Phải hiệu quả hơn, nhanh hơn, mạnh hơn để ứng phó với thiên tai ngày càng khốc liệt

Sáng 10-5, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai. Ảnh: B.Nguyên

Thiên tai gây ảnh hưởng vượt mức lịch sử

Năm 2023, nhiều thiên tai phạm vi ảnh hưởng lớn vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản trên thế giới và khu vực.

Tại Việt Nam xảy ra hơn 5,3 ngàn sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính trên 9,3 ngàn tỷ đồng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên; mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; nắng nóng vượt lịch sử. Trong 4 tháng đầu năm, thiên tai làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước trên 399 tỷ đồng.

Dự báo tình hình thiên tai đến cuối năm 2024, xu hướng thời tiết nắng nóng chuyển sang lạnh, sự chuyển đổi mạnh mẽ, đột ngột này tăng nguy cơ mưa, gió lốc và bão lũ cuối năm. Thiên tai tiếp tục diễn ra bất thường và khốc liệt.

Dự báo thời gian tới chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ nay đến hết tháng 5, thời tiết vẫn chịu tác động của El Nino nên nhiều nơi vẫn nắng nóng, nhất ở Tây Nguyên, miền Trung, cảnh báo về cháy rừng.

Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện mưa lớn, nguy cơ xảy ra lốc, sét, nhất là giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ giông lốc, sét, mưa đá gây thiệt hại lớn.

Dự báo năm 2024, có từ 12-13 cơn bão trên biển Đông, ảnh hưởng đất liền khoảng 7 cơn, tương đương mọi năm. Bão, lũ quét… sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, nguy cơ mưa to kết hợp bão lũ sẽ gây thiệt hại lớn.

Nhiều cây keo lai khoảng 4 năm tuổi trên địa bàn Phân trường Gia Phu (thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc) bị khô lá và chết do nắng hạn vào tháng 3-2024.

Riêng tại Đồng Nai, năm 2023, thiên tai làm 2 người chết, thiệt hại về tài sản khoảng 38,6 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng trên diện rộng gây thiệt hại cho cây trồng, đặc biệt làm hơn 17,4 ngàn cây gỗ lớn (rừng trồng) tại rừng phòng hộ Xuân Lộc bị chết.

Nâng cao nhận thức ứng phó thiên tai của người dân

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương các kết quả của các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

Vườn cà phê của nông dân tại xã Lâm San (huyện Cẩm Mỹ) bị suy kiệt do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài. Ảnh: B.Nguyên

Năm 2023, Việt Nam không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền nhưng thiên tai lại diễn biến bất thường như: khô hạn kỷ lục trong mấy chục năm trở lại đây, tình trạng sạt lở, xâm nhập mặn gây thiệt hại rất lớn đến người dân.

Công tác khắc phục hậu quả được thực hiện tốt. Trong đó, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn năm qua có tiến bộ rất nhiều, đây là điều rất đáng mừng. Các bộ, ngành, địa phương cũng chủ động hơn trong công tác dự báo và ứng phó với thiên tai, góp phần giảm thiểu rất đáng kể thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại gồm: nhận thức về phòng chống thiên tai của người dân và ngay cả một số người có trách nhiệm vẫn còn chưa đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc trước khi thiên tai xảy ra cũng có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Một số quy định pháp luật về phòng chống thiên tai hiện còn chồng chéo hoặc đã quá cũ, không còn phù hợp với thực tế.

Trên bình diện chung của cả nước, khả năng chống chịu với thiên tai của cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Theo Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, có 9 nội dung cần làm trong thời gian tới: phải kiện toàn bộ máy theo Luật Phòng thủ dân sự là giao trách nhiệm thường trực cho lực lượng vũ trang, cho quân đội, đây là lực lượng phản ứng nhanh nhất, mạnh nhất, kịp thời nhất khi xảy ra tình huống xấu. Nhưng các ngành, các đơn vị phải làm tốt công tác quản lý, trách nhiệm của ngành mình.

Sớm xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản hướng dẫn dưới Luật để đảm bảo việc thi hành pháp luật và thúc đẩy công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Làm sao tổ chức mới hiệu quả hơn, nhanh hơn, mạnh hơn trong ứng phó thiên tai ngày càng khốc liệt.

Đặc biệt, phải tăng cường truyền thông, thông tin để nâng cao nhận thức của mọi người, trước hết là những người có trách nhiệm rồi đến từng người dân. Trong đó, mạng xã hội hiện nay rất hiệu quả, kịp thời để thông tin đến rộng rãi người dân.

Các bộ, ngành, địa phương phải rà soát, tính toán để xây dựng kịch bản phòng chống thiên tai hiệu quả nhất, phù hợp nhất.

Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn và các ngành liên quan tăng cường chất lượng dự báo sao cho kịp thời, chính xác nhất có thể. Năng lực điều hành của từng địa phương phải được nâng cao hơn. Đặc biệt người đứng đầu địa phương phải nâng cao trách nhiệm. Huy động các nguồn lực đầu tư cho hoạt động phòng chống thiên tai, nhất là trong khắc phục hậu quả thì nguồn kêu gọi ủng hộ ngoài xã hội là rất lớn.

Phó thủ tướng Chính phủ bày tỏ mong muốn các tổ chức quốc tế đồng hành với Việt Nam trong trao đổi thông tin, kinh nghiệm; hỗ trợ trong công tác dự báo, đào tạo nguồn nhân lực; quan tâm để có thêm nhiều dự án hỗ trợ không hoàn lại từ các tổ chức quốc tế.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202405/phai-hieu-qua-hon-nhanh-hon-manh-hon-de-ung-pho-voi-thien-tai-ngay-cang-khoc-liet-9bd226f/