Phản thầy trong bóng đá: Người đau thấu trời xanh…kẻ bình chân như vại

Ancelotti bị Bayern đẩy ra đường, Conte đang bị học trò phản ứng và ai sẽ là nạn nhân tiếp theo của lối phản thầy tiếp theo trong bóng đá nữa đây?

Hình ảnh ăn mừng điên dại, la hét thật lớn ngoài đường pitch, nhãy cẫng lên và ôm siết chặt trợ lý như thể vô địch…sẽ được nhiều máy quay ghi lại. Nhưng nếu người ấy đi rồi sẽ có bao nhiêu kẻ nhớ đây?

Nạn nhân của việc sa thải từ Chelsea

Chắc chắn sẽ có người nhớ và thương ông nhiều lắm đấy, Conte ạ! Nhưng xin thưa đó là góc nhìn của CĐV. Họ sẽ ghi công và nhớ hoài hình ảnh của ông chứ còn chính học trò, những người gắn bó với ông hơn một năm nay liệu có còn lưu luyến?

Một vị chiến lược gia khác là Ancelotti rời khỏi Bayern cũng vì lý do không vừa lòng cầu thủ. Và đâu chỉ có hai vị HLV này là nạn nhân của hội phản thầy của các ngôi sao bóng đá. Còn Andre Villas-Boas, Jose Mourinho, Rafa Benitez,… và hầu như ai chấp nhận nghiệp làm HLV thì buộc phải cam chịu sự phản bội sẽ đến từ bất kỳ lúc nào.

HLV Lê Thụy Hải đã từng thốt lên cay đắng: “Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ đã nắm lấy 3 chân rồi.” Đôi khi bóng đá đâu cần chiến thuật, đâu cần chiến thắng mà chỉ cần tình người… Tình thầy trò có tồn tại trong bóng đá hay không?

Khi tiền lương không mua được cảm xúc

Đơn giản sa thải thì bồi thường hợp đồng, kiếm công việc mới, tiền cũng đủ cho các HLV sống khi thất nghiệp mà. Đừng chống chế như vậy nữa các ông chủ. Nếu nói như vậy thì HLV (hay nước Anh gọi nghề này là Manager) là gì đối với đội bóng? Ông ta đề ra chiến thuật, thay người và chỉ đạo kỹ thuật cho cầu thủ. Vậy tại sao ông ta lại cùng cầu thủ khóc khi thất bại, cùng cầu thủ cười và nhảy cẩn lên khi vô địch.

Điều đó đâu có trong bản hợp đồng của bất kỳ HLV nào. Nhưng đó là cảm xúc là tình cảm đối với công việc, với học trò và với cả CĐV. Và đôi khi các ngôi sao sân cỏ không nghĩ đến điều này. Đối với họ HLV làm việc không hiệu quả thì có quyền chống đối. Đó là công bằng.

Tình thầy trò có hay không trong bóng đá?

Dĩ nhiên trong xã hội phân công lao động như hiện nay và chủ nghĩa cá nhân cũng được đề cao tại châu Âu thì việc chống đối và phê bình đâu có gì là không phải. Về luật, về điều khoản hợp đồng không có gì là sai cả nhưng từ khi nào bóng đá chỉ còn luật lệ?

Hãy nhớ rằng bóng đá là bộ môn thi đấu tập thể, là môn thể thao để cao tình cảm con người. Vậy mà đôi khi nó lại không được đối xử theo cách mà con người đối xử với con người. Đáng buồn thay!

Nỗi buồn của kẻ bị phản bội, của nuối tiếc từ khán đài đủ để thấu trời xanh nhưng đâu đó vẫn có những người bình tâm đến đáng sợ. Bóng đá, nghề HLV đáng kinh hãi đến thế sao?

Trang Ý

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/phan-thay-trong-bong-da-nguoi-dau-thau-troi-xanhke-binh-tam-nhu-vai-d418301.html