Phân tích thị trường: Hệ quả của sản lượng OPEC+ giảm mạnh

Sản lượng của OPEC+ đã giảm hơn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 7, do Nga cuối cùng đã thực hiện cam kết cắt giảm trong khi Ả Rập Xê-út tiến gần đến việc thực hiện đầy đủ việc giảm sản lượng bổ sung, theo Argus Media.

Ảnh minh họa

Sản lượng dầu thô của Nga giảm khi nước này thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ đầu năm nay. Sự sụt giảm mới nhất đưa sản lượng vào tháng 7 đạt mục tiêu OPEC+ cho Nga là 9,3 triệu thùng/ngày.

Sản lượng giảm do xuất khẩu đi lùi, phần lớn do dòng chảy của dầu Urals. Giá của dầu Urals đã vượt quá mức giá trần của G7 vào tháng trước, khiến chúng không đủ điều kiện nhận bảo hiểm hàng hải và tài trợ từ các công ty trong G7 và EU.

Trong khi một số người trên thị trường cho biết họ tin tưởng rằng điều này sẽ không làm gián đoạn dòng chảy, thì việc giá loại dầu này tăng lên có thể đang làm giảm nhu cầu tại các thị trường ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Riyadh đã gần hoàn thành việc cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày như đã hứa trong tháng 7. Sản lượng của Ả Rập đã giảm 970.000 thùng/ngày trong tháng xuống còn 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong hai năm, do xuất khẩu và tốc độ lọc dầu đều giảm.

Việc cắt giảm sản lượng của 2 quốc gia này đã đưa sản lượng của OPEC+ xuống 35,7 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6 năm 2021. Tám thành viên OPEC+, không bao gồm Nga, cho thấy sản lượng chỉ giảm 150.000 thùng/ngày trong 7 xuống tổng cộng 22,25 triệu thùng/ngày, mặc dù đã đồng ý cắt giảm 2,16 triệu thùng/ngày.

Ả Rập Xê-út cho biết vào ngày 3/8 rằng họ sẽ đơn phương gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thô 1 triệu thùng/ngày thêm một tháng nữa đến hết tháng 9. Đây là lần gia hạn cắt giảm hàng tháng thứ hai được công bố. Nhưng không giống như lần gia hạn đầu tiên, Ả Rập Xê-út cho biết việc cắt giảm của họ có thể được "kéo dài hoặc mở rộng và sâu hơn" nếu cần thiết.

Nga cho biết cùng ngày rằng họ sẽ gia hạn cắt giảm xuất khẩu sang tháng tới - nhưng chỉ một phần. Phó thủ tướng Alexander Novak cho biết họ có kế hoạch giảm xuất khẩu 300.000 thùng/ngày, giảm so với mức cắt giảm 500.000 thùng/ngày mà họ đã tình nguyện thực hiện trong tháng trước.

Gián đoạn xuất hiện trở lại

Mười thành viên của OPEC được giao mục tiêu sản lượng vẫn chưa đạt được kế hoạch khai thác 23,377 triệu thùng/ngày. Mức thiếu hụt gần 640.000 thùng/ngày trong tháng 7 chủ yếu là do Nigeria và Angola đang khai thác dưới mức đáng kể so với hạn ngạch của họ. Sản lượng của Nigeria giảm trong tháng 7 do sự gián đoạn tại Forcados. Cảng xuất khẩu Forcados vẫn đóng cửa sau khi các hoạt động bị tạm dừng vào ngày 12/7 sau một vụ rò rỉ đáng ngờ.

Sản lượng của Iraq tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3, khi việc vận chuyển dầu thô của Chính quyền khu vực Kurdistan bằng đường ống đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ bị đình chỉ.

Trong khi đó, khoảng 350.000 thùng/ngày trong tổng sản lượng dầu thô 1,2 triệu thùng/ngày của Libya đã bị ngừng lại vào ngày 13-14/7 bởi các cuộc biểu tình tại hai mỏ chính ở phía tây nam. Quá trình khai thác nhanh chóng được khôi phục sau khi một chính trị gia chủ chốt được thả ở Tripoli vào ngày 15/7.

Sản lượng của Iran tiếp tục phục hồi. Một thành viên chủ chốt của ủy ban năng lượng của quốc hội Iran, ông Hossein Hosseinzadeh, cho biết vào cuối tháng 7 rằng sản lượng dầu thô đã tăng lên 3,1 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong gần 5 năm. Lần cuối cùng sản lượng quốc gia đạt trên 3 triệu thùng/ngày là vào tháng 10 năm 2018, theo số liệu của Argus.

Sự gia tăng gần đây đã được hỗ trợ bởi việc tăng xuất khẩu sang người mua chính là Trung Quốc và các đồng minh bị trừng phạt của họ là Venezuela và Syria.

Đỗ Khánh

Argus Media

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/phan-tich-thi-truong-he-qua-cua-san-luong-opec-giam-manh-691157.html