Phân tích nguyên nhân cụ thể để dự toán thu NSNN sát hơn với thực tế

Mở đầu phiên họp thứ 10, sáng nay, 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và NSNN năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN những tháng đầu năm 2017.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp.

Đánh giá thực chất hoạt động của DN

4 tháng đầu năm 2017, số thu NSNN ước đạt 32,7% dự toán và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016 với số thu nội địa đạt 32,9%, thu từ dầu thô đạt 40,2%, thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 30,6%. Một số khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt khá như thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 34,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 40,7%; các loại phí lệ phí đạt 37,1%; các khoản thu từ nhà đất đạt 50,3%.

Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: So với nội dung Chính phủ đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước, việc đánh giá tình hình KT-XH bổ sung năm 2016 giữ nguyên đánh giá có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,21% (thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 6,7%) và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9% (thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 10%).

Chính phủ cũng nhận định: Kinh tế vĩ mô 2016 ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép; thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và thị trường chứng khoán diễn biến tích cực; ngân sách nhà nước đạt khá, vượt dự toán được giao; môi trường kinh doanh được cải thiện, hoạt động phát triển doanh nghiệp khởi sắc.

Tham gia ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nhận định rằng, năm 2016, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hay để “hun đúc” tinh thần sản xuất kinh doanh của khối tư nhân. Ông cũng đánh giá cao chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ không tăng trưởng vì bất cứ giá nào, trong đó có thể ví dụ cụ thể là giảm khai thác 830 nghìn tấn dầu thô mặc dù hành động này ảnh hưởng khá đến thu NSNN cũng như giảm chỉ số tăng trưởng của công nghiệp.

Tuy nhiên, một số vấn đề dư luận bức xúc chưa được Chính phủ nêu rõ trong báo cáo như việc giá thịt lợn giảm sâu khiến người dân khốn đốn. “Chưa tính toán đến sự ảnh hưởng đến GDP, mất mát của người nông dân ở đây là quá lớn. Liệu làm tốt công tác dự báo, cảnh báo thì có thể tốt hơn không? Tôi nghĩ việc này chúng ta đủ sức làm” - ông Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lưu ý một vài số liệu thực hiện được trong thực có sự chênh lệch với kế hoạch thì cần phải tập trung nghiên cứu, nhận định và đánh giá khách quan hơn. “Tiêu biểu như 2/13 chỉ tiêu không đạt kế hoạch trong đó GDP, vì sao? Do KT-XH khó khăn hay những giải pháp đặt ra chưa đạt hiệu quả như mong đợi?” - ông Đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, số lượng DN trong nước thành lập mới tuy nhiều (1.100 DN) nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao do DN còn nhiều khó khăn, khó tiếp cận các nguồn ưu đãi. Vấn đề này cũng cần được đánh giá kỹ lưỡng để đưa ra những giải pháp kích thích, tạo đòn bẩy cho các DN trong nước phát triển hơn.

Nhiều ý kiến khác đề nghị Chính phủ đánh giá chi tiết thêm về các vấn đề xã hội vì báo cáo đang thiên về kinh tế nhiều hơn.

Bước tiến lớn trong điều hành ngân sách

Bổ sung thêm về kết quả thực hiện dự toán thu NSNN năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: Tổng thu thực hiện đạt 1.101,38 nghìn tỷ đồng, tăng 8,6% so với dự toán và tăng 62,38 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Trong đó, thu nội địa tăng 12% so với dự toán; thu từ dầu thô giảm 14,4 nghìn tỷ đồng; thu cân đối từ hoạt động XNK tăng 0,8% so với dự toán.

Tính theo phân cấp, không kể số vượt thu viện trợ ghi thu, ghi chi cho các dự án, thu ngân sách Trung ương giảm khoảng 396 tỷ đồng; thu ngân sách địa phương tăng khoảng 82,39 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Đặc biệt, có 51/63 địa phương hoàn thành và vượt dự toán thu cân đối ngân sách địa phương.

4 tháng đầu năm 2017, số thu NSNN ước đạt 32,7% dự toán và tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2016 với số thu nội địa đạt 32,9%, thu từ dầu thô đạt 40,2%, thu cân đối từ hoạt động XNK đạt 30,6%. Một số khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt khá như thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 34,4%; thuế thu nhập cá nhân đạt 40,7%; các loại phí lệ phí đạt 37,1%; các khoản thu từ nhà đất đạt 50,3%.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, công tác chi NSNN năm 2016 cũng như 4 tháng đầu năm 2017 tiếp tục được điều hành chặt chẽ, đúng dự toán, đúng chế độ quy định, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

Đánh giá tổng chi NSNN 2016 đạt 1.360 nghìn tỷ đồng, bằng 106,8% dự toán. 4 tháng đầu năm 2017, chi NSNN đạt 393,38 nghìn tỷ đồng, bằng 28,3% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 19,2% dự toán; chi trả nợ lãi 37,1% dự toán; chi thường xuyên 32,1% dự toán. Các nhiệm vụ chi được đảm bảo đúng dự toán và tiến độ triển khai thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội.

Nhận xét, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng: Công tác thu chi NSNN, quản lý tài sản công của Chính phủ năm qua đã có một bước tiến bộ lớn, sâu sát công tác chống thất thu, không né tránh những vấn đề nhạy cảm, mạnh dạn đổi mới.

Song, thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ ra rằng: Mặc dù thu NSNN vượt dự toán và tăng thêm so với số đã báo cáo Quốc hội khá cao, nhưng số tăng thu chủ yếu là tăng thu từ đất, tăng thu do cơ chế, điều chỉnh chính sách như thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại doanh nghiệp. Điều này cho thấy số tăng thu ngân sách chưa thực sự xuất phát từ năng lực nội tại trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế; mặt khác, đây là năm thứ hai liên tiếp số liệu đánh giá bổ sung chênh lệch khá lớn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần phân tích nguyên nhân, rút kinh nghiệm, tránh trường hợp ước thu thấp, không sát thực tế vào cuối năm vì sẽ ảnh hưởng đến công tác xây dựng dự toán năm sau.

Để hoàn thành dự toán năm 2017, các ý kiến của UBTVQH đều đồng tình cần thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh phát triển; tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép (65%GDP); không ban hành chính sách mới làm giảm thu NSNN, đẩy mạnh công tác chống thất thu, chống chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; quản lý chặt chẽ chi NSNN, siết chặt hơn chi thường xuyên, chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi có nguồn đảm bảo,...

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các bản báo cáo, trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp sắp tới.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phan-tich-nguyen-nhan-cu-the-de-du-toan-thu-nsnn-sat-hon-voi-thuc-te.aspx