Phân cấp, phân quyền không có nghĩa 'giao khoán' cho địa phương, cho cấp dưới

Trả lời về việc phân cấp, phân quyền trong thẩm định dự án đầu tư xây dựng nhóm dự án nhóm A được đại biểu chất vấn sáng nay, 8.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với các dự án mang tínk kỹ thuật, các bộ, ngành liên quan phải phối hợp các địa phương. Phân cấp, phân quyền không có nghĩa 'giao khoán' cho địa phương, cho cấp dưới, mà phải đôn đốc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Nhận trách nhiệm khi chưa hoàn thành Nghị quyết 27 của Trung ương

Nêu cầu hỏi chất vấn với Thủ tướng Chính phủ, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) nêu rõ, Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có giao Chính phủ chỉ đạo kịp thời để thể chế hóa và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, sau gần 15 năm, đến nay vẫn chưa được thể chế hóa. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết đến khi nào sẽ thực hiện nhiệm vụ này?

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nghị định số 42/2017/ NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã cho phép ủy quyền cho địa phương để thẩm định dự án, thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng đối với một số dự án nhóm A. Tuy nhiên, đến Nghị quyết 15 năm 2021 thì không còn nội dung ủy quyền này nữa. Nêu vấn đề này, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị, Thủ tướng cho biết, việc ủy quyền một số dự án như trên có phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hay không, đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát các trường hợp tương tự để phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa?

Nhận trách nhiệm liên quan đến việc thể chế hóa Nghị quyết 27, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, "giao nhiệm vụ mà chưa hoàn thành thì phải nhận khuyết điểm", đồng thời cho biết sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm và tập trung hoàn thành nhiệm vụ được giao; trực tiếp Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách sẽ vào cuộc để thực hiện nhiệm vụ này.

Về việc phân cấp, phân quyền liên quan đến các dự án theo Nghị quyết 15, Thủ tướng cho rằng, cần rà soát, đánh giá lại như thế nào là phù hợp với thực tiễn, vấn đề gì cần tập trung làm, và nếu vướng mắc pháp lý thì phải tháo gỡ, nếu do tổ chức thực hiện thì phải khắc phục, còn nếu do phân cấp, phân quyền thì phải nâng cao khả năng thực thi, giám sát, kiểm tra.

"Có những dự án mang tínk kỹ thuật, thì các bộ, ngành liên quan phải phối hợp các địa phương. Phân cấp, phân quyền không có nghĩa là "giao khoán" cho địa phương, "giao khoán" cho cấp dưới, mà phải đôn đốc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn", Thủ tướng nhấn mạnh.

Cải cách tiền lương trong cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước

Trong các phiên chất vấn trước đó, một số ĐBQH cũng đã có câu hỏi gửi đến Thủ tướng Chính phủ.

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết quan điểm về việc nhiệm kỳ này, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thực hiện thí điểm nhiều cơ chế, chính sách so với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Điều này có thể sẽ dẫn đến sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tạo điều kiện cho tham nhũng chính sách hoặc cơ chế xin - cho.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Văn Thị Bạch Tuyết (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết, giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số, xã hội số; và việc triển khai cải cách chính sách tiền lương cũng như hoàn thiện các chính sách có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ trong thực hiện công việc này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua chúng ta đã có một số cơ chế đặc thù cho một số ngành, địa phương, để đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn khách quan. Nước ta là quốc gia đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, độ mở cao, khả năng chống chịu còn hạn chế. Trong khi đó, tình hình thế giới và trong nước thay đổi rất nhanh, nên có lúc có những văn bản, quy định chưa theo kịp thực tiễn, trong khi đó quy trình xây dựng pháp luật còn mất nhiều thời gian, công sức.

