Phận lục bình

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Trên đời này, người tôi yêu thương nhất không phải cha mẹ tôi mà là bà nội. Bà ẵm bồng, chăm chút tôi từ bé, hát ru tôi ngủ bằng những câu ca dao ầu ơ buồn đến não lòng. Có lẽ sao chiếu mệnh của bà là một ngôi sao xấu nên cuộc đời bà có quá nhiều nỗi buồn đau.

Khi nghe tôi bộc bạch suy nghĩ ấy, bà ôm tôi vào lòng vỗ về, mắt ngân ngấn nước nhìn về phía xa xăm, thầm thì:

- Đừng đổ thừa cho số phận cháu à! Tất cả do đói nghèo, dốt nát, do lòng người bạc ác mà ra. Phải chi bà biết chữ thì đời bà không ra nông nỗi.

Trước lúc nhắm mắt lìa xa cõi trần, bà cầm tay tôi thều thào trăng trối; đôi mắt đục lờ ứa những giọt nước mắt không cam đành:

- Cháu phải ráng học cho thật giỏi rồi dạy cho mấy đứa con gái biết chữ để đừng ai phải khổ như bà. Cháu nhớ tìm giúp bà… nhớ tìm…

Bà phều phào tiếng được tiếng mất nhưng tôi hiểu. Tôi ôm cánh tay gầy guộc chỉ còn da bọc xương của bà, gật đầu trong nấc nghẹn:

- Cháu hứa sẽ cố hết sức tìm được bác Hai. Cháu hứa!

Lời hứa với bà cũng là lời nguyền thiêng liêng trong cuộc đời tôi.

...

Bà tôi vốn con nhà nghèo lại sớm mồ côi mẹ. Tám tuổi, bà đã phải theo bầu vạn đi cấy thuê, gặt mướn đồng gần, đồng xa kiếm tiền theo mùa vụ. Mọi chuyện nấu cơm, giặt giũ,... trong nhà đều một tay bà đảm nhiệm. Mười ba tuổi, bà đã thay cha è ạch vác cày dẫn trâu ra đồng vì cha bà bị thấp khớp nặng không thể dầm nước. Công việc khó khăn, vất vả đến mấy qua tay bà cũng xong; ấy thế nhưng có một việc bà không làm được: Bà không biết đọc, biết viết. Quanh năm suốt tháng "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" cùng những công việc không tên trong ngôi nhà thiếu tình yêu thương đã khiến bà không khờ dại cũng thành ngờ nghệch. Mười sáu tuổi, bà mới được cầm trong tay quyển sách vỡ lòng của em trai con mẹ kế. Bà định học lóm nhưng chưa viết được tên của mình thì đã phải đi làm dâu nhà người. Mẹ kế gả bà cho con trai một nhà giàu có trong làng nên được tiếng thơm khắp xóm. Đâu ai biết mẹ kế đổi bà để lấy mẫu ruộng biền, tiếng là dâu nhưng thực sự là đầy tớ không công suốt đời cùng ngấm ngầm những mưu toan mà mãi sau này bà mới hiểu. Chồng bà là chàng trai ốm yếu đi học ở trường quận, thi thoảng mới về nhà một lần; mà lần nào về cũng có một cô gái ẻo lả má hồng, môi đỏ điệu đà gọi là mợ Cả về theo. Bà mơ hồ nhận ra thân phận thực sự của mình trong ngôi nhà chồng nhưng không thể làm gì khác được. Ròng rã sáu năm bà sống trong tủi cực với niềm hạnh phúc duy nhất là được làm mẹ một bé trai kháu khỉnh, kết quả của đôi lần chồng vợ hiếm hoi khi chồng bà về thăm nhà không có mợ Cả đi cùng. Song, niềm hạnh phúc duy nhất ấy cũng là cội nguồn cho những đau khổ tột cùng trong cuộc đời bà.

