Phạm Ngọc Thảo: Nếu có chết, xin chết trên đất nước VN

- Đề tựa cuốn tiểu thuyết Giữa biển giáo rừng gươm, nhà văn Nguyễn Trường Thiên Lý (tức Trần Bạch Đằng) ghi "Tưởng nhớ anh Chín T." Chín T. là Đại tá, liệt sỹ Phạm Ngọc Thảo. Tiểu thuyết sau được chuyển thể thành bộ phim Ván bài lật ngửa, với nhân vật chính Nguyên Thành Luân lấy nguyên mẫu từ ông.

Tung hoành trong lòng địch Trước cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu ngày 1/11/1963, Phạm Ngọc Thảo bàn với Dương Văn Minh, nhưng Minh quá nhát, không dám hưởng ứng. Tiếp đó Phạm Ngọc Thảo bàn với Trần Thiện Khiêm. Quả nhiên cuộc đảo chính thắng lợi. Tuy vậy, Dương Văn Minh cũng được cử đứng đầu Hội đồng quân nhân cách mạng... Tất cả các tướng lĩnh tham gia cuộc đảo chính đều được lên chức, lên lon. Phạm Ngọc Thảo vì chưa qua lớp cao cấp nên không được đề bạt. Đại sứ Mỹ rất biết việc này, muốn nắm Phạm Ngọc Thảo về sau, liền đề nghị với chính quyền ngụy đưa Phạm Ngọc Thảo sang Mỹ học trường võ bị cao cấp, cùng với đề nghị đưa chị Phạm Thị Nhiệm vợ ông sang Mỹ làm giáo sư dạy tiếng Việt cho những lớp sĩ quan Mỹ trước khi được đưa qua Việt Nam. Trong khi Phạm Ngọc Thảo đi Mỹ học thì ở trong nước, Nguyễn Khánh làm đảo chính Dương Văn Minh lên nắm chính quyền. Nhưng Nguyễn Khánh chỉ là một tên võ biền, không có chủ trương chính sách gì khả dĩ ổn định được tình hình rối loạn khắp nơi cũng như không dám đương đầu với đám tướng lĩnh, chỉ huy các đơn vị tham nhũng, buôn lậu. Nhiều cuộc biểu tình của dân chúng và học sinh, sinh viên đòi Nguyễn Khánh ra đối chất, Nguyễn Khánh ú ớ không trả lời được. Vì vậy khi Phạm Ngọc Thảo tốt nghiệp Học viện cao cấp quân sự ở Hoa Kỳ về, liền được Nguyễn Khánh phong ngay quân hàm đại tá và cử làm phát ngôn viên chính phủ. Có Phạm Ngọc Thảo, công việc bàn thảo và những kế hoạch đảo chính lại được tiếp tục. Trần Thiện Khiêm muốn đảo chính Nguyễn Khánh bằng kế hoạch bắt cóc trong một bữa tiệc gia đình nhưng không thành, lập tức Trần Thiện Khiêm đi làm đại sứ ở Mỹ đã yêu cầu có Phạm Ngọc Thảo đi theo để phụ trách nhiệm vụ tùy viên quân sự và báo chí. Nguyễn Khánh chấp thuận. Làm tùy viên quân sự và báo chí bên cạnh Trần Thiện Khiêm, chỉ một thời gian ngắn Phạm Ngọc Thảo đã nắm được kế hoạch của Lầu năm góc đang chuẩn bị đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam. Nhiều khu căn cứ bí mật đã được thành lập để huấn luyện cho quân đội Mỹ quen thuộc với địa hình đầm lầy và rừng rậm Việt Nam. Đế quốc Mỹ đang chờ thời cơ để có thể ký được với chính phủ bù nhìn nào đó ở Việt Nam một hiệp định cho Mỹ có quyền đưa quân đội viễn chinh vào chiếm đóng ở miền Nam Việt Nam. Nguyễn Khánh muốn cắt bớt vây cánh của Trần Thiện Khiêm đề phòng nguy hiểm về sau, liền lệnh cho Bộ Ngoại giao Sài Gòn