Phải thực sự công phu, kỹ lưỡng, chu đáo, tỉ mỉ

Nhấn mạnh dự án Luật Đường bộ là dự án Luật khó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị công tác chuẩn bị phải thực sự công phu, kỹ lưỡng, càng chu đáo, tỉ mỉ càng tốt. Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội đều phải vào cuộc quyết liệt.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biêủu. Ảnh: Hồ Long

Cân nhắc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác

Dự án Luật Đường bộ được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là đã bảo đảm yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười, Khóa XIV và chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, việc tách Luật Giao thông đường bộ thành dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Chính phủ cân nhắc, thảo luận, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thông lệ quốc tế. Đồng thời thể chế hóa được Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25.5.2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”. Hai Luật được ban hành sẽ khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Giao thông đường bộ hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tuy nhiên, một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lưu ý cơ quan soạn thảo về một số vấn đề dự kiến được quy định trong dự thảo Luật. Cụ thể, tại Điều 39 có quy định: “Lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích giao thông. Việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác thực hiện theo quy định của Chính phủ nhưng phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị hết sức cân nhắc việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác. Đặc biệt là hè phố - nơi dành cho người đi bộ, song hiện nay đang bị chiếm dụng rất nhiều, khiến người đi bộ buộc phải đi xuống lòng đường, gây ảnh hưởng đến trật tự và mất an toàn giao thông. "Nếu phát sinh vấn đề trong thực tế, thì nên giao Chính phủ có quy định tạm thời, chứ không nên luật hóa việc sử dụng lòng đường, hè phố vào mục đích khác", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Tương tự, tại Điều 40 của dự thảo Luật quy định “Gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ, trừ các phương tiện chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các phương tiện quá niên hạn sử dụng”. Vậy "tạm thời là đến bao giờ?" - Đặt câu hỏi này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng lưu ý mục đích của gầm cầu cạn không phải để trông giữ phương tiện, do đó, đề nghị không luật hóa quy định này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã rõ

Dự thảo Luật Đường bộ được đánh giá tích cực về việc ứng dụng khoa học công nghệ vào vận tải. Tuy nhiên, dẫn quy định tại Điều 88 dự thảo Luật quy định về ứng dụng phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải bằng xe ô tô, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, quy định này đã luật hóa một phần Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô. Vậy "Ban soạn thảo đã đánh giá lại Nghị định 10/2020/NĐ-CP và Nghị định 86/2014/NĐ-CP hay chưa? Có đánh giá được nội dung nào cần luật hóa và nội dung nào cần thử nghiệm tiếp hay không?", Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đặt câu hỏi.

Lưu ý Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ thể các nền tảng trung gian, trong thực tế có những hãng kinh doanh vận tải nhưng lại không có phương tiện nào cả, mà chỉ cung cấp ứng dụng để kết nối giữa các nhà vận tải với khách hàng, người thuê xe, phương tiện…, do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, Ban soạn thảo cần cân nhắc rất kỹ lưỡng các nội dung này để bảo đảm quy định tại Điều 88 thống nhất, đồng bộ với quy định tại Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và chỉ quy định những vấn đề đã chín, đã rõ trong dự thảo luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu vào tháng 10.2023. Tuy nhiên, nhất trí với các nội dung được các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nếu luật hóa các Thông tư, Nghị định, thì chỉ luật hóa những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực hiện thống nhất. Những vấn đề đang thực hiện thí điểm thì nghiên cứu kỹ và chưa luật hóa vì không đủ thời gian tổng kết, đánh giá tác động. Nguyên tắc là không dùng dự án luật này để luật hóa các quy định đang ổn định ở các luật khác.

Nhấn mạnh đây là dự án Luật khó, nhạy cảm, đòi hỏi công tác chuẩn bị thực sự công phu, kỹ lưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu càng chu đáo, tỉ mỉ càng tốt. Dự luật này cũng đã từng được trình Quốc hội Khóa XIV, nhưng phải xây dựng lại từ đầu để trình Quốc hội Khóa XV, do đó, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan của Quốc hội phải vào cuộc quyết liệt hơn để hoàn thiện dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngay sau phiên họp, Ban soạn thảo khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật Đường bộ, gửi đến Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra chính thức trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Sáu.

Trong đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật đầy đủ theo quy định, gồm có hồ sơ chính thức theo quy định của pháp luật và hồ sơ tham khảo (trong đó có tổng hợp những vấn đề tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội Khóa XIV về dự án Luật và những văn bản, quy ước quốc tế, quy phạm quốc tế, kinh nghiệm quốc tế có liên quan). Ủy ban Quốc phòng và An ninh tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản để phân công cụ thể các cơ quan thẩm tra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất thực hiện nưh với dự án Luật Đất đai (sửa đổi): phân công theo lĩnh vực phụ trách tham gia cùng thẩm tra, Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ chủ trì, tổ chức phiên họp thẩm tra chính thức, tổng hợp báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản nếu có vấn đề gì khác, mới trước khi trình Quốc hội.

Anh Thảo

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/phai-thuc-su-cong-phu-ky-luong-chu-dao-ti-mi-i335972/