Phải đi làm 3 năm mới được quyền sinh con có đúng?

Cty thỏa thuận với NLĐ phải làm 3 năm mới được quyền sinh con có đúng? NLĐ không muốn đóng BHXH bắt buộc được không? Làm 11 năm mà mất việc, được hưởng những quyền lợi gì? Đây là một số câu hỏi chính của bạn đọc gọi đến Văn phòng Tư vấn pháp luật của Báo Lao động trong tuần qua. Báo Lao Động trích đăng câu hỏi và trả lời.

 Việc thỏa thuận lao động nữ phải làm 3 năm mới được quyền có thai là trái luật. Ảnh: N.DƯƠNG

Việc thỏa thuận lao động nữ phải làm 3 năm mới được quyền có thai là trái luật. Ảnh: N.DƯƠNG

Phải sửa thỏa thuận trái luật

Bạn đọc số 0989776XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Cty tôi có thỏa thuận với lao động nữ phải đi làm 3 năm mới được có thai. Nay Cty có trường hợp lao động nữ mới đi làm được 1 năm đã có thai thì Cty có xử lý kỷ luật sa thải được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Tự do kết hôn và sinh con là quyền cơ bản của con người được pháp luật thừa nhận và bảo hộ. Khoản 2, điều 17, BLLĐ 2012 quy định về nguyên tắc giao kết HĐLĐ: Tự do giao kết HĐLĐ nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội. Do đó, thỏa thuận của Cty với NLĐ về việc NLĐ phải làm việc cho Cty 3 năm mới được có quyền có thai là trái pháp luật và đạo đức xã hội. Khoản 3, điều 50 BLLĐ 2012 quy định: Trong trường hợp một phần hoặc toàn bộ nội dung của HĐLĐ quy định quyền lợi của NLĐ thấp hơn quy định trong pháp luật về lao động, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng hoặc nội dung của HĐLĐ hạn chế các quyền khác của NLĐ thì một phần hoặc toàn bộ nội dung đó bị vô hiệu. Do đó, thỏa thuận của các bên hạn chế quyền sinh con của NLĐ nữ bị coi là trái pháp luật và vô hiệu.

Khoản 3 điều 155 BLLĐ 2012 quy định: “NSDLĐ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp NSDLĐ là cá nhân chết, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, hành vi vi phạm phải được quy định trong nội quy lao động của Cty (nội quy lao động không được trái pháp luật) và phải tuân theo trình tự, thủ tục theo quy định tại Điều 30 Nghị định 05/2015/NĐ-CP. Như đã nêu trên, quy định của Cty là lao động nữ phải làm việc 3 năm mới có quyền có thai là trái pháp luật. Do đó, Cty của bạn không thể xử lý kỷ luật được lao động nữ nói trên. Đồng thời, Cty phải sửa đổi thỏa thuận ngăn cản quyền tự do sinh con của NLĐ.

Thỏa thuận trái luật sẽ vô hiệu

Bạn đọc số 09830XXXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Cty chúng tôi có một số NLĐ không muốn tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. Cty có thể thỏa thuận với NLĐ để không tham gia BHXH, BHYT được không?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điểm a, khoản 1, điều 2 Luật BHXH 2014 quy định: Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa NSDLĐ với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động. Khoản 2, điều 21 Luật BHXH 2014 quy định về nghĩa vụ của NSDLĐ: Đóng BHXH theo quy định tại điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của NLĐ theo quy định tại khoản 1, điều 85 của luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH. Khoản 1, điều 20 Luật BHXH 2014 quy định: NSDLĐ có quyền từ chối thực hiện những yêu cầu không đúng quy định của pháp luật về BHXH.

Do đó, nếu NLĐ của Cty bạn thