, các ngôi sao tưởng đã đến lúc hết thời, hễ do Wenger huấn luyện thì đều trở nên rực sáng. Như thế mới là HLV giỏi. Nhưng tất nhiên, so sánh để thấy rằng Wenger giỏi hơn Blanc thì quá thừa thãi. Điều đáng nói ở đây: Blanc là người của bóng đá đỉnh cao. Vậy mà chính ông lại có suy nghĩ cho rằng thành công trong bóng đá có thể đến từ những con đường khác hơn là con đường… đá bóng, thì quá nản! Chỉ đến khi nào HLV Laurent Blanc can đảm chấp nhận sự thật: đội Pháp chỉ ngóc đầu lên nổi khi các cầu thủ của ông đá hay và chính ông giỏi điều binh khiển tướng, thì giới hâm mộ bóng đá Pháp mới có chỗ để hy vọng. Những chuyện về tâm lý, uy tín… mà Blanc dựng lên đều vớ vẩn cả. Nguyễn Minh

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/thethao/pages/201041/20101004083517.aspx