Phản ứng toàn cầu đối với các lệnh cấm của Taliban nhằm vào nữ giới

Dư luận quốc tế tiếp tục bày tỏ phản đối các biện pháp hạn chế mà chính quyền Taliban tại Afghanistan áp đặt đối với nữ giới như cấm làm việc cho các tổ chức phi chính phủ (NGO) hay được tiếp xúc với giáo dục.

Phản ứng ở cấp độ toàn cầu

Quyền Trưởng phái đoàn Liên hợp quốc (LHQ) tại Afghanistan (UNAMA) Ramiz Alakbarov ngày 26/12 (giờ địa phương) đã yêu cầu quyền Bộ trưởng Kinh tế trong chính quyền Taliban tại Afghanistan, ông Mohammad Hanif đảo ngược quyết định cấm nữ giới làm việc cho NGO. Tuyên bố của UNAMA nhấn mạnh hàng triệu người Afghanistan cần hỗ trợ nhân đạo và việc dỡ bỏ các rào cản là rất quan trọng. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về lệnh cấm mới đây của chính quyền Taliban tại Afghanistan.

Phụ nữ Afghanistan biểu tình đòi nữ quyền, phản đối Taliban.Ảnh: NPR

Phụ nữ Afghanistan biểu tình đòi nữ quyền, phản đối Taliban.Ảnh: NPR

Ông đã tái khẳng định tất cả phụ nữ đều có quyền tham gia lực lượng lao động, góp phần đem lại những lợi ích tốt đẹp hơn. Quyết định của chính quyền Taliban sẽ làm suy yếu hoạt động của nhiều tổ chức trên khắp Afghanistan trong việc giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

Chỉ trích lệnh cấm này, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố sẽ đánh giá thận trọng các tác động của lệnh cấm đối với hoạt động nhân đạo tại Afghanistan. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Pháp ra thông cáo phản đối quyết định của Taliban, cho rằng biện pháp này là hành vi xâm phạm quyền của nữ giới và gây rủi ro cho các hoạt động viện trợ. Văn bản của Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh Paris lên án mạnh mẽ lệnh cấm trên, đồng thời cho rằng chính sách này của Taliban sẽ cản trở nghiêm trọng các chuyến hàng viện trợ nhân đạo trong thời điểm quốc gia Nam Á này đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nặng nề. Trong khi đó, Đức kêu gọi “phản ứng tập thể rõ ràng ở cấp độ toàn cầu” đối với các lệnh cấm của Taliban nhằm vào nữ giới.

Trước đó, nhiều tổ chức nhân đạo quốc tế đã bày tỏ phản đối các lệnh cấm của Taliban. Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (ICRC) tại Afghanistan đã bày tỏ quan ngại về lệnh cấm mới của chính quyền Taliban và một lệnh cấm khác không cho phép nữ giới học đại học. ICRC cảnh báo các động thái này có thể dẫn tới “những hậu quả thảm khốc trong ngắn hạn cho tới dài hạn”. Trong một tuyên bố chung ngày 25/12, tổ chức Save the Children, Hội đồng người tị nạn Orway và tổ chức CARE International nêu rõ đang tạm dừng triển khai các chương trình hiện nay trong khi chờ làm rõ lệnh cấm của chính quyền Taliban. Tuyên bố nhấn mạnh rằng, nếu không có các nhân viên nữ, các tổ chức này “không thể tiếp cận hiệu quả những trẻ em, phụ nữ và nam giới đang vô cùng cần viện trợ tại Afghanistan”. Ủy ban Cứu trợ Quốc tế (IRC) cũng ra tuyên bố nêu rõ cơ quan này đang đình chỉ các dịch vụ tại Afghanistan với lý do tương tự. Tổ chức nhân đạo AfghanAid của Anh, tổ chức Christian Aid và ActionAid cũng có động thái tương tự, tuyên bố tạm ngừng các hoạt động cứu trợ tại Afghanistan.

Kế mặc cả của Taliban đối với phương Tây?

Lệnh cấm nữ giới làm việc cho các NGO được Taliban ban hành chỉ 3 ngày sau khi tổ chức này ra lệnh cấm hoàn toàn nữ giới Afghanistan được tiếp cận giáo dục.

Có 3 điều kiện chính mà thế giới, cụ thể là Mỹ và các nước phương Tây đặt ra với Taliban để có thể hòa nhập với thế giới, trong đó có việc được nhận viện trợ và dỡ bỏ phong tỏa với khối tài sản gần 10 tỷ USD gửi ở nước ngoài. Đó là xây dựng một chính phủ bao trùm gồm đại diện của tất cả các đảng phái, thành phần trong xã hội, ngăn chặn khủng bố, không để Afghanistan trở thành nơi chứa chấp khủng bố để đi gây hại cho thế giới; và tôn trọng, khôi phục các quyền của phụ nữ và trẻ em gái cùng với các nhóm thiểu số. Cả 3 điều kiện này, tới nay, Taliban đều đã từng bước bác bỏ, thông qua các động thái của mình. Hay nói cách khác, bất chấp những lời hứa về sự thay đổi trong lần thứ 2 lên cầm quyền, Taliban đang từng bước chứng minh rằng họ vẫn tiếp tục con đường cai trị hà khắc, đi ngược lại với những giá trị chung của nhân loại.

Lường trước sự thất hứa của Taliban, Mỹ cùng một số nước phương Tây cảnh báo Taliban sẽ gánh chịu hậu quả khi siết chặt kiểm soát xã hội. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một tuyên bố nhấn mạnh, Taliban đang đẩy phụ nữ Afghanistan đến một tương lai đen tối khi cấm họ theo học tại các trường đại học; khẳng định, quyết định này sẽ khiến Taliban phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt.

Có thể thấy rõ, không phải ngẫu nhiên mà Taliban trụ vững qua rất nhiều khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua trong cuộc đối đầu với phương Tây. Lực lượng này nhận được sự ủng hộ đáng kể nào đó tại Afghanistan để duy trì cuộc chiến với phương Tây. Sự ủng hộ này xuất phát từ các lợi ích và cả tư tưởng của các nhóm sắc tộc và quyền lợi bên trong nội bộ Afghanistan. Nền tảng như vậy giúp Taliban có thể trỗi dậy thành công sau 20 năm, vào đúng thời điểm Mỹ và đồng minh rút quân hoàn toàn khỏi chiến trường Nam Á này. Chính bởi thế, các tuyên bố cứng rắn của thế giới chắc chắn không thể khiến Taliban xuống nước, có phản ứng ôn hòa hơn hay chấp nhận điều kiện mà thế giới đặt ra.

Khi trở lại nắm quyền, Taliban từng khẳng định, “Taliban phiên bản 2.0” sẽ khác xa so với giai đoạn cai trị đầu tiên từ năm 1996 đến 2001. Tuy nhiên nhìn lại hơn 1 năm qua, thực tế các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan đang ngày càng bị hạn chế. Trước tình hình này, LHQ đã phải kêu gọi cộng đồng quốc tế không được lãng quên những bất công mà phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan phải đối mặt. Và rằng, “một khi các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái bị từ chối, tất cả thế giới cũng đều bị ảnh hưởng”. Đây cũng là thông điệp mà nữ giới - những người yếu thế ở Afghanistan mong muốn gửi đến cộng đồng quốc tế.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/phan-ung-toan-cau-doi-voi-cac-lenh-cam-cua-taliban-nham-vao-nu-gioi-i679140/