Phẩm chất cần có của người lãnh đạo, chỉ huy

Cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị có trách nhiệm hết sức nặng nề. Họ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước cấp ủy, chỉ huy cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động của đơn vị. Vậy cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải có phẩm chất gì để có thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao? Trang Ý kiến chiến sĩ giới thiệu một số ý kiến xung quanh nội dung này.

Thượng tá NGUYỄN THANH PHONG, Phó trưởng phòng Cán bộ, Cục Chính trị Quân khu 9:

Đặt lên hàng đầu phẩm chất đạo đức

Là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy phải có đầy đủ đạo đức và tài năng, trong đó đạo đức là nền tảng, được đặt lên hàng đầu. Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức, đủ tài, tôi rèn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, bởi đây là một hệ thống chuẩn mực, giá trị nhân cách của người quân nhân cách mạng được hình thành, phát triển trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta. Phẩm chất ấy là kết quả của quá trình lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện không ngừng và luôn vận động, phát triển phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội cũng như yêu cầu xây dựng Quân đội trong từng giai đoạn cách mạng.

Chất lượng đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, đơn vị thuộc Quân khu 9 luôn đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Nhờ vậy đã giúp Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, góp phần để LLVT Quân khu hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các mặt công tác. Thời gian qua, công tác quy hoạch, sử dụng đội ngũ cán bộ ở Quân khu 9 được thực hiện theo đúng quan điểm “bảo đảm tính kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm số lượng và cơ cấu hợp lý”. Lấy việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và thông qua thực tiễn hoạt động, kết quả hoàn thành nhiệm vụ để phát hiện những cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực. Đánh giá chính xác, sàng lọc chặt chẽ, lựa chọn những cán bộ được kiểm nghiệm trong thực tiễn để xếp vào nguồn quy hoạch các chức danh cơ quan trọng yếu của Quân khu với tinh thần “có lên, có xuống, có vào, có ra”. Để thực hiện hiệu quả hơn nữa công tác cán bộ, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, quán triệt thực hiện các quy chế, quy định để các cơ quan, đơn vị trong toàn Quân khu phản ánh, góp ý với cấp ủy đảng về công tác cán bộ. Đồng thời phối hợp chặt chẽ trong công tác tham mưu, đề xuất những kế hoạch, đề án lớn mang tính trọng yếu, có như vậy mới bảo đảm thẩm định được tính chính xác, hợp lý, không trái với chủ trương, quy định của Đảng và Nhà nước trước khi đề xuất, tham mưu với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu về những vấn đề mang tính cấp thiết, lâu dài trong tình hình mới.

Huấn luyện bắn súng ở Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân. Ảnh: VĂN TUÂN

Huấn luyện bắn súng ở Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân. Ảnh: VĂN TUÂN

Đại tá LƯU QUYẾT THẮNG, Chính ủy Sư đoàn 324, Quân khu 4:

Bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng

Việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ là nội dung hết sức quan trọng, nhạy cảm, phải căn cứ vào các quy định của Đảng, của Quân ủy Trung ương, nhất là Quy định số 842-QĐ/QUTW ngày 6-8-2018 của Quân ủy Trung ương về “Tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Để trở thành cán bộ tốt, quân nhân phải có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, trung thực, khiêm tốn; đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân; kiến thức, năng lực quản lý, chỉ huy toàn diện, nhất là năng lực xử lý các vấn đề nảy sinh trong cơ quan, đơn vị; tác phong làm việc khoa học...

Đức và tài là hai phẩm chất cơ bản, không thể thiếu của người cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Do vậy, khi xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ luôn phải cân nhắc kỹ lưỡng, bảo đảm hài hòa giữa hai yếu tố. Để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 324 thường xuyên tổ chức tốt tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, tác phong làm việc, bản lĩnh vững vàng, đạo đức tốt. Phát huy hiệu quả vai trò đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, thực hiện tốt phương châm “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, cấp trên dạy cấp dưới, chỉ huy dạy đơn vị, vì vậy đã đề cao được trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị. Đồng thời làm tốt công tác đánh giá, nhận xét cán bộ, làm cơ sở để quy hoạch, đề nghị đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm đúng quy trình, khách quan, dân chủ, công bằng, tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ yên tâm công tác, phấu đấu, cống hiến và phát triển...