Ngày đứa bé tròn thôi nôi, mẹ chồng bảo bà lăn tay điểm chỉ vào tờ giấy chi chít con chữ dọc ngang để làm giấy chứng sanh cho con trai. Nói sao hết niềm vui sướng trong lòng bà khi danh chánh ngôn thuận được làm mẹ, làm vợ. Nước mắt giàn giụa tràn mi khi người ta cầm ngón tay bà ấn vào khuôn mực rồi điểm lên trang giấy. Ba ngày sau, Hương Cả cùng làng lính kéo đến nhà lúc bà đang cho con bú. Họ bắt bà tội trộm của cải nhà chồng đem về cho cha mẹ tẩu tán. Bà khóc chảy máu mắt vì oan ức nhưng chứng cứ rành rành: Tờ giấy nhận tội chính bà đã lăn tay điểm chỉ. Cha mẹ bà sợ tội liên đới, trốn biệt không màng, láng giềng biết bà bị vu oan nhưng chẳng ai dám đứng ra đối đầu cùng làng lính. Gia đình chồng giả nhân giả nghĩa xin tội không bỏ tù bà với điều kiện bà phải giao đứa bé lại và bỏ đi biệt xứ. Đứa bé khóc ngằn ngặt khi bị giật khỏi vòng tay người mẹ đang ngất lịm trong uất ức khổ đau. Đêm ấy, trong cơn mưa giông ầm vang sấm chớp, dòng sông Hậu cuồn cuộn nước xiết đón nhận xác một người đàn bà còn hơi thở, vì thực ra linh hồn bà đã không còn tồn tại trong thân thể nữa kể từ lúc mợ Cả bồng đứa bé lên xe rời đi.

Nhưng số phận không cho phép bà buông xuôi. Một ngư dân ghe chài ở hạ lưu con sông cứu sống bà rồi gửi vào ngôi chùa trong dòng tộc cho bà nương náu. Vị sư trụ trì không cho bà xuống tóc quy y vì lòng bà còn nặng oán khiên, trái tim bà còn hằn sâu ân tình cốt nhục. Bà nén buồn đau, tịnh tâm qua tiếng kệ lời kinh và quyết tâm học chữ. Ba năm miệt mài làm công quả cùng học chữ, bà đã đọc, viết thành thạo và hiểu biết thêm rất nhiều điều từ cuộc đời mỗi ni cô cắt đứt lụy tình đến chùa nương nhờ cửa Phật. Bao lần bà định đi tìm con nhưng tờ giấy nhận tội và bản án tù đày khiến bà chùn bước đắn đo. Có ai nghe bà, tin bà là người mẹ mang nặng đẻ đau khi mà đứa trẻ có cha mẹ hẳn hoi, có họ hàng gia tộc làm chứng, được pháp luật công nhận. Và hơn hết, bà sợ không đủ khả năng lo cho con được sung sướng, được học hành. Bà chỉ biết khóc, cầu nguyện và chờ đợi một phép màu.

Có lẽ lời cầu nguyện của bà đã động lòng trời phật nên bà lại được làm mẹ. Bà nhận nuôi đứa bé trai chưa tròn tháng khóc mòn hơi vì khát sữa bị bỏ rơi trước cổng chùa. Đứa bé đó chính là cha của tôi bây giờ.

Bà rời chùa, bồng theo đứa bé còn đỏ hỏn, gầy còm, làm đủ mọi việc, mọi nghề để nuôi nó lớn khôn. Bà dồn hết tình yêu thương của người mẹ đau đáu mong nhớ núm ruột bị đoạn lìa cho đứa trẻ vô thừa nhận. Bà làm giấy khai sinh cho cha tôi đàng hoàng để không ai cướp được con của bà: Nguyễn Hoài Thương. Lòng bà vẫn mềm ấm, ngọt lành dù nếm trải bao cay đắng, xót xa. Cha tôi được bà nuôi ăn học đàng hoàng dù nhà nghèo xác nghèo xơ. Bà tôi đổi chữ cho con trai bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu. Có lần, hai gã đàn ông lực lưỡng đón đường bà chạy chợ giữa đêm khuya để cướp những đồng tiền còm cõi mà bà chắt chiu dành dụm nộp lệ phí cho cha tôi thi ra trường làm thầy giáo. Bà đã chống cự quyết liệt bằng sức lực của người đàn bà làm nông quen vất vả gian lao, bằng tình thương của người mẹ sẵn lòng hy sinh tất cả vì con. Khi có người đến ứng cứu thì bà tôi đã lịm đi trong vũng máu, tay vẫn bấu chặt túi áo ghim ba cây kim tây. Trong túi vỏn vẹn mấy tờ giấy bạc nhàu nhèo, mớ đồng xu đen cũ vì thấm đẫm mồ hôi tay của bao người.

