Phải nhìn bệnh viện và thầy thuốc bằng thái độ văn hóa

Diễn đàn “Văn hóa bệnh viện” của báo SK&ĐS ngày càng sôi nổi, bàn về nhiều góc cạnh của công việc thầy thuốc, về những tâm tư của bệnh nhân và người nhà khi phải có mặt ở bệnh viện (BV) được nhiều người trong CLB hưu trí chúng tôi bàn tán và tranh luận khá sôi nổi. Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp đến, tôi xin có một vài ý kiến trao đổi về văn hóa BV mong muốn sẽ đưa ra góc nhìn về vấn đề dù không mới nhưng mãi mãi không bao giờ cũ này.

Diễn đàn “Văn hóa bệnh viện” của báo SK&ĐS ngày càng sôi nổi, bàn về nhiều góc cạnh của công việc thầy thuốc, về những tâm tư của bệnh nhân và người nhà khi phải có mặt ở bệnh viện (BV) được nhiều người trong CLB hưu trí chúng tôi bàn tán và tranh luận khá sôi nổi. Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 sắp đến, tôi xin có một vài ý kiến trao đổi về văn hóa BV mong muốn sẽ đưa ra góc nhìn về vấn đề dù không mới nhưng mãi mãi không bao giờ cũ này.

Có nhiều người nói “Văn hóa bệnh viện” với cách định nghĩa khác nhau. Theo tôi, văn hóa BV về bản chất là 5 chữ mà Bác Hồ đã từng dặn dò có ý nghĩa tổng kết: “Lương y như từ mẫu”. Lời dặn ngắn gọn mà thấm đẫm ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Bác kính yêu đã bao hàm tất cả ý nghĩa văn hóa, trở thành danh hiệu cao quý mà mỗi thầy thuốc đều luôn hướng tới. Chính bởi lẽ đó mà ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, các y bác sĩ tương lai đã được giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp như những bài học đầu tiên trước khi bước vào nghề.

Sao dư luận, báo chí chỉ hay đưa tin về những vụ việc hiếm hoi có tính sai lầm mà bất cứ ai, ngành nào cũng có thể có như thái độ giao tiếp, ứng xử nhưng cuộc sống còn hàng ngàn, hàng vạn những câu chuyện cảm động về cuộc chiến đấu của người thầy thuốc để giành giật sự sống cho người bệnh từ tay tử thần và về sự tri ân của người từ cõi chết trở về đối với người thầy thuốc thì lại quá hiếm hoi trên mặt báo.

Các bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1

TP. Hồ Chí Minh.

Chưa nói chuyện công bằng, đây có phải là thái độ văn hóa khi nhìn nhận và đánh giá công việc của thầy thuốc? Ai cũng biết y tế nước ta còn nghèo, đầu tư cho y tế chưa cao song trong điều kiện cơ sở vật chất khó khăn ấy, nhiều y bác sĩ đã tình nguyện lên vùng sâu, vùng xa, vượt qua những thiếu thốn trong cuộc sống để chữa bệnh cứu người. Văn hóa BV không chỉ có trong BV mà trong mỗi chúng ta và phải nói cho rõ, viết cho đúng về những tấm gương hy sinh thầm lặng ấy của thầy thuốc.

Cùng với sự phát triển nền kinh tế thị trường, hiện nay đã xuất hiện không ít lời phàn nàn về y đức, y đạo của người làm nghề thầy thuốc nhưng tỷ lệ những hiện tượng đáng phàn nàn ấy chiếm bao nhiêu phần trăm những cống hiến của đội ngũ thầy thuốc thì chưa có một công trình điều tra xã hội học nào chỉ ra. Một giọt mắm tôm khó chịu hơn cả chục lọ nước hoa và trong công việc thầy thuốc, nếu để dân hiểu sai, nghĩ sai về đội ngũ y tế thì dân khi khám bệnh, chữa bệnh liệu có yên tâm mà trao vấn đề sức khỏe của mình cho thầy thuốc, có chóng lành bệnh?

“Thầy thuốc như mẹ hiền” nhưng “mẹ” đang quá tải vì đông “con” liệu có thể chăm sóc nâng niu cưng chiều như nhà ít con? Hiện nay không ít bệnh nhân và người nhà bệnh nhân luôn đòi hỏi quá quắt, không bằng lòng là có thể hành hung, thậm chí sát hại thầy thuốc như trường hợp BS. Phạm Đức Giầu (BV đa khoa Vũ Thư, Thái Bình). Trường hợp ngược lại là khi đến BV cứ phải tìm người giới thiệu để quen bác sĩ, rồi hối lộ thầy thuốc những mong chen ngang, mổ nhanh mà thực chất là thói ích kỷ trong xã hội ùa vào cánh cổng BV.

Về văn hóa BV cần nhìn nhận một cách đa chiều, khoa học bằng một thái độ văn hóa để hình ảnh chiếc áo blouse không phải của riêng thầy thuốc mà là của cả xã hội luôn giữ được màu trắng tinh khiết, để danh hiệu “lương y như từ mẫu” và “lời thề Hyppocrates” luôn còn nguyên giá trị cao quý.

Nguyễn Văn Đức (71 tuổi)

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/2012215225117485p0c121/phai-nhin-benh-vien-va-thay-thuoc-bang-thai-do-van-hoa.htm