Phản ứng xung quanh việc hạn chế xe tải nhẹ vào trung tâm TP.HCM

UBND TP.HCM vừa giao Sở Giao thông - Vận tải (GT-VT) nghiên cứu phương án không cho xe tải nhẹ lưu thông ban ngày trên các trục đường chính thường bị ùn tắc. Song, đề xuất trên lập tức bị phản ứng bởi dư luận cho rằng kẹt xe có nhiều nguyên nhân chứ không thể 'đổ lỗi' cho xe tải.

Xe tải được coi là 1 trong các nguyên nhân gây kẹt xe.

Hạn chế xe trọng tải nhẹ

Theo Quyết định 121 UBND TP.HCM ban hành năm 2007 về hạn chế và cấp phép cho ô tô vận tải lưu thông trong khu vực nội ô TP.HCM, thì ô tô vận tải có tải trọng dưới 2,5 tấn (gọi là xe tải nhẹ) không được phép lưu thông vào khu vực nội ô thành phố từ 6-8h và từ 16-20h. Như vậy, những xe tải loại từ 500 kg đến dưới 1,5 tấn cũng là phương tiện bị điều chỉnh bởi quy định này.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 11/2016 đến nay, quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ của Bộ GT-VT về biển báo giao thông, cho phép xe tải từ 500 kg đến dưới 1,5 tấn lưu thông như xe con. Nghĩa là xe loại này chạy thoải mái, bất kể giờ giấc nên đang góp phần vào việc gây ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Để giải quyết tình trạng trên, Sở GT-VT TP.HCM đã có văn bản xin ý kiến Bộ GT-VT điều chỉnh các biển báo cho phù hợp, thống nhất. Trên cơ sở đó, sở này đã chỉ đạo các khu quản lý giao thông đô thị lắp thêm biển phụ (biển vuông, nền đỏ, chữ trắng) dưới các biển cấm xe tải nhẹ. Nội dung biển phụ này cấm những xe tải dưới 1,5 tấn lưu thông vào khu vực nội ô trong khoảng thời gian như Quyết định 121 trước đây: từ 6-8h và từ 16-20h.

Như vậy, đây là bước hạn chế xe tải nhẹ lưu thông vào khu vực trung tâm trong khoảng thời gian cao điểm, còn việc cấm hẳn loại xe này thì Sở GT-VT chưa nghĩ đến.

Vận chuyển hàng hóa sẽ khó khăn?

Trong diễn biến liên quan, Sở GT-VT TP.HCM đang nghiên cứu cấm xe tải chạy vào ban ngày trong phạm vi các đường thuộc Q.1 Nguyễn Thị Minh Khai - Đinh Tiên Hoàng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám. Các quy định "chồng chéo" trên khiến những chủ xe tải nhẹ chịu thiệt trong việc buôn bán và vận chuyển hàng hóa.

Anh Phan Đình Kế (47 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, "sinh sống bằng nghề lái xe tải nhẹ dưới 1,5 tấn, chở hàng thuê nhiều năm qua. Khi quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ có hiệu lực, cánh làm nghề tụi tui rất mừng, bởi xe tải nhẹ dưới 1,5 tấn sẽ không bị cấm lưu thông vào trung tâm thành phố. Chúng tôi được thuê chở nhiều chuyến hàng hơn, thu nhập tốt hơn. Nếu cấm, không cho phép xe tải nhỏ lưu thông vào trung tâm thành phố giờ cao điểm sẽ ảnh hưởng đến thu nhập giới lao động chúng tôi. Bởi ngoài thời gian cấm, chúng tôi còn rất ít thời gian để chở hàng”.

Còn anh Lương Văn Mừng (27 tuổi, ngụ quận 7) cho biết nếu cơ quan chức năng nghiên cứu cấm xe tải nhẹ để giảm tình trạng kẹt xe, thì cá nhân tôi thấy phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nhưng xe tải nhẹ không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng kẹt xe. Chuyện kẹt xe tại TP.HCM là do rất nhiều yếu tố, đổ lỗi hết cho xe tải nhẹ thì không đúng. “Nếu cấm xe tải nhỏ thì hạn chế luôn xe taxi vào giờ cao điểm? Xe taxi quá nhiều so với nhu cầu? Cứ nhìn vào thực tế lúc kẹt xe, sẽ thấy loại phương tiện nào chiếm nhiều diện tích mặt đường sẽ rõ” - anh Mừng nói.

Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GT-VT TP.HCM cho biết: hiện sở này còn giao cho Khu quản lý giao thông đô thị số 1 nghiên cứu hạn chế xe tải nhẹ có tổng trọng tải dưới 2,5 tấn chạy ban ngày trên các tuyến đường ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận).

Trả lời câu hỏi, liệu việc hạn chế loại xe tải này có ảnh hưởng đến việc cung cấp hàng hóa cho người dân thành phố (hoặc trong khu vực)? Ông Đường cho biết Sở GT-VT TP.HCM sẽ xem xét cấp giấy phép cho xe tải nhẹ chở hàng thiết yếu được chạy vào ban ngày ở khu vực trên để phục vụ người dân.

TP.HCM: Đề xuất thu phí ô tô vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc

Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong vừa trình UBND TP.HCM và Sở Giao thông Vận tải đề xuất dự án "thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM để hạn chế ùn tắc giao thông".

Theo đề án, sẽ bắt đầu thu phí kể từ năm 2019. Thời gian thu phí dự kiến từ 6-19h hàng ngày. Mức thu phí được quy định như sau: Từ 40.000 đồng đối với ô tô cá nhân, 30.000 đồng đối với taxi (có đăng ký tại TP.HCM); từ 50.000 đồng đối với xe tải và xe buýt thương mại.

Đại diện Công ty Cổ phần công nghệ Tiên Phong cho hay, cổng thu phí được bố trí trên một vành đai khép kín bao quanh khu vực trung tâm TP.HCM, bao gồm: Tuyến đường Hoàng Sa ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến giao lộ Nguyễn Phúc Nguyên - Cách Mạng Tháng Tám (quận 3); đường Ba Tháng Hai, Lê Hồng Phong, Lý Thái Tổ, Nguyễn Văn Cừ, đường Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng.

Theo thiết kế ban đầu, sẽ có 36 cổng thu phí đa làn, tự động không dừng và một trung tâm điều hành kết nối với các cổng thu phí, xử lý thông tin và quản lý hoạt động thu phí. Trong đó, có 2 cổng thu phí được lắp trên đường Bạch Đằng và Trường Sơn thu phí ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất.

Tổng mức đầu tư dự án là 1.797 tỷ đồng theo hình thức nhà nước và tư nhân hợp tác (PPP); xây dựng, thuê dịch vụ và chuyển giao (BLT) trong thời gian 15 năm. Dự kiến nếu tổ chức thu phí như trên sẽ thu được khoảng 700 tỷ đồng/năm.

Quang Linh

Hoàng Bắc

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/phan-ung-xung-quanh-viec-han-che-xe-tai-nhe-vao-trung-tam-tphcm-d62230.html