Thượng úy NGUYỄN BÌNH YÊN, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nhâm, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế:

Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Đơn vị tôi quản lý 4 xã biên giới thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Các xã này có địa hình hiểm trở, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức không đồng đều, đời sống còn nhiều khó khăn. Là cán bộ vận động quần chúng, để vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khu vực biên giới ngày càng giàu mạnh, trước tiên, tôi luôn thấm nhuần và phát huy phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ; xác định việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực công tác cần phải trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. Ngoài ra còn phải nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của bản thân, thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng”; tích cực học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ về mọi mặt. Đặc biệt, cần hiểu rõ phong tục tập quán, ngôn ngữ, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc địa bàn đơn vị phụ trách để từ đó tham mưu cho cấp trên những giải pháp tuyên truyền, vận động nhân dân đúng, trúng, hiệu quả. Thời gian qua, chúng tôi có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực như: “Ngày về thôn bản”; “Thứ bảy tình nguyện”; “Chủ nhật xanh”... thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tham gia, giúp nâng cao nhận thức và gắn kết tình quân dân nơi biên giới.

Thượng úy HỒ CHÍ LINH, Phó đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung tâm Huấn luyện Vùng 2 Hải quân:

Quan tâm, tạo động lực để cấp dưới phấn đấu

Theo tôi, người cán bộ luôn phải hội đủ hai yếu tố là tài và đức. Để trưởng thành, ngoài việc tự rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng, cán bộ trẻ rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị trong thử thách, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng. Tôi mong muốn cấp trên luôn là chỗ dựa vững chắc cho cấp dưới và đơn vị. Cấp trên thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện mọi mặt để cấp dưới có động lực phấn đấu, xây dựng được mối đoàn kết nội bộ trên cơ sở điều lệnh, điều lệ, quy chế, quy định của Quân đội. Cấp trên cũng cần quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của cấp dưới, nhất là với những cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, hoàn cảnh đặc biệt; nắm chắc tình hình diễn biến tâm lý của từng quân nhân để kịp thời chia sẻ, động viên, giúp họ vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

-------

Làm cán bộ để làm gì?

Trả lời chính xác câu hỏi này, mỗi người sẽ tìm được động cơ phấn đấu đúng đắn cho bản thân.

Những ai coi chức quyền là phương tiện mưu cầu danh lợi, để “nói có người nghe, đe có người sợ”, để dễ bề “vinh thân phì gia” thì sẽ tìm mọi cách luồn lách leo lên mà không đi theo con đường tu dưỡng, phấn đấu. Những người này dù được “gắn mác” cán bộ nhưng do thiếu năng lực, phẩm chất đạo đức và uy tín nên nói không ai nghe, hoặc có thể cấp dưới sợ nhưng không phục, vì thế hiệu quả lãnh đạo, chỉ huy sẽ không cao. Không chỉ gây hại cho tổ chức, họ còn dễ rước họa vào thân vì thói ngông cuồng, lộng quyền, coi thường tổ chức, đồng nghiệp và dễ bị cám dỗ.

 Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Nhâm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) tuần tra biên giới. Ảnh: VÕ TIẾN

Tổ tuần tra Đồn Biên phòng Nhâm (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên Huế) tuần tra biên giới. Ảnh: VÕ TIẾN

Ngược lại, nếu xem việc được làm cán bộ để khẳng định bản thân, thực hiện khát vọng, hoài bão cống hiến cho đất nước, mỗi người sẽ nỗ lực nghiên cứu, học tập, tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân, tạo dựng uy tín bằng năng lực, phẩm chất của chính mình. Ở vị trí nào họ cũng luôn đặt nhiệm vụ xây dựng cơ quan, đơn vị lên hàng đầu, lên trên hết. Từ đó tìm mọi biện pháp, có quyết tâm, kế hoạch để tổ chức thực hiện, chăm lo xây dựng đơn vị về mọi mặt. Các cán bộ này luôn nắm vững nguyên tắc, các quy chế, quy định, quyền hạn, làm việc đúng chức trách, nhiệm vụ; thương yêu, tôn trọng, gần gũi, lắng nghe, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cấp dưới; quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền... Như thế, cấp dưới sẽ kính trọng, tâm phục khẩu phục, toàn tâm toàn ý, mang hết khả năng để thực hiện chỉ thị, mệnh lệnh của người chỉ huy, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị.

Nỗ lực phấn đấu để được tổ chức tín nhiệm trao các chức vụ, quyền hạn, trở thành cán bộ lãnh đạo, chỉ huy là nguyện vọng chính đáng của người đảng viên. Nhưng chỉ khi xác định được động cơ phấn đấu đúng đắn, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, đi lên bằng chính đôi chân của mình chứ không phải bằng thủ đoạn hay các mối quan hệ thì đảng viên, quân nhân mới giữ vững được phẩm chất cốt lõi của người cộng sản là hết mình vì nước, vì dân, "dĩ công vi thượng"...

NGUYỄN ĐỨC TUẤN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/pham-chat-can-co-cua-nguoi-lanh-dao-chi-huy-745179