Pháp giúp Brazil phát triển tàu ngầm năng lượng hạt nhân

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đề nghị giúp Brazil phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong chuyến thăm chính thức tới quốc gia Nam Mỹ này.

Tổng thống Brazil Luis Inacio Lula da Silva và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Khu liên hợp Hải quân Itaguai, Itaguai, Brazil, ngày 27 tháng 3 năm 2024

Tuyên bố trên được ông Macron đưa ra khi phát biểu tại lễ hạ thủy Tonelero (S42), tàu ngầm diesel-điện lớp Riachuelo thứ ba của Brazil được phát triển dựa trên tàu ngầm lớp Scorpene của Pháp. Buổi lễ do Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva chủ trì diễn ra gần thủ đô Rio de Janeiro.

“Tôi muốn chúng ta mở ra một chương mới cho các tàu ngầm” hướng tới động cơ đẩy hạt nhân “trong khi hoàn toàn tôn trọng tất cả các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân,” ông Macron nói và khẳng định “bạn muốn điều đó, Pháp sẽ ở bên cạnh bạn.”

Chương trình phát triển tàu ngầm Brazil (PROSUB) được triển khai vào năm 2008, sau khi hiệp ước an ninh được ký kết giữa Tổng thống Brazil Lula da Silva và người đồng nhiệm Pháp lúc bấy giờ là Nicolas Sarkozy đã mở đường cho kế hoạch hiện đại hóa hải quân Brazil. Con tàu thứ năm của chương trình có tên Alvaro Alberto dự kiến sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Với đường bờ biển rộng lớn, 95% lượng nhập khẩu và 90% nguồn cung dầu quốc gia đến từ biển, PROSUB được thành lập để bảo vệ các nguồn tài nguyên chiến lược của Brazil, đồng thời phát triển ngành đóng tàu của nước này và tạo ra hàng nghìn việc làm.

Công ty quốc phòng Pháp Naval Group đã hỗ trợ thiết kế những sửa đổi đối với thân tàu để phù hợp với lò phản ứng hạt nhân - nhưng Paris đã do dự cung cấp công nghệ động cơ đẩy hạt nhân cho Brasilia do lo ngại vi phạm các cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Cho đến nay, mới chỉ có 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp và Ấn Độ sở hữu tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Brazil là một quốc gia không có vũ khí hạt nhân tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng các quy định của nước này về mặt kỹ thuật không cấm nước này xây dựng các lò phản ứng hạt nhân hải quân và làm giàu uranium để cung cấp nhiên liệu.

Chương trình năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Brazil vào thời điểm này hoàn toàn do các đơn vị trong nước thực hiện, với đầy đủ chu trình làm giàu nhiên liệu uranium và hai nhà máy điện hạt nhân. Thiết kế nồi hơi hạt nhân cho con tàu tiềm năng cho đến nay cũng hoàn toàn mang phong cách Brazil./.

(Theo RT)

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/phap-giup-brazil-phat-trien-tau-ngam-nang-luong-hat-nhan-228985.htm