Phân công giữa công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương

Công nghiệp trung ương phát triển chủ yếu về cơ khí, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng. Công nghiệp địa phương dựa trên nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất các hàng hóa tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng thông dụng.

Nhà máy Dệt 8-3 chính thức được khánh thành ngày 08/3/1965 sau 5 năm xây dựng (Ảnh: TTXVN)

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III tháng 9/1960 đã đề ra đường lối cách mạng trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội xác định đường lối công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, thông qua Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất phát triển kinh tế quốc dân.

Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010”, tháng 6/1962, Hội nghị Trung ương lần thứ 7 bàn về vấn đề xây dựng và phát triển công nghiệp theo phương hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý; ra sức phát triển công nghiệp nhẹ song song với ưu tiên phát triển công nghiệp nặng; phát triển công nghiệp trung ương, đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương, kết hợp xí nghiệp quy mô lớn với xí nghiệp quy mô vừa và nhỏ; kết hợp kỹ thuật hiện đại với kỹ thuật thô sơ.

Đồng thời, phân công giữa công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương. Theo đó, công nghiệp trung ương phát triển chủ yếu về cơ khí, luyện kim, hóa chất, phân bón, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng. Công nghiệp địa phương dựa trên nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất các hàng hóa tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng thông dụng.

Hệ thống công nghiệp mới bao gồm ba bộ phận chủ yếu: công nghiệp trung ương, công nghiệp quốc doanh địa phương và tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã, trong đó công nghiệp nặng trung ương là xương sống của nền kinh tế quốc dân. Bước đầu hình thành một số khu công nghiệp tập trung như Hà Nội, Đông Anh, Việt Trì, Thái Nguyên, Hải Phòng, Nam Định, Hồng Quảng, Vinh...

Công nghiệp quốc doanh, đặc biệt là công nghiệp trung ương đã cung cấp cho nền kinh tế một khối lượng lớn những sản phẩm tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng quan trọng: điện, than, gang, máy cắt gọt kim loại, động cơ điện, xà lan, bơm nước, phân bón hóa học, quặng apatít, xi măng, xe đạp, săm lốp xe đạp, nông cụ, vải, giấy, đồ thủy tinh, đồ sứ, đường mật, nước mắm...

Những sản phẩm mới của công nghiệp nặng trung ương thời kỳ này chủ yếu là chế tạo thiết bị cỡ lớn và máy móc chính xác, như máy tiện 1K62, máy mài M120, biến thế 1.800 kVA, động cơ 75 kW, bơm nước 4.000 - 8.000 m3/h, đầu máy xe lửa “Tự Lực”, bơm cao áp cho máy Dieden, xích máy kéo, 14 loại phụ tùng cho ô tô. Ngoài ra, cũng tích cực nghiên cứu chế thử và đưa vào sản xuất máy mài chính xác, máy doa ngang, máy búa, máy dập, máy khoan đá, xe gạt, tầu hút bùn…

Trong 5 năm 1961-1965, tổng khối lượng vốn đầu tư cho công nghiệp thực hiện 1.351,8 triệu đồng, trong đó công nghiệp sản xuất tư liệu sản xuất (nhóm A): 78% và công nghiệp nhẹ (nhóm B): 22%.

Theo cách phân khác: công nghiệp trung ương: 74,7%, công nghiệp địa phương: 25,3%. Riêng hai ngành Điện lực và Luyện kim đen chiếm 40% tổng vốn đầu tư vào công nghiệp. Do đó, tổng giá trị tài sản cố định mới tăng thêm của công nghiệp trong 4 năm 1961 - 1964 là 1.031,5 triệu đồng, trong đó công nghiệp trung ương tăng 964,5 triệu đồng và công nghiệp địa phương tăng 67 triệu đồng.

Cả thời kỳ kế hoạch 5 năm đã xây dựng thêm 120 xí nghiệp, đưa tổng số xí nghiệp quốc doanh từ 1.012 năm 1960 lên 1.132 năm 1965, trong đó công nghiệp trung ương: 205 và công nghiệp quốc doanh địa phương: 927.

Trong thời kỳ này, đã tăng thêm 113 xí nghiệp quy mô lớn, kỹ thuật hiện đại. Xây dựng xong và đưa vào sản xuất các xí nghiệp công nghiệp nặng như các nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Việt Trì, Thái Nguyên, Hà Bắc, Vinh, Phân đạm Hà Bắc, Phân lân Văn Điển và Thanh Hóa, Hóa chất và thuốc trừ sâu Việt Trì.

Bên cạnh đó, hoàn thành xây dựng và mở rộng nhiều xí nghiệp công nghiệp nhẹ như Dệt 8-3, Dệt len Hải Phòng, Sắt tráng men Hải Phòng, Nhuộm in hoa Hà Đông, Giấy Việt Trì, Đường Vạn Điểm và Sông Lam, Sứ Hải Dương, Xe đạp Thống Nhất, Cao su Sao Vàng, Bóng đèn phích nước Rạng Đông... Đặc biệt, đẩy mạnh tốc độ xây dựng công trình cỡ lớn - Liên hợp Gang thép Thái Nguyên, vốn được khởi công từ cuối thời kỳ trước.

Giá trị sản lượng công nghiệp tăng 89% sau 5 năm, từ 1.458 triệu đồng năm 1960 lên 2.761 triệu đồng năm 1965. Tốc độ tăng giá trị sản lượng bình quân hàng năm đạt 13,6%. Trong đó, công nghiệp nặng 19,3% và công nghiệp nhẹ 10,4%, công nghiệp quốc doanh trung ương 20,4% và công nghiệp địa phương: 8,4%.

Tỷ trọng công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng công - nông nghiệp từ 47% năm 1960 tăng lên 55% năm 1965. Cơ cấu công nghiệp cũng có sự thay đổi: công nghiệp nặng từ 33,7% lên 42% và công nghiệp nhẹ từ 66,3% giảm xuống 58%, tỷ trọng công nghiệp trung ương: 51% và công nghiệp địa phương: 49%.

Đào Mạnh Đức

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phan-cong-giua-cong-nghiep-trung-uong-va-cong-nghiep-dia-phuong-106695.htm