triệu hồi Phạm Ngọc Thảo về nước và phải trình diện trước ngày 18/2/1965. Biết rõ âm mưu của Nguyễn Khánh, Phạm Ngọc Thảo đã bàn với Trần Thiện Khiêm về việc cần làm cuộc đảo chính Nguyễn Khánh ngay. Đảo chính lần này sẽ do chính Phạm Ngọc Thảo đứng ra chỉ huy. Cuộc đảo chính được hoạch định với những mục tiêu quan trọng như các cơ quan chính quyền, đài phát thanh, dinh thự của Nguyễn Khánh... phải giải quyết xong vào lúc 13 giờ ngày 19/2/1965. Đúng như kế hoạch, Phạm Ngọc Thảo đã chiếm được trụ sở làm việc của Nguyễn Khánh, cho xe tăng trở mũi về đài phát thanh thì bất ngờ một số nhà báo trông thấy Phạm Ngọc Thảo ngồi trên nóc một chiếc xe tăng chạy ngang qua công trường Mê Linh. Họ xúm tới phỏng vấn. Là phát ngôn viên chính phủ, Phạm Ngọc Thảo quen biết rất nhiều nhà báo nên không nỡ từ chối một ai, đành phải trả lời và để họ quay phim, chụp ảnh. Anh tới đài phát thanh trễ mất nửa giờ. Nhiệm vụ bắt Nguyễn Khánh được trao cho trung tá Lê Hoàng Thao, nhưng không may đơn vị bị lạc đường, phải có người đi tìm dẫn đường tới nơi. Cũng trễ nửa giờ. Nguyễn Khánh đã ăn trưa xong và về nghỉ tại biệt thự riêng cũng trong Bộ Tổng tham mưu và thấy có đơn vị đảo chính đang xông vào liền lẻn qua một cổng riêng chạy qua sân bay quân sự. Y gặp Nguyễn Cao Kỳ ở đây. Hai người chui hàng rào chạy thoát thân tới sân bay Biên Hòa. Nguyễn Cao Kỳ là Tư lệnh không quân của chính quyền Sài Gòn, cho một máy bay nhỏ đưa Nguyễn Khánh chạy ra Vũng Tàu. Nguyễn Cao Kỳ cũng lên một máy bay khác trốn khỏi sân bay Biên Hòa. Y cho máy bay lượn trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất dùng loa gọi xuống lệnh cho quân đảo chính rời khỏi Tân Sơn Nhất, nếu không y sẽ cho thả bom sân bay Tân Sơn Nhất. Lúc này ở sân bay Tân Sơn Nhất đang có một số đơn vị Mỹ đóng trong một khu doanh trại. Đại sứ Mỹ nghe được tuyên bố của Nguyễn Cao Kỳ liền phái tướng Rowland chạy tới Dinh Độc Lập gặp Phạm Ngọc Thảo đang họp báo ở đó. Phạm Ngọc Thảo đồng ý lên trực thăng riêng của đại sứ Mỹ cùng tướng Lâm Văn Phát lên Biên Hòa gặp Nguyễn Cao Kỳ. Hai bên thương lượng. Nguyễn Cao Kỳ chấp thuận loại Nguyễn Khánh ra khỏi Hội đồng quân nhân mà hiện nay y làm chủ tịch đổi lấy việc quân đảo chính rút khỏi sân bay Tân Sơn Nhất. Như vậy là cuộc đảo chính không đạt được mục tiêu. Vào 20 giờ cùng ngày các tướng lĩnh đảo chính họp và đồng ý giải tán để chờ cơ hội khác sẽ lại cùng nhau hợp tác. Báo Việt Tiến - kế hoạch hành động mới Làm lại từ đầu, lần này Phạm Ngọc Thảo thận trọng hơn trong việc lựa chọn đơn vị tham gia. Đối với những người chỉ huy, anh lựa kỹ càng hơn; về kế hoạch hành quân cũng như những biện pháp phải đối phó, anh vạch ra tỉ mỉ hơn. Anh xuất bản một tờ báo lấy tên là Việt Tiến tuyên truyền về tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam quyết đánh đuổi bọn xâm lược và tay sai, tinh thần dũng cảm của người lính khi lâm trận, phân tích những thiếu sót về cuộc đảo chính vừa qua và những biện pháp cần khắc phục. Báo Việt Tiến phát hành tới từng tiểu đội sẽ tham gia đảo chính lần thứ hai và được đông đảo nhân dân ủng hộ... Lúc này Nguyễn Khánh đã bị phế truất, Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ cầm đầu chính phủ mới mà họ gọi là “ủy ban Hành pháp Trung ương”. Cả Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ đều sợ Phạm Ngọc Thảo. Cao Kỳ ngấm ngầm cho bọn an ninh quân đội đi khắp nơi dò la tin tức của Phạm Ngọc Thảo. Cũng cùng thời gian này, đại sứ quán Mỹ tìm cách liên lạc với Phạm Ngọc Thảo hứa sẽ đưa anh ra nước ngoài nếu anh chấp nhận không trở về Việt Nam nữa. Đại sứ quán Campuchia cũng chuyển lời của Sihanouk mời Phạm Ngọc Thảo qua Campuchia tị nạn. Với cả hai nơi, anh đều có lời cám ơn và nói rằng: Nếu có chết cũng xin chết trên đất nước Việt Nam. Quả thật Phạm Ngọc Thảo có một vòng rào bảo vệ rất rộng lớn và vững chắc ở các xứ đạo từ Biên Hòa tới Hố Nai, Thủ Đức, Sài Gòn. Nhiều linh mục cộng tác với anh đủ mọi công việc, từ việc in ấn, phát hành tờ Việt Tiến. Nhiều linh mục đã tham gia viết bài cho tờ báo. Nhiều thương gia, trí thức yêu nước sẵn sàng giao cả nhà của mình cho lực lượng đảo chính sử dụng hội họp. Bên cạnh Phạm Ngọc Thảo bao giờ cũng có linh mục Nguyễn Quang Lãm và một người trợ lý, Phạm Ngọc Thảo liên lạc với các đầu mối, vạch chương trình làm việc hàng ngày, những người cần tiếp xúc, bố trí những địa điểm cần thay đổi để giữ bí mật. “Nếu chết, xin chết trên đất nước Việt Nam” Bữa ấy linh mục Nguyễn Quang Lãm sắp xếp cho Phạm Ngọc Thảo tiếp một người khách ở nhà dòng Phước Sơn. Cuộc tiếp xúc xong thì đáng ra Phạm Ngọc Thảo rời địa điểm. Nhưng còn có nhiều việc phải làm nên nấn ná qua bữa sau. Sáng hôm sau, ngày 16/7/1965, hai chiếc xe Citroen chạy thẳng vào nhà dòng Phước Sơn, đậu ngay trước cửa phòng Phạm Ngọc Thảo. Một toán người mặc đồ đen tung cửa vào khi anh đang ngồi bên bàn trước ly cà phê để tính toán công việc. Phạm Ngọc Thảo chưa kịp phản ứng đối phó thì họ đã xông tới ôm chặt Phạm Ngọc Thảo, xốc nách lôi ra xe. Sự việc xảy ra nhanh quá khiến người trợ lý của anh không kịp trở tay. Chúng đưa anh tới rừng cao su Phước Tân thuộc họ đạo Tân Mai. Chúng dừng xe, bịt mắt anh và dẫn đi một đoạn đường. Biết mình bị nguy hiểm, anh chuẩn bị đối phó, dù chúng nắm hai tay anh thật chặt. Có tiếng lên đạn, Phạm Ngọc Thảo vốn có sức khỏe, vùng vẫy muốn thoát ra. Chúng sợ anh vuột mất liền nhắm đầu anh nổ súng. Phạm Ngọc Thảo ngã vật ra. Ngay lúc đó những người công nhân đi cạo mủ buổi sáng, nghe tiếng súng vội ù chạy. Chúng sợ bị lộ liền quay