Sau lần tai nạn đó, sức khỏe của bà tôi yếu hẳn. Bà không chạy chợ buôn hàng nữa mà mở một tiệm tạp hóa nhỏ bán cho dân trong xóm lao động nghèo.

Bà tôi quý chữ đến lạ lùng. Bà không bao giờ dùng giấy có chữ gói hàng mà thay bằng lá chuối tươi, lá chuối khô hay lá khoai môn. Những tờ giấy có chữ bị vứt bỏ, bà gặp là nhặt lên, phủi sạch, vuốt phẳng phiu rồi cất trong tủ.

- Chữ quý lắm! Ai biết nhiều chữ là người ấy có cả một kho tàng - Từ nhỏ, bà dạy tôi như thế.

Cha tôi dạy học trong một ngôi trường có tiếng, xây được ngôi nhà khang trang và cưới mẹ tôi, một cô giáo dạy nữ công gia chánh.

Năm tôi lên lớp mười thì bà nằm liệt một chỗ sau cơn bạo bệnh. Vì quá lao tâm, lao lực qua nhiều năm dài khốn khó, sức khỏe bà yếu dần nhưng trí tuệ vẫn minh mẫn như xưa. Cha mẹ tôi luôn bận việc nên bà là người chăm dạy tôi từ bé thơ và cũng là người thầy, người bạn thân thiết của tôi cho đến khi tôi khôn lớn. Tôi luôn quấn quýt bên bà. Tôi đọc cho bà nghe những điều kỳ lạ, mới mẻ trong những quyển sách tôi học ở trường; bà dạy tôi kỹ năng sống qua từng câu chuyện kể về bà, về thế hệ con gái chịu thiệt thòi cùng thời với bà. Ước nguyện của bà tôi là tìm lại núm ruột đã bị kẻ ác dùng thủ đoạn cắt chia cướp đoạt. Tết năm nào bà cũng ứa nước mắt lẩm nhẩm:

- Bác Hai cháu tuổi Mẹo, năm nay là nó... (bao nhiêu)… tuổi.

Cha tôi cũng lặn lội đi tìm, lần theo những thông tin ít ỏi bà cung cấp nhưng chỉ hoài công. Hơn nửa thế kỷ loạn lạc đổi dời thì việc tìm lại đứa bé mới tròn thôi nôi không rõ họ tên không phải là chuyện dễ dàng. Xóm làng nơi bà tôi ở ngày xưa tản cư kẻ đi, người mất. Nhà chồng bà tôi dời về quận rồi đi biệt xứ. Tôi ghi lại cẩn thận từng thông tin nhỏ nhặt nhất từ lời bà kể có liên quan đến làng xóm, con người,... với quyết tâm tìm cho ra sự thật, vạch mặt kẻ ám hại bà tôi và kể cho con trai bà nghe nỗi dằn vặt, khổ đau, niềm thương nhớ khôn nguôi của người mẹ nghèo bất hạnh. Tôi chọn ngành công nghệ thông tin để tiện việc tìm kiếm bác tôi sau này. Việc trước mắt hiện giờ là tôi phải học, học thật giỏi để có thể giúp người, giúp đời như bà mong muốn.

... Tôi đặt văn bằng thạc sĩ khoa công nghệ phần mềm trước mộ phần bà, khấn nguyện trong tiếng nấc:

- Bà ơi, đứa cháu bé bỏng của bà về thăm bà đây. Xin bà linh thiêng phù hộ cho cháu tìm được bác Hai, phù hộ cho cháu tâm thanh trí sáng nghĩ điều phải, làm điều tốt giúp ích cho đời.

Có phải tôi hoa mắt không? Dường như di ảnh trên mộ bia thoáng động đậy. Bà đang mỉm cười hiền lành nhìn tôi qua làn khói nhang mờ ảo lung linh giữa nắng trưa./.

T.M

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phan-luc-binh-a156933.html