Do vậy, bên cạnh các lý do mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trả lời tại phiên chất vấn, Thủ tướng khẳng định, việc trình ban hành cơ chế đặc thù có cơ sở chính trị vững chắc. Đó là trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương đều thể hiện rõ tinh thần: Những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình, thì chúng ta quyết tâm thực hiện, và có thể luật hóa. Những gì chưa rõ, chưa chín, có luật pháp nhưng không còn phù hợp, hoặc chưa có luật pháp quy định, thì phải mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Về cơ sở pháp lý, quy định tại khoản a, Điều 15, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng cho phép việc này. Và về cơ sở thực tiễn, thì thực tế việc thực hiện các Nghị quyết về cơ chế đặc thù tại một số địa phương hiện đang cho thấy đã phát huy hiệu quả.

“Như vậy, cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của việc ban hành các cơ chế đặc thù vừa qua đều chắc chắn”. Khẳng định điều này, Thủ tướng cũng cho rằng, cần điều chỉnh cơ chế đặc thù cho phù hợp. Sắp tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, các cơ quan có liên quan, các đại biểu Quốc hội và người dân để có sự điều chỉnh phù hợp, tiến tới xây dựng và hoàn thiện một hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt và thống nhất.

Với câu hỏi của đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Thủ tướng cho biết, tiền lương là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, vì đây vừa là công cụ tái tạo sức lao động, vừa là động lực cho cán bộ, công chức, người lao động tham gia vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vừa qua, do đại dịch Covid-19, nguồn lực có hạn, tình hình trong nước và ngoài nước chịu nhiều tác động, nên việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn khó khăn. Tuy nhiên, Chính phủ đã cố gắng trích lập lương, tăng thu - giảm chi, tiết kiệm các khoản và hiện đã có nguồn 560 nghìn tỷ đồng để chuẩn bị chi cho cải cách chính sách tiền lương bắt đầu từ 1.7.2024 đến hết năm 2026.

Song song với cải cách chính sách tiền lương trong khu vực nhà nước, Thủ tướng cũng cho biết, đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng chính sách tiền lương khu vực ngoài Nhà nước để chính sách tiền lương của hai khu vực này tiệm cận với nhau, theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện hoàn chỉnh vị trí việc làm, tinh giản biên chế gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị, tiết kiệm các khoản chi để bảo đảm chi lương cho người lao động, Thủ tướng nói.

Về giải pháp phát triển kinh tế số, xã hội số, Thủ tướng cho biết, hiện nay, mục tiêu đặt ra là tăng trưởng trung bình của kinh tế số nước ta đạt mức 20% vào năm 2025. Trong năm 2023, tăng trưởng kinh tế số đạt 17%, năm 2024 dự kiến sẽ đạt 20%, về đích trước một năm.

Để thực hiện mục tiêu đặt ra, Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược về kinh tế số, xã hội số và công dân số; thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số; tiếp tục hoàn thiện thể chế; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; bố trí nguồn lực phát triển hạ tầng số, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Thủ tướng cho biết, năm 2023 được lựa chọn là "Năm dữ liệu số" để tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các ngành, các cấp để thực hiện chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện nêu trên, Thủ tướng cho biết, cần quan tâm đến hạ tầng công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực; thực hiện nền tảng số trong toàn dân để người dân là chủ thể và trung tâm của quá trình này; tập trung chuyển đổi số cho các ngành mới nổi, như kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi xanh…

Phát biểu kết thúc phần trả lời chất vấn của Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên chất vấn với Thủ tướng Chính phủ tập trung vào những vấn đề nổi lên trong quá trình chất vấn cũng như thảo luận ở Tổ, hội trường về kinh tế - xã hội. Phiên chất vấn có 62 đại biểu đăng ký chất vấn, và đã có 10 đại biểu thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 9 đại biểu chất vấn và một đại biểu tranh luận. Còn 52 đại biểu đăng ký nhưng chưa được chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các ĐBQH gửi văn bản trực tiếp cho Thủ tướng để Thủ tướng trả lời bằng văn bản cho ĐBQH theo quy định.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/phan-cap-phan-quyen-khong-co-nghia-giao-khoan-cho-dia-phuong-cho-cap-duoi-i349299/