Pháp - bên thứ năm trong đàm phán? (Kỳ II)

Pháp có phải là bên thứ 5 trong đàm phán? Để trả lời câu hỏi này, nhà sử học người Pháp pierre journoud đã có những phân tích....

Tham vọng lấy lại ảnh hưởng của Pháp tại khu vực để bảo vệ lợi ích kinh tế, văn hóa và giảm thiểu sự đổ vỡ quan hệ sau khi thực dân tan rã, đã vấp phải 3 vật cản lớn. Một là, thực tế chiến tranh đã làm cho quan điểm các bên tham chiến trở nên cứng rắn và luôn theo đuổi chiến thắng trên chiến trường để có thể đàm phán trên thế thắng. Hai là, sự giải phóng các lực lượng ở khu vực Đông Nam Á đã cổ vũ các phong trào chủ nghĩa quốc gia tìm kiếm ảnh hưởng và những đòi hỏi về lãnh thổ vốn từ lâu bị thực dân chiếm giữ trong khu vực Đông Dương. Và ba là, quán tính của Chiến tranh lạnh có xu hướng phân chia quan hệ quốc tế thành hai cực, gây hại cho các nước trung bình. Trong bối cảnh đó, các sáng kiến của Pháp được người Mỹ đón nhận như thế nào?

Do dự của người Mỹ

Theo cách tự nhiên, những xung đột về chính trị - chiến lược đã làm cho Mỹ và Pháp đối nghịch nhau từ chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (xây dựng châu Âu, vấn đề nguyên tử, Trung Đông…) đã thường xuyên tác động đến quan hệ hai nước trong vấn đề Việt Nam.

Giữa Paris và Washington cũng không thiếu những vấn đề gai góc trong giai đoạn nửa cuối những năm 1960, nhưng dưới thời Tướng Charles de Gaulle, vấn đề Việt Nam mang nét đặc trưng riêng. Vấn đề này vốn được xem như hàn thử biểu cho quan hệ Pháp - Mỹ cho tới năm 1969. Chính quyết định Mỹ hóa chiến tranh và leo thang của chính quyền Johnson vào mùa Xuân 1965 đã đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn mà Tướng Charles de Gaulle và đồng sự đã cố công duy trì từ cuối những năm 1950. Pháp muốn thuyết phục Mỹ rằng chỉ có một giải pháp đàm phán mới có thể tránh cho họ khỏi số phận như người Pháp năm 1954.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Johnson khi đó đã tỏ ra thờ ơ với những cảnh báo “kín đáo” này. Sau vài tháng im lặng trong năm 1965, cuối cùng, Tổng thống Johnson đã công khai thể hiện sự “dị ứng” trước những chỉ trích ngày càng mạnh của Tướng Charles de Gaulle. Các hồ sơ lưu trữ đã chứng minh rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ từ lâu đã được các Đại sứ Mỹ, các nhà phân tích và cả người Pháp cung cấp thông tin về quan điểm và động lực của Pháp. Ít ra từ năm 1963, người Mỹ cũng biết một trong những mục tiêu chính của Tướng De Gaulle là giúp đỡ người Việt hành động độc lập với “chủ nghĩa cộng sản thế giới” và với Mỹ để đi đến một sự thống nhất được cho là tuyệt đối cần thiết cho hòa bình.

Từ năm 1965, những giải thích về quan điểm của Pháp không làm chia rẽ chính quyền Johnson: phe đa số của Tổng thống Johnson nghĩ rằng Tướng Charles de Gaulle có động lực vì những oán hận trong quá khứ. Đó là sự thất vọng với Roosevelt trong chiến tranh thế giới thứ hai, sự thay thế ảnh hưởng của Pháp bằng ảnh hưởng của Mỹ tại Việt Nam sau 1954 và vì một thứ chủ nghĩa quốc gia kênh kiệu, thậm chí là một ý đồ trả thù. Ngập sâu trong những khó khăn đã được Tướng De Gaulle dự báo từ lâu, song người Mỹ vẫn cảm thấy khó chịu như bị đồng minh phản bội. Theo Thomas Hughes, lãnh đạo Văn phòng Intelligence and Research (Tình báo và Nghiên cứu) thuộc Bộ Ngoại giao, rất ít người nghĩ rằng Tướng De Gaulle chân thành và đáng được lắng nghe khi cho rằng chính sách leo thang quân sự của Mỹ sẽ rơi vào thất bại; rằng một giải pháp bền vững nhất thiết phải là sự thống nhất giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam dù có phải đặt dưới sự dẫn dắt của cộng sản. Cuối cùng, những người thuộc số ít này, như Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, tuy gần với những quan điểm của Pháp về Việt Nam, nhưng phải im lặng dù chính sách của De Gaulle về châu Âu và OTAN làm họ khó chịu.

Lo ngại những hậu quả của cuộc khủng hoảng công khai với Tướng Charles de Gaulle vốn đang có uy tín cao trên trường quốc tế, chính quyền Johnson không kiêng dè đưa ra những quyết định đi ngược lại một cách có hệ thống với những đề xuất của Pháp về vấn đề Việt Nam. Ông ta tiếp tục cho leo thang chiến tranh cho tới tháng 3/1968. Thể hiện sự lạnh nhạt ở nơi đông người, tuy nhiên, Tổng thống Johnson lại tỏ ra nhún nhường trước Tướng De Gaulle. Qua dư luận và giới lãnh đạo miền Nam Việt Nam, lại được cảnh báo về ảnh hưởng ngày càng lớn của ngoại giao Pháp ủng hộ đàm phán, ủng hộ tính trung lập, hòa bình và nhạy cảm trước những kiến nghị của một số cố vấn theo quan điểm cần cứng rắn hơn với Pháp, nên tháng 2/1965, Tổng thống Johnson đã thuyết phục Tổng thống Pháp từ bỏ ủng hộ trung lập hóa Việt Nam, nhưng vô ích. Có thể ông ta đã quên thất bại cay đắng của phương cách này khi áp dụng với Đại sứ Mỹ tại Pháp Charles Bohlen. Ám ảnh về hội chứng Munich - cũng như về De Gaulle đã khiến chính quyền Johnson tiếp tục đánh đồng các quan điểm của Tướng De Gaulle như là một mô hình hòa bình bằng mọi giá và là một sự đầu hàng trước phe cộng sản…

Tuy vậy, căng thẳng sẽ được làm dịu ngay từ khi chính quyền Johnson nhận thấy bế tắc chiến lược của đội quân Mỹ ở Việt Nam. Với một giác quan chính trị rất nhạy bén, Tướng Charles de Gaulle đã dự đoán trước được nhận thức này của Mỹ từ năm 1967.

Pierre Journoud

(Còn nữa)

Nguồn TG&VN: http://www.tgvn.com.vn/Item/VN/NgoaiGiao/2013/1/A5C838CF4A599126/