Phân loại F1, truy vết thật kỹ người đến các chợ

Lực lượng y tế tăng cường lấy mẫu xét nghiệm các tiểu thương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: QUỲNH MAI

Đó là yêu cầu của BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống COVID-19 tỉnh đối với các địa phương và lực lượng thực hiện nhiệm vụ đưa người đi cách ly, các cơ sở cách ly tập trung.

F1 khác với F1 nguy cơ cao

Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, Trưởng Tiểu ban truy vết (Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 tỉnh), cho biết qua kiểm tra tại các khu cách ly tập trung, về cơ bản có thể thấy các địa phương, đơn vị đã khắc phục hạn chế, nhưng một số nơi vẫn chưa thực hiện đúng quy trình cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Điều này dễ dẫn đến lây nhiễm chéo trong khu. Ví dụ, một số khu cách ly tập trung không tổ chức đưa cơm đến tận phòng cho các trường hợp F1, mà để người từng phòng đến nơi nhận cơm. Người thực hiện cách ly tự thu gom rác thải, mang đến nơi quy định. Còn trường hợp đổi người giữa các phòng trong thời gian cách ly, thì chưa phân loại nguy cơ giữa các F1 khi đưa đến cơ sở tập trung…

Hiện tại, các cơ sở cách ly do quân đội quản lý đã quán triệt thực hiện tốt các quy định. Riêng một số khu cách ly ở các địa phương vẫn còn chưa chặt chẽ trong một số khâu, nhất là các khu cách ly tập trung mới kích hoạt, còn lúng túng.

Theo BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, tổ truy vết phải điều tra thật kỹ dịch tễ, phân loại theo mức độ nguy cơ với các trường hợp F1, F2. Trường hợp tiếp xúc trực tiếp, nhiều lần, khoảng cách gần, người nhà của F0, mức độ nguy cơ sẽ cao hơn những F1 tiếp xúc xa, có mang khẩu trang, không nhiều lần… “Phải phân loại cụ thể như vậy để khi xe đưa đi cách ly tập trung không chở chung xe giữa F1 nguy cơ cao và F1 ít nguy cơ. Khi đến cơ sở cách ly, việc sắp xếp bố trí phòng cũng phải được phân loại tương tự. Trong thời gian cách ly, người giữa các phòng tránh không được di chuyển, đổi phòng, nhất là các trường hợp F1 có nguy cơ cao có nhu cầu di chuyển ra cách ly ở khách sạn. Những điều này giúp hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo”, Giám đốc Sở Y tế nói.

Truy vết kỹ các chợ, điểm tập trung đông người

Qua phân tích chuyên môn về dịch tễ, có thể thấy, sự bùng phát dịch COVID-19 tại Phú Yên từ ngày 23/6 đến nay gần như chỉ từ một nhánh chính. Từ ca bệnh đầu tiên, lây sang người ở quán cơm Yến Nam, đến chợ Màng Màng (TP Tuy Hòa) và cứ thế phát tán ra các chợ dân sinh khác trên địa bàn thành phố, về các địa phương khác, lây ra cộng đồng… Kể từ ngày 23/6 đến nay, Sở Y tế đã phát đi 44 thông báo tìm người đến các địa điểm nguy cơ lây nhiễm, trong đó gọi tên nhiều chợ ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Bởi vậy, Sở Y tế yêu cầu các địa phương phải kiểm tra, rà soát thật kỹ các chợ, không chỉ các tiểu thương trong chợ đã có ca nhiễm, cần mở rộng tiểu thương ở các chợ chưa có F0 nhưng có yếu tố dịch tễ liên quan.

“Các thông báo tìm người đến địa điểm nguy cơ và báo cáo hàng ngày của Sở Y tế đều ghi rõ yếu tố dịch tễ liên quan đến nhiều chợ dân sinh. Tuy nhiên, các địa phương chưa phản ứng kịp thời và quyết liệt, tiểu thương và người dân trong khu vực thì chủ quan. Đơn cử như chợ Nho Lâm, Hạnh Lâm (huyện Phú Hòa), phải một thời gian khá lâu mới xác định được F0 ở khu vực này. Thực tế cho thấy, khi dịch liên quan đến các chợ đều lây lan cực nhanh, nếu không xử lý kịp thời, truy vết triệt để sẽ rất khó khăn trong phòng, chống dịch”, bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc nhấn mạnh.

Đối với các chợ đã có ca F0, chính quyền cần ngưng hoạt động, xét nghiệm tất cả tiểu thương. Khi xác định F0, phải điều tra dịch tễ, truy vết thật kỹ, lập danh sách cho hết số F1, F2 ở khu vực chợ và các trường hợp liên quan trong cộng đồng. Đối với các chợ chưa có F0, lực lượng chức năng rà soát, phân loại, yêu cầu tiểu thương khai báo y tế và cam kết đảm bảo khai báo đầy đủ, chính xác.

Đám tang cũng là một trong những nơi dễ phát sinh ổ dịch, bởi người dân tập trung phúng viếng. Đối với những đám tang ở trong vùng phong tỏa, phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch. Một bài học kinh nghiệm là cho đến nay, trường hợp đám tang ở thôn Phú Lộc (xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa), các trường hợp F liên quan đến đám tang này rất nhiều, khó truy vết.

Việc khai báo lịch trình của các trường hợp F0, F1 cũng cần được các địa phương đặc biệt quan tâm. Bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc cho hay đã có nhiều trường hợp khai báo y tế không đúng, không đầy đủ lịch trình di chuyển của mình, do thời gian dài ngày, lịch trình dày, không nhớ hết. Tuy nhiên có nhiều trường hợp khai báo không trung thực, quanh co, có ý giấu giếm. Vừa rồi, trường hợp một tài xế F0 khai báo dịch tễ là có ghé nhà ăn cơm, không tiếp xúc với người vợ. Vậy nhưng vài ngày sau, người vợ này kết quả dương tính. Điều đó khẳng định, anh kia có tiếp xúc gần với vợ nhưng giấu không khai báo.

Các thông báo tìm người ở các địa điểm có nguy cơ và các báo cáo hàng ngày của Sở Y tế đều ghi rõ yếu tố dịch tễ liên quan đến nhiều chợ dân sinh. Tuy nhiên, các địa phương chưa phản ứng kịp thời và quyết liệt; tiểu thương và người dân trong khu vực thì chủ quan. Thực tế cho thấy, khi dịch liên quan đến các chợ đều lây lan cực nhanh, nếu không xử lý kịp thời, truy vết triệt để sẽ rất khó khăn trong phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Thị Mộng Ngọc

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/261538/phan-loai-f1-truy-vet-that-ky-nguoi-den-cac-cho.html