xe chạy mất... Phạm Ngọc Thảo nằm bất tỉnh một lúc lâu... Anh giơ tay mở khăn bịt mặt... ở xa xa có mấy người mon men tới gần, có người còn sợ. Phạm Ngọc Thảo giơ tay vẫy gọi. Họ vẫn rón rén, một hai người bước tới, sau dần dần đông... Phát súng trúng hàm dưới trổ ra phía trước, gãy mất mấy cái răng. Máu ra rất nhiều, ướt đẫm chiếc áo linh mục anh mặc trên người. Mọi người nâng Phạm Ngọc Thảo dậy, nghĩ đây là một linh mục bị bắt cóc và bị ám sát nên tạm đưa anh về trại định cư Tam Hiệp. Máu từ vết thương vẫn ra đầy miệng, anh ra hiệu mượn giấy bút, viết mấy chữ cho cha xứ dòng Đa Minh. Cha xứ dòng Đa Minh là linh mục Cường, biết tin linh mục Jacobert lâm nạn liền tập tức tới nơi. Cha Cường làm lễ rửa tội, mọi người biết ý lui ra. Thảo yêu cầu linh mục đưa anh đi ngay khỏi chốn này, vì bọn an ninh quân đội thế nào cũng sẽ quay lại. Cha Cường mướn một chiếc xe lam đưa anh về xứ đạo Đa Minh nhờ các bà sơ thay quần áo và băng bó vết thương. Nhưng, bọn cảnh sát quốc gia và an ninh quân đội cũng tìm ra nơi anh nằm và chúng đã tới bắt anh... Từ Biên Hòa, chúng dùng trực thăng đưa anh về Sài Gòn. Tại Tân Sơn Nhất có Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia và nhiều tên sĩ quan an ninh quân đội đón anh. Anh Thảo vẫn một mình từ trực thăng nhảy xuống đất, nghĩa là vết thương ở miệng không làm anh mất sức. Nguyễn Ngọc Loan chở ngay anh Thảo về an ninh quân đội Sài Gòn. Nơi đây đại tá Đặng Như Tuyết bị bắt từ hôm đảo chính 20/2/1965 nằm phòng bên cạnh có nghe được phần nào cuộc hỏi cung anh Thảo. Sau này anh Đặng Như Tuyết có kể được một đoạn: An ninh quân đội hỏi anh Thảo: - Nếu đại tá được tự do trở lại thì đại tá sẽ làm gì? Anh Thảo trả lời: - Tôi sẽ tiếp tục sứ mạng của tôi cho tới thành công. An ninh quân đội lại hỏi: - Đại tá cho biết những ai giúp đại tá sống trong mấy tháng qua? - Đó là những người ơn nghĩa của tôi, giúp tôi trong công việc chung. Tôi không thể cho các anh biết. Đêm về khuya, ở phòng kế bên, anh Đặng Như Tuyết nghe tiếng đánh đá nhiều lần và sau cùng nghe anh Thảo la thất thanh rồi im lặng luôn. Lúc đó vào khoảng 1, 2 giờ sáng thứ sáu, ngày 17/7/1965. Hôm sau, báo chí Sài Gòn đăng thông báo của cảnh sát là đại tá Phạm Ngọc Thảo đã chết vì vết thương ngày hôm trước. Có báo đăng hình anh Thảo nằm chết trên ghế bố. Sự thật, Phạm Ngọc Thảo chết vì Nguyễn Ngọc Loan ra lệnh cho sĩ quan và người của an ninh quân đội đánh đập đến tắt thở. Năm ấy Phạm Ngọc Thảo 43 tuổi. (Theo "Các điệp viên và điệp vụ lừng danh thế giới", Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây biên soạn và giữ bản quyền. Mọi hình thức sao chép đều là vi phạm).

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/201107/Pham-Ngoc-Thao-Neu-co-chet-xin-chet-tren-dat-nuoc-VN-1805663/