Phải quy việc sản xuất thực phẩm bẩn thành vấn đề đạo đức cao nhất – đạo đức với chính mình

Chia sẻ vấn đề an toàn thực phẩm trên phương diện đạo đức là chủ đề chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất đã dành cho báo điện tử Tổ Quốc sau bài Câu chuyện “Cả làng ăn bẩn mà vẫn vui vẻ”.

- Thưa ông, tại sao vấn đề thực phẩm bẩn hiện nay trở thành chuyện thường ngày và là nỗi lo của nhiều gia đình đến vậy?

+ Mấu chốt đầu tiên là sự hiểu biết của người dân trong xã hội về lợi ích của mình và lợi ích của cộng đồng. Cái này quan trọng nhất, vì nếu không hiểu biết, con người sẽ tự nhiên chạy theo bản năng của loài động vật. Tức là lấy đồng tiền làm thước đo giá trị, cứ được lãi nhiều, còn “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”.

Xuất phát từ giáo dục, do sự thiếu nhận thức từ bé nên có những suy nghĩ lầm lẫn như vậy. Cộng với sự thay đổi hệ thống quản lí từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường khiến người ta đua nhau để có nhiều của cải vật chất tốt hơn. Và từ đó lại lấy vật chất, tức đồng tiền để đo giá trị cuộc sống. Người ta bán được một bát phở mà chỉ cần cho cái này cái kia thay thế thì sẽ lãi nhiều hơn.

Việc để thực trạng thực phẩm thiếu an toàn tràn lan còn là do những người làm công tác quản lí. Khi phát hiện thực phẩm bẩn phải tịch thu, xử lí thật nghiêm thì tự nhiên vấn đề này sẽ giảm đi rất rõ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất. Ảnh: Nhị Xuân.

- Ông nói rằng do quản lí, nhưng rõ ràng có những người biết được chất này không tốt, bản thân mình không ăn, nhưng vẫn bán cho người khác?

+ Đấy cũng là do quản lí không chặt chẽ, không có quy định xử lí, hình phạt rõ ràng. Nếu quản lý chặt ngay từ đầu thì làm sao hóa chất độc hại lại được mua bán dễ dàng thế

- Nhưng thưa chuyên gia tâm lý, ý thức của người sản xuất thực phẩm cũng góp phần là nguyên nhân của vấn đề thực phẩm bẩn.

+ Ý thức là một phần, có ý thức hay không là do quản lí, giáo dục, đừng đổ hết cho ý thức của dân. Quản lí, giáo dục tốt sẽ hình thành ý thức. Quản lí càng cụ thể, càng chi tiết dân càng dễ hiểu thì sẽ thành ý thức.

Như ở Nhật Bản, mỗi khi có động đất hay sóng thần, mọi người vẫn sẽ xếp hàng để lấy đồ cứu trợ chứ không chen lấn xô đẩy. Và gần đây nhất ở Việt Nam, có một cháu bé nhà nghèo được phần thưởng là một chiếc xe đạp, nhưng cháu bé đó không nhận vì đã có xe đạp rồi, muốn dành phần thưởng đó cho người khác. Đấy là sự giáo dục, sự làm gương của người lớn, cộng với kỉ luật nghiêm.

- Vậy ông bình luận như thế nào về việc nhiều người cho rằng người làm ra thực phẩm bẩn bây giờ không khác gì những kẻ giết người trong âm thầm?

+ Điều này là rõ ràng. Không những giết chính mình mà còn giết cả người khác. Vì mình làm được thì người khác cũng làm được. Nếu mỗi người đều biết tự ngưng hành động này lại, thì mọi người sẽ không tự giết nhau nữa, và chính mình cũng không tự giết mình.

Phải giáo dục cho mọi người làm những việc đó là tự giết mình và giết gia đình mình thì người ta sẽ khác đi. Có ai muốn tự giết mình đâu. Thế nên phải làm cho người ta nhận thức được điều đó, đưa hóa chất độc hại vào thức ăn, nước uống tức là giết chính mình và gia đình. Luôn ý thức được như thế thì mọi người sẽ dừng lại.

Thêm nữa là phải xử lí thật nghiêm và minh bạch, công khai, không thiên vị. Đứng trước pháp luật thì mọi người như nhau, tránh việc chỉ cần cái phong bì là đổi trắng thay đen. Cho nên quản lí phải thật nghiêm, nghiêm ngay với những người cùng làm.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

- Ông cắt nghĩa như thế nào về vấn đề đạo đức của những người sản xuất ra những mặt hàng độc hại đó?

+ Từ đạo đức có nghĩa rất rộng. Trước đây thiếu đạo đức là chỉ những hành vi bạo lực, man rợ hay những hành vi sai trái của con cái với bố mẹ, còn hành vi này bây giờ mới hình thành và người dân cũng không xét nó vào đạo đức.

Vì vậy quy về đạo đức là rất quan trọng. Nếu đây là vi phạm đạo đức thì sẽ bị xã hội kì thị, nhưng đây không xét vào vi phạm đạo đức mà chỉ xét vào gian trá trong kinh doanh buôn bán, và luật bất thành văn, thì sẽ nhẹ hơn. Nhưng thực tế đây là một loại đạo đức lớn, nhưng truyền thông đại chúng chưa nâng được lên làm một loại đạo đức điển hình, đạo đức cao nhất, đạo đức với chính mình. Làm những thực phẩm, đồ độc hại là hại cho chính mình và chính gia đình mình. Phải cho người ta nhận thức được những chuyện đó. Mà người làm việc này chính là những cơ quan chức năng, mỗi bên một trách nhiệm khác nhau, cộng với pháp luật nghiêm minh thì tự nhiên người ta sẽ có những nhận thức khác đi và có những điều chỉnh.

Hiện nay, có những cái không ai chịu trách nhiệm chính; như các đồ chơi độc hại, báo chí phản ánh, nhiều người biết nhưng vẫn bày bán. Phải có người chịu trách nhiệm chính thì mới thay đổi.

Cảm ơn ông!

Nhị Xuân (Thực hiện)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/phai-quy-viec-san-xuat-thuc-pham-ban-thanh-van-de-dao-duc-cao-nhat-dao-duc-voi-chinh-minh-216657.html