Pháp phạt tiền kẻ quấy rối phụ nữ trên phố sau scandal tình dục ở Hollywood

Theo luật mới vừa được ban hành tại Pháp, các đối tượng có hành vi quấy rối phụ nữ trên đường phố sẽ bị phạt tiền tại chỗ. Mức phạt có thể lên đến hàng nghìn USD.

Ảnh: Asia News Network

Theo AFP, điều luật mới này được đưa ra trong bối cảnh vụ bê bối tình dục của ông trùm Hollywood Harvey Weinstein vỡ lở khuyến khích phụ nữ Pháp dũng cảm kể ra câu chuyện của họ.

Thư ký về bình đẳng giới của Pháp, Marlene Schiappa (34 tuổi) được biết đến là người hoạt động mạnh mẽ cho phong trào nữ quyền, sớm ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong việc đề xuất ban hành luật mới này. Mục đích của luật nhằm ngăn chặn “văn hóa nam quyền” khi mà không ít nam giới nghĩ rằng: Họ có quyền nhận xét về thân thể cũng như chòng ghẹo phụ nữ nơi công cộng. Trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh RTL, Marlene Schiappa cho rằng: “Điều luật này rất cần thiết do quấy rối đừng phố chưa được quy định trong luật pháp”.

Khi cả 4 nữ diễn viên người Pháp tiết lệ cuộc gặp gỡ giữa họ với nhà sản xuất Harvey Weinstein - người đang dính vào scandal tình dục lớn ở Hollywood - đã khiến quấy rối tình dục trở thành vấn đề nổi cộm, thu hút sự quan tâm của dư luận Pháp. Hàng nghìn phụ nữ là nạn nhân của vấn nạn lạm dụng tình dục trên thế giới đã và đang chia sẻ câu chuyện của họ trên Twitter với thẻ tag #MeToo, riêng phụ nữ Pháp dùng thêm thẻ tag #balancetonporc do nhà báo Sandra Muller tạo ra. Cô đã dũng cảm thuật lại các tình huống quấy rối đã gặp phải ở công sở và khuyến khích các phụ nữ đồng cảnh ngộ tiến lên và hành động. Sandra thừa nhận: Trong nhiều năm qua, cô đã im lặng về chuyện trưởng phòng tin tức đã làm với mình. Nhưng giờ là thời điểm để chúng ta “vùng dậy”, tự bảo vệ khỏi hành vi quấy rối.

Schiappa cũng đề cập đến những khó khăn khi phân biệt giữa quấy rối và hành vi tán tỉnh. Nhưng cô cũng khẳng định: “Chúng tôi biết rất rõ thời điểm bản thân cảm thấy bị đe dọa, không an toàn hoặc bị quấy rối trên đường phố”. Cô Schiappa nêu ví dụ: Khi một người đàn ông xâm phạm vào không gian cá nhân của phụ nữ “bằng cách nói chuyện mà chỉ cách mặt bạn 10-20cm”, bám theo “nạn nhân” dù họ đã từ chối vài lần hoặc “hỏi xin số điện thoại đến 17 lần”.

Một bên thứ ba cần làm việc với cảnh sát và quan tòa để đưa ra định nghĩa về các hành vi quấy rối để các cảnh sát trên phố có thể nhận diện và xử lý tại chỗ. Khi nhận được thông báo từ phụ nữ, cảnh sát khu phố sẽ làm việc và tiến hành lệnh phạt. Schiappa cho biết: Hiện tại, mức phạt đang được thảo luận và chưa được xác định cụ thể, nhưng có thể lên đến hàng nghìn USD. Khi luật này được thi hành, mọi người sẽ thấy hành vi quấy rối trên đường phố là tội rất lớn.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình ngày 15/10, Tổng thống Pháp Macron nói rằng: “Im lặng, những cấm đoán, kiêng kỵ đã làm gia tăng thương tổn cho những nạn nhân bị xâm hại. Ngày nay, quá nhiều phụ nữ phải chịu đựng nỗi đau này vì họ không dám tố cáo”.

Nói về vụ bê bối tình dục của Weinstein, Tổng thống Pháp nhận định: “Thật tốt là những người phụ nữ đã nói ra”. Những nạn nhân cần hiểu rằng: Chính thủ phạm là kẻ phải cảm thấy xấu hổ chứ không phải họ.

Một nghiên cứu xã hội học năm 2014 mà Chính phủ Pháp tiến hành cho thấy cứ 5 phụ nữ thì có một người bị quấy rối tình dục ở công sở hoặc trong quá trình làm việc, nhưng chỉ có 5% dũng cảm tố cáo hành vi này.

PV

Theo AsiaOne

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/phap-phat-tien-ke-quay-roi-phu-nu-tren-pho-sau-scandal-tinh-duc-o-hollywood-78611.html