Phân biệt cúm thông thường với cúm A/H5N1 ra sao?

Hiện nay, nhiều dịch bệnh có dấu hiệu khởi phát khá giống nhau như cúm A/H5N1, cúm mùa, Covid-19… người dân không nên chủ quan, tránh nhầm lẫn dẫn đến việc tự ý điều trị sai, gây hậu quả đáng tiếc.

Sau nhiều năm không ghi nhận ca nhiễm cúm A/H5N1 trên người, mới đây, Việt Nam vừa ghi nhận một ca nhiễm bệnh và tử vong (tại Khánh Hòa) do cúm gia cầm H5N1.

Bộ Y tế nhận định, thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Tuy nhiên, cũng tại thời điểm này, nhiều dịch bệnh khác có dấu hiệu khởi phát tương tự như cúm A/H5N1 cũng xuất hiện trong cộng đồng như cúm mùa, Covid-19,...

Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chỉ ra rằng, với các triệu chứng lâm sàng, sẽ rất khó để phân biệt cúm thông thường hay cúm gia cầm H5N1.

Theo đó, các loại cúm mùa thông thường như cúm A, cúm B, hay Covid-19… và cúm gia cầm, người bệnh đều có thể xuất hiện các triệu chứng lâm sàng thông thường với như ho, sổ mũi, đau đầu, đau mỏi cơ, sốt,…

BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương).

Mặc dù cúm gia cầm H5N1 sẽ có diễn tiến nhanh hơn, nặng hơn với các dấu hiệu như đau tức ngực, khó thở, suy hô hấp,… với tỷ lệ tử vong cao, đến trên 50%.

Tuy nhiên, với các chủng khác như Covid-19, cúm A, cúm B,… bệnh nhân cũng có thể có những tiến triển nặng tương tự như viêm phổi, suy hô hấp,… mặc dù tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều.

Do đó, chỉ có cách làm xét nghiệm để xác định người bệnh có mắc cúm gia cầm H5N1 hay không.

Cụ thể, với các loại cúm H5N1, H1N1 thì có thể làm xét nghiệm PCR. Trong khi, với các xét nghiệm nhanh có thể xác định được cúm A, cúm B, Covid-19,…

Đối với những người bệnh ở xa, không có điều kiện đi khám tại các cơ sở có thể làm xét nghiệm chuyên sâu, có thể căn cứ vào tiền sử dịch tễ như bản thân có tiếp xúc với người nhà, bạn bè có biểu hiện cúm có nguồn lây rõ ràng và đã được làm xét nghiệm để xác định.

Đối với các trường hợp có tiền sử dịch tễ như bản thân tiếp xúc, chăn nuôi, giết mổ gia cầm, săn bắn chim di cư,… sẽ có nguy cơ mắc cúm A/H5N1 cao hơn.

“Hiện tại chưa có trường hợp ghi nhận cũng như bằng chứng rõ ràng việc cúm gia cầm H5N1 lây từ người sang người, tuy nhiên virus vẫn có nguy cơ biến đổi động lực gây nên lây nhiễm từ người sang người.

Do đó, khi xuất hiện các triệu chứng nêu trên, người dân cần chủ động thăm khám ngay cả khi có những triệu chứng nhẹ để phát hiện và xử lý kịp thời, tránh biến chứng nặng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H5N1 lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không giết mổ, sử dụng, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y. Hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Hoàng Chiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/phan-biet-cum-thong-thuong-voi-cum-a-h5n1-ra-sao-10276195.html