Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo

Đào tạo song song giữa lý thuyết và thực hành là một trong những phương pháp dạy học tích cực, là yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục của nhà trường', Phó Giáo sư - Tiến sỹ Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai nhấn mạnh.

Sinh viên được ứng dụng thực hành. Ảnh: Tư liệu

Cửa hàng sản vật Lào Cai nằm trên đại lộ Trần Hưng Đạo, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) là địa chỉ thu hút đông người tiêu dùng. Trong số sản phẩm được bày bán, có củ tam thất, bột tam thất và trà tam thất XuHu. Chị Hoàng Thị Hướng, chủ cửa hàng cho biết, sản phẩm từ củ tam thất, bột tam thất và trà tam thất mang tên XuHu tiêu thụ khá tốt, sản phẩm do thầy và trò Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai nghiên cứu, phối hợp với nông dân huyện Si Ma Cai, huyện Mường Khương gieo trồng với quy trình nghiêm ngặt.

Củ tam thất, bột tam thất và trà tam thất mang tên XuHu là những sản phẩm nông nghiệp đặc hữu do thầy và trò phân hiệu nghiên cứu, liên kết sản xuất. Đó là tín hiệu vui, là kết quả ban đầu của việc gắn đào tạo với thực tiễn mà nhà trường chú trọng thực hiện.

Chúng tôi tìm đến Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên là vườn nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao với nhiều sinh viên đang chăm chú nghe giảng viên hướng dẫn thực hành kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa trong nhà kính, nhà lưới. Cả khu vườn thực nghiệm có hơn 3.000 giò hoa lan thuộc 120 loài, hơn 50 loại hoa hồng cổ, hồng ngoại nhập, dưa lưới, cà chua…

Giảng viên Hoàng Khánh Chi cho biết: Đào tạo gắn với thực tiễn là như vậy. Với sinh viên ngành khoa học cây trồng, ngoài học lý thuyết trên giảng đường gắn với thực hành tại chỗ (vườn thực nghiệm), chúng tôi còn bố trí cho các em nghiên cứu khoa học, cùng bà con nông dân khảo nghiệm những cây trồng mới. Nổi bật như mô hình trồng cây tam thất ở Si Ma Cai (mô hình liên kết sản xuất giữa Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai với huyện Si Ma Cai) giúp giảng viên và sinh viên có thêm kiến thức, kỹ năng thực tế. Từ đó, giúp sinh viên thấy rõ việc nghiên cứu khoa học, học tập phải chú trọng vấn đề gì, để khi ra trường có chuyên môn, nghiệp vụ thuận lợi trong tìm kiếm việc làm.

Em Nguyễn Thị Huyền, sinh viên lớp Du lịch K2, Khoa Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tâm sự: Ngay từ khi vào học tại trường, em đã được các thầy cô định hướng, hướng dẫn phương pháp học tập khoa học, hiệu quả. Do đó, khi đi thực tế tại các công ty du lịch, em tiếp cận nhanh với công việc. Em được công ty đánh giá cao về chuyên môn.

Với nền tảng vững chắc là có đội ngũ giảng viên uy tín, trình độ cao từ Đại học Thái Nguyên, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai dù mới đi vào hoạt động được ít năm, nhưng uy tín, chất lượng đào tạo đã dần được khẳng định. Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hà, Phó Giám đốc Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai cho biết: Với 4 ngành đào tạo chính quy bậc đại học là Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Chăn nuôi; Quản lý tài nguyên môi trường; Khoa học cây trồng, trong những năm qua, bên cạnh việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai đặc biệt quan tâm tới công tác thực hành, thực tập, gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực tiễn công việc. Song hành với xây dựng mô hình thực hành nghề nghiệp phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học là xây dựng mạng lưới các cơ sở thực tập. Việc phối hợp giữa nhà trường và cơ sở thực tập nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thực tập của sinh viên. Phân hiệu cũng nghiên cứu thị trường của các nhà tuyển dụng, định hướng thực tập cho sinh viên, qua đó nâng cao cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên.

Để việc dạy và học đạt hiệu quả cao, Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại Lào Cai xác định cần đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ, viên chức về hoạt động thực tập gắn với thực tiễn nhu cầu xã hội; cần am hiểu hơn nữa về doanh nghiệp, xác định rõ các ngành nghề doanh nghiệp đang cần, có kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp, từ đó có định hướng trong giảng dạy tại các khoa. Mời các doanh nghiệp tham gia góp ý chương trình đào tạo và tham gia xây dựng các chương trình thực tập, thực hành, đầu tư trang - thiết bị công nghệ trong đào tạo; điều chỉnh bố cục và thời lượng hợp lý các đợt thực tập, thực hành cho sinh viên, đảm bảo cho sinh viên có đủ thời gian nắm, rèn luyện, cọ sát chuyên môn, bổ sung kỹ năng trong môi trường thực tế.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/350531-phan-hieu-dai-hoc-thai-nguyen-tai-lao-cai-nhieu-giai-phap-nang-cao-chat-luong-dao-tao