Phan Thiết: Khổ sở vì mua đất hợp pháp lại bị tranh chấp

Bỏ ra một số tiền dành dụm cả đời, ông Bùi Văn Long mua diện tích đất có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền và sau đó ông Long cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giờ mảnh đất đó là tài sản của ông nhưng ông không được phép sử dụng vì có đơn tranh chấp, khiến ông Long vô cùng bức xúc. Hơn lúc nào hết, ông Long mong muốn các ngành chức năng sớm xem xét, giải quyết dứt điểm để ông được sử dụng đúng quyền sở hữu diện tích đất trên mà pháp luật đã công nhận.

Phan Thiết

Ðược sở hữu, nhưng… không được sử dụng

Hơn 1 năm trước, ông Bùi Văn Long (xã Bình Tân, huyện Bắc Bình) có mua 2 diện tích đất và nhà ở tọa lạc khu phố A, phường Thanh Hải, TP. Phan Thiết từ ông Nguyễn Văn Học (phường 21, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh). Cụ thể là diện tích đất 236.9m2, thửa đất số 61, tờ bản đồ số 8 và diện tích 1.483,7m2, thửa đất số 241, tờ bản đồ số 8. Việc nhận chuyển nhượng đều diễn ra hợp pháp, được cơ quan có thẩm quyền công nhận vào ngày 2/5/2019 và đã nhận được giấy chứng nhận chuyển quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CĐ 032824, BQ 456125.

Thế nhưng, khi ông Long tiến hành sang nhượng 2 diện tích đất trên cho người khác thì bị ông Nguyễn Gia Vĩnh Hiệp (khu phố A, phường Thanh Hải,tp. Phan Thiết) gây cản trở việc chuyển nhượng. Bởi ông Hiệp cho rằng đất này đang tranh chấp có liên quan đến ông Hiệp và đang được Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận thụ lý theo Thông báo số 113/2018/TB – TLVA ngày 10/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc thông báo thụ lý vụ án, vụ án hiện nay vẫn đang được giải quyết. Lúc này ông Long mới tá hỏa, vì bao nhiêu vốn liếng ông đã dồn đầu tư hết vào đây.“Hiện tôi là chủ tài sản 2 mảnh đất và tôi chỉ biết người bán cho tôi là ông Học, làm sao biết được ông Hiệp là ai và có tranh chấp hay không? Việc tôi mua đất trên là hợp pháp và đã được pháp luật và cơ quan nhà nước công nhận quyền sử dụng. Tất cả các thông báo và quyết định của tòa án không có tên tôi, thế nhưng hơn 1 năm qua, tôi không thể chuyển nhượng được tài sản đang sở hữu chỉ vì lá đơn tranh chấp của ông Hiệp. Do vậy, tôi mong muốn các cơ quan chức năng sớm xử lý dứt điểm vụ việc này”. Ông Long chia sẻ.

Ði tìm nguyên do…

Qua quá trình tìm hiểu hồ sơ chúng tôi được biết, bà ngoại của ông Nguyễn Gia Vĩnh Hiệp là bà Nguyễn Thị Nhặt (sinh năm 1913) có 8 người con và cùng tạo dựng được mảnh đất khoảng 2.000m2 (thực địa đo đạc là 1.882,42m2). Năm 1998, bà Nhặt đã tiến hành lập di chúc phân chia tài sản cho các con thừa kế. Nội dung Bản di chúc bà Nguyễn Thị Nhặt lập ngày 29/7/1998 tại Văn phòng công chứng số 1 Bình Thuận, bà Nhặt quyết định: Giao cho con gái Nguyễn Thị Ngoan (sinh năm 1952) phần thừa kế của mình và căn nhà lầu (tọa lạc trên khu đất 1.882,42m2) có diện tích 60,77m2; Cho vợ chồng người em gái của bà Nhặt là bà Nguyễn Thị Luật (sinh năm 1935) và ông Nguyễn Văn Thuận (sinh năm 1936) trọn quyền sử dụng lô đất 600m2 (10m x 60m); phần còn lại chia cho 8 người con. Do các con bà Nhặt đa phần sống ở nước ngoài, bà Nhặt ủy quyền cho con gái Nguyễn Thị Ngoan quản lý, sử dụng để chờ ý kiến định đoạt, hoặc thỏa thuận của 8 anh chị em trong gia tộc. Sau khi bà Nhặt chết (tháng 9/2001), tháng 12/2001, vợ chồng bà Nguyễn Thị Luật, ông Nguyễn Văn Thuận đã đến Phòng công chứng số 1 Bình Thuận làm đơn từ chối nhận di sản thừa kế là 600m2 đất mà bà Nhặt cho năm 1998, quyết định giao lại phần đất đó cho các con của bà Nhặt thừa hưởng. Thời điểm này, diện tích giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CĐ 032824 và BQ 456125 mang tên bà Nguyễn Thị Ngoan do UBND thành phố Phan Thiết cấp. Sau đó bà Ngoan đã chuyển nhượng 2 giấy chứng nhận trên cho ông Học và được cơ quan có thẩm quyền công nhận vào ngày 25/11/2016. Đến ngày 2/5/2019 ông Học đã chuyển nhượng 2 giấy chứng nhận trên cho ông Long và được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Khu đất của ông Long mua đang bị tranh chấp

Tuy nhiên, do xảy ra tranh chấp nên trước đó, ông Học đã làm đơn khởi kiện ông Hiệp về hành vi cản trở trái pháp luật đối với quyền sử dụng, sở hữu tài sản của ông Học. Ngày 30/5/2018, Tòa án nhân dân thành phố Phan Thiết đã ban hành Bản án số 14/2018/DS - ST buộc ông Nguyễn Gia Vĩnh Hiệp chấm dứt các hành vi này. Tuy nhiên, ông Hiệp không đồng ý, tiếp tục có đơn kiện lên cấp thẩm quyền cao hơn. Do vậy, đến ngày 10/12/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có Thông báo thụ lý vụ án số 113/2018/TB – TLVA ngày 10/12/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc “Tranh chấp đất đai, tranh chấp hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”…

Ý kiến luật sư…

Theo Luật sư Đỗ Minh Trúc (Đoàn Luật sư Bình Thuận): Đối với nội dung vụ án đang tranh chấp thì người khởi kiện yêu cầu giải quyết vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” đứng tên ông Học. Nếu giả sử trước đây bà Ngoan được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật như bỏ sót hàng thừa kế thì theo pháp luật ông Học và ông Long cũng được pháp luật bảo vệ quyền lợi bởi ông Học và ông Long đều là người thứ 3 ngay tình khi giao dịch dân sự, cụ thể: Theo khoản 2, khoản 3, Điều 133 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bảo vệ quyền lợi của người thứ 3 ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ 3 ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ 3 ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ 3 phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, căn cứ theo quy định thì nếu giả sử bà Ngoan được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật thì cũng không thể thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã sang tên cho ông Học, ông Long. Bởi họ là người thứ 3 ngay tình, họ hoàn toàn không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật.

Căn cứ theo quy định nêu trên, nếu có căn cứ bà Ngoan được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật như bỏ sót hàng thừa kế thì người bị xâm hại quyền lợi có quyền khởi kiện yêu cầu bà Ngoan phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại chứ không thể khởi kiện ông Học hay ông Long bởi họ là người thứ 3 ngay tình như đã nói ở trên.

B.Huyền

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/phan-thiet-kho-so-vi-mua-dat-hop-phap-lai-bi-tranh-chap-132598.html