Phản biện của Mặt trận phải nói được 'tiếng nói của người dân'

Góp ý về vai trò giám sát, phản biện của MTTQ TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cho rằng, phản biện của Mặt trận phải làm sao khi phát ngôn thì nhận sự đồng thuận, nhân dân hào hứng vì có được tiếng nói của người dân, thay vì chỉ phản biện theo theo đơn đặt hàng, đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều hành.

Sáng nay (26/9), tại TP.HCM diễn ra Hội nghị góp ý dự thảo kế hoạch của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Hội nghị góp ý dự thảo kế hoạch của Ủy ban MTTQ TP.HCM triển khai thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội diễn ra sáng 26/9 (Ảnh: N.X)

Nâng cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù là một trong các vấn đề được quan tâm thảo luận tại hội nghị. Theo dự thảo kế hoạch của Ủy ban MTTQ TP.HCM, hàng năm, hệ thống Mặt trận các cấp tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo quy định liên quan đến lĩnh vực người dân quan tâm, bức xúc, với các chỉ tiêu cụ thể đối với cấp Thành phố; quận-huyện, TP. Thủ Đức và cấp phường-xã, thị trấn.

Bên cạnh đó, MTTQ TP.HCM phối hợp HĐND Thành phố, các đoàn thể chính trị-xã hội giám sát định kỳ, chuyên đề công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, quá trình thực thi công vụ của chính quyền các cấp về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển TP.HCM theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội. Từ đó kịp thời phát hiện nhân tố tích cực, năng động, sáng tạo để đề xuất khen thưởng, cũng như đề xuất xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực, tham nhũng, vi phạm.

Mặt trận cũng tăng cường giám sát việc kiểm soát quyền lực, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo sự chuyển biến về cải thiện môi trường đầu tư; tổ chức điều tra xã hội học, nắm tình hình dư luận, khảo sát sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp để đề xuất, kiến nghị rà soát, bổ sung, tăng tính đồng thuận của Nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện .

Góp ý dự thảo, ông Nguyễn Hoàng Năng, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP cho rằng, giải pháp nâng cao chất lượng giám sát, phản biện cần đi sâu hơn nữa để tạo sự chuyển động thực sự. Phản biện của Mặt trận phải làm sao khi phát ngôn thì nhận sự đồng thuận, nhân dân hào hứng vì có được tiếng nói của người dân, thay vì chỉ phản biện theo theo đơn đặt hàng, đáp ứng yêu cầu của cơ quan điều hành.

Ông Trần Trung Tính

Ông Trần Trung Tính, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP đề nghị nên xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp nhằm tăng tính dẫn dắt, định hướng xuyên suốt việc triển khai thực hiện nghị quyết; phải quán triệt đến từng người dân để họ hiểu mục tiêu và phấn đấu thực hiện; phải lắng nghe phản ánh của người dân hiến kế cho chính quyền, Mặt trận, đoàn thể.

Cũng liên quan vấn đề giám sát, phản biện, ông Trần Trung Tính, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM cho rằng, hầu hết vấn đề khiếu kiện về lĩnh vực đất đai do các quyết định hành chính sai, nhất là ra sổ đỏ, sổ hồng. Có thể, hệ thống Mặt trận có một tổ chức giám sát theo nguyện vọng của người dân, hòa giải trong nhân dân. Công tác tuyên truyền của Mặt trận bây giờ hết sức nặng nề, cần có sức lan tỏa trong công nghệ 4.0.

Ngọc Xuân/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/phan-bien-cua-mat-tran-phai-noi-duoc-tieng-noi-cua-nguoi-dan-post1048497.vov