Phân hóa lãi suất cho vay

Về cơ bản, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng có sự chênh lệch và phân hóa là tất yếu, khi mỗi ngân hàng sẽ có những lợi thế riêng biệt cùng với cơ cấu vốn đầu vào khác nhau, do đó chi phí vốn cũng có sự khác biệt lớn.

VietinBank mới đây tiếp tục hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) xuống chỉ còn 5,9%/năm, động thái này là điểm nhấn trong một bức tranh rộng lớn hơn, phác họa xu hướng lãi suất cho vay đang giảm thực chất hơn. Ảnh: T.L

VietinBank mới đây tiếp tục hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) xuống chỉ còn 5,9%/năm, động thái này là điểm nhấn trong một bức tranh rộng lớn hơn, phác họa xu hướng lãi suất cho vay đang giảm thực chất hơn. Ảnh: T.L

Lãi suất cho vay bắt đầu giảm nhanh

VietinBank mới đây tiếp tục hạ lãi suất cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) xuống chỉ còn 5,9%/năm, dành cho các khoản vay có kỳ hạn đến sáu tháng bằng tiền đồng, phát sinh mới trong khoảng thời gian từ nay đến hết 31-12-2023. Được biết gói tín dụng SME UP với hạn mức lên đến 15.000 tỉ đồng đã được triển khai từ tháng 6-2023, với lãi suất ưu đãi liên tục được điều chỉnh giảm để phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp SME tốt hơn.

Động thái của VietinBank là điểm nhấn trong một bức tranh rộng lớn hơn, phác họa xu hướng lãi suất cho vay đang giảm thực chất hơn. Với các khoản tiền gửi ở thời kỳ lãi suất cao trong một năm trở lại đây đang đáo hạn dần, cộng thêm mặt bằng lãi suất tiền gửi đã giảm đáng kể trong những tháng qua, nhiều ngân hàng đang chứng kiến chi phí vốn của mình giảm nhanh hơn trong thời gian gần đây, tạo điều kiện kéo giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ hơn.

Mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết lãi suất bình quân của những khoản vay mới đã giảm khoảng 2-2,2 điểm phần trăm, vượt kỳ vọng của nhà điều hành. Trong đó, lãi suất cho vay bình quân tại bốn ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh đã xuống còn khoảng 6%/năm.

Đơn cử như tại Vietcombank, mức lãi suất cho vay trung bình của tất cả khoản cho vay ngắn, trung, dài hạn trước đây, cũng như các khoản cho vay mới hiện nay chỉ là 5,94%/năm; so với cuối năm 2022 đã giảm 1,75 điểm phần trăm và so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,29 điểm phần trăm.

Hay như tại BIDV, lãi suất cho vay trung bình là 6,46%/năm; so với cuối năm ngoái đã giảm 2,59 điểm phần trăm và so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 0,15 điểm phần trăm. Mới đây, BIDV tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay khách hàng cá nhân chỉ còn từ 5,4%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới sáu tháng hoặc từ 6,4%/năm với khoản vay từ 6-12 tháng.

Agribank cũng công bố giảm lãi suất cho vay từ ngày 1-11 đến hết 31-12, để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn và thúc đẩy sản xuất – kinh doanh. Theo đó, trong hai tháng cuối năm 2023, Agribank sẽ giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu của các khách hàng có nợ cơ cấu, nợ nhóm 2, nợ xấu nội bảng về tối đa đến mức sàn cho vay hiện hành của Agribank, trong đó có khách hàng có thể được điều chỉnh lãi suất giảm từ 3-4 điểm phần trăm.

Ở nhóm NHTM tư nhân, từ nay đến hết năm 2023, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) sẽ tiếp tục giảm tới 2 điểm phần trăm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu, bao gồm cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Ngân hàng Bản Việt cũng vừa tung ra gói siêu ưu đãi lãi vay linh hoạt từ nay đến hết năm 2023, áp dụng cho khách hàng vay phục vụ sản xuất kinh doanh, vay mua bất động sản, xây dựng, sửa chữa nhà với lãi suất chỉ từ 6,5%/năm.

