Pháp chạy đua để mang đến một kỳ Olympic không có muỗi gây bệnh

Pháp đang phải đối mặt với một nhiệm vụ đầy thách thức để đảm bảo Thế vận hội Paris 2024 sắp tới không có mối đe dọa từ các bệnh do muỗi truyền, trong bối cảnh muỗi vằn mang virus làm lây lan các bệnh truyền nhiễm đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn ở châu Âu.

Chính phủ Pháp đang tăng cường nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro do muỗi vằn gây ra cho các VĐV và khán giả. Ảnh: news.cgtn.com/TTXVN

Pháp đang phải đối mặt với một nhiệm vụ đầy thách thức để đảm bảo Thế vận hội Paris 2024 sắp tới không có mối đe dọa từ các bệnh do muỗi truyền, trong bối cảnh muỗi vằn mang virus làm lây lan các bệnh truyền nhiễm đang trở thành mối đe dọa ngày càng lớn ở châu Âu

Muỗi vằn châu Á đã xâm nhập phần lớn Bắc Âu trong hai thập kỷ qua, bao gồm cả Pháp, làm lây lan các bệnh như sốt xuất huyết, sốt chikungunya, zika… và do đó, trở thành mối lo ngại lớn đối với ban tổ chức Olympic. Với hàng triệu người hâm mộ, du khách và hàng trăm vận động viên dự kiến sẽ đến thủ đô Paris để tham dự Olympic mùa hè này, Chính phủ Pháp đang tăng cường nỗ lực nhằm giảm thiểu rủi ro do loài muỗi này gây ra.

Biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân khiến loài côn trùng này dễ dàng thích nghi với khí hậu lạnh hơn, khi chính quyền gần đây đã tuyên bố Normandy - khu vực không có muỗi vằn cuối cùng còn sót lại trên toàn nước Pháp, cũng đã bị lây nhiễm giống như phần còn lại của đất nước, nêu bật mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Nhiều biện pháp khác nhau đã được thử nghiệm để tiêu diệt muỗi, bao gồm cả việc khử trùng các khu vực ở Paris, một phương pháp thường được sử dụng tại các vùng nhiệt đới. Tuy nhiên, chỉ còn 4 tháng nữa là Olympic Paris diễn ra nên thời gian không còn nhiều. Các chuyên gia cảnh báo rằng một vết cắn của muỗi vằn cũng có thể gây nguy hiểm cho cơ hội tham gia Thế vận hội của vận động viên.

Ông Didier Fontenille, một nhà côn trùng học và chuyên gia về các bệnh truyền qua vector cho biết một khi mắc bệnh sốt xuất huyết, bạn sẽ không thể nhảy qua được các chướng ngại vật (trong cuộc thi). Do đó, các thành phố đăng cai và đặc biệt là Làng Olympic phải “không có muỗi”, ông Fontenille nhấn mạnh.

Được biết, các cơ quan y tế của Pháp đã cam kết sẽ “tăng cường giám sát” mối đe dọa từ muỗi – loài côn trùng vốn nổi tiếng khó loại bỏ.

Trong năm ngoái, Pháp đã báo cáo 45 trường hợp sốt xuất huyết, do lây truyền virus tại địa phương.

Muỗi vằn sống tốt nhất ở các thành phố, nơi có nhiều nước đọng tạo điều kiện lý tưởng cho chúng đẻ trứng. Theo đó, ông Fontenille cho rằng việc xử lý các vũng nước đọng sẽ “giải quyết được 80% vấn đề” nếu có “sự huy động của toàn dân” để dọn sạch các vũng nước, ngay cả lượng nước nhỏ nhất còn sót lại trong chén bát hoặc đĩa hoa. Đối với những trường hợp còn lại, thuốc chống côn trùng, màn chống muỗi và thuốc trừ sâu hữu cơ được sử dụng để diệt ấu trùng muỗi có thể sẽ phát huy hiệu quả, ông nói thêm.

Bẫy muỗi cũng cho thấy nhiều hứa hẹn khi sử dụng mùi cơ thể mô phỏng của con người để thu hút và sau đó tiêu diệt muỗi. Một cách khác cũng được thử nghiệm là đánh lừa muôi đẻ trứng vào bẫy, nơi chúng bị tiêu diệt.

Có thể thấy, cuộc chiến chống muỗi vằn đã thúc đẩy một ngành công nghiệp đang phát triển. Công ty Biogents cho biết họ đã thắng thầu để bảo vệ Bến du thuyền Marseille, địa điểm tổ chức các cuộc thi chèo thuyền, với kế hoạch lắp đặt 15 bẫy muỗi vào tháng tới, trải rộng trên những khu vực cây xanh và những nơi ẩm ướt, râm mát. Hay như Qista - một công ty chuyên diệt muỗi khác của Pháp, cũng cho biết đã lắp đặt 13.000 thiết bị chống muỗi ở 26 quốc gia trong thập kỷ qua. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đang tích cực nghiên cứu các kỹ thuật sửa đổi và khử DNA để giảm số lượng muỗi.

Khi thời gian đếm ngược đến Thế vận hội Paris không còn quá nhiều, Pháp đang tăng cường các nỗ lực đảm bảo môi trường không có muỗi cho các vận động viên và khán giả, thể hiện cam kết tổ chức một giải đấu an toàn.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters & AFP)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/phap-chay-dua-de-mang-den-mot-ky-olympic-khong-co-muoi-gay-benh-139178.html