Giảm lãi suất cho vay cũng là phương thức cạnh tranh quyết liệt của các ngân hàng nhằm tăng tốc cho vay giai đoạn cao điểm kinh doanh cuối năm, khi nhiều ngân hàng hiện vẫn còn cách xa mục tiêu tăng trưởng tín dụng được phân bổ trong năm nay. Ngoài ra, với Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng mua nợ lẫn nhau, lãi suất cho vay thấp cũng là “miếng mồi” hấp dẫn các ngân hàng sử dụng để lôi kéo khách hàng của nhau.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có điều kiện để giảm nhanh và đưa lãi suất cho vay về mức thấp như vậy. Cũng theo thông tin từ đại diện NHNN, vẫn còn những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 9% trở lên, cơ quan này đã “chỉ mặt điểm tên” và yêu cầu tìm mọi biện pháp để giảm lãi suất.

Vì sao phân hóa?

Về cơ bản, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng có sự chênh lệch và phân hóa là tất yếu, khi mỗi ngân hàng sẽ có những lợi thế riêng biệt cùng với cơ cấu vốn đầu vào khác nhau, do đó chi phí vốn cũng có sự khác biệt lớn. Mức lãi suất của nhóm NHTM gốc quốc doanh dĩ nhiên luôn là mục tiêu mà các NHTM tư nhân hướng đến, vì đơn giản lãi suất cho vay càng thấp ngân hàng sẽ cạnh tranh hiệu quả hơn và cũng có thể hạn chế rủi ro tín dụng tốt hơn. Thông thường, những khách hàng tín dụng có vấn đề mới chấp nhận bất kỳ mức lãi suất cao nào. Nhưng rõ ràng không phải tổ chức nào cũng có những lợi thế đặc thù như nhóm big 4 nói trên.

Đầu tiên là về chi phi vốn, nhóm big 4 là những ngân hàng có thế mạnh bán buôn, lượng tiền gửi thanh toán của khách hàng doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, cũng như có đối tượng khách hàng chuyên biệt là nhóm các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước có lượng tiền gửi duy trì với số dư lớn, do đó lượng vốn huy động đầu vào giá rẻ giúp chi phí vốn của các ngân hàng này thấp hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Trong khi đó, ở nhóm NHTM tư nhân, chỉ một số ngân hàng có tỷ trọng tiền gửi CASA lớn như MBBank hay Techcombank mới có thể cạnh tranh được về chi phí vốn với big 4.

Bên cạnh đó, nhờ quy mô lớn, mạng lưới rộng khắp và có sự hậu thuẫn của cổ đông lớn là Nhà nước phía sau, thương hiệu và uy tín của nhóm big 4 cũng vượt trội hơn nhiều so với các ngân hàng khác. Do đó, nhóm này dù niêm yết lãi suất tiền gửi thấp hơn nhiều so với thị trường nhưng vẫn thu hút được khách hàng gửi tiền. Các ngân hàng này cũng có lợi thế trong việc thu hút tiền gửi đô la Mỹ có lãi suất 0%, nên càng giúp chi phí vốn ở mức thấp để xác định lãi suất cho vay cạnh tranh so với mặt bằng chung.

Ngoài ra, trong khi BIDV là NHTM được chỉ định thực hiện thanh toán tiền cho toàn bộ giao dịch chứng khoán diễn ra tại Sàn giao dịch chứng khoán TPHCM – HOSE và Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội – HNX, Vietcombank mới đây cũng được lựa chọn làm ngân hàng thanh toán cho hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên HNX, nên có lẽ một lượng tiền thanh toán thường xuyên đọng lại trên hệ thống của hai ngân hàng này.

Một yếu tố khác khiến lãi suất cho vay có sự phân hóa giữa các ngân hàng chính là phân khúc khách hàng, cũng như sản phẩm mà từng ngân hàng tập trung phát triển. Dĩ nhiên với những ngân hàng bán buôn khi cho vay ở phân khúc khách hàng doanh nghiệp có mục đích sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, lãi suất sẽ thấp hơn nhiều so với nhóm ngân hàng bán lẻ chuyên cho vay ở phân khúc khách hàng cá nhân với các sản phẩm cho vay mua nhà, mua ô tô hay cho vay tiêu dùng.

Kỳ hạn vay cũng sẽ khiến các mức lãi suất có sự chênh lệch lớn. Thông thường lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ở nhóm khách hàng doanh nghiệp chỉ có kỳ hạn ngắn dưới một năm nên lãi suất sẽ dễ chịu hơn, trong khi cho vay mua nhà, ô tô hay cho vay tiêu dùng thường có kỳ hạn vay từ 3-5 năm trở lên, nên lãi suất cho vay sẽ cao hơn rất nhiều.

Triệu Minh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/phan-hoa-lai-suat-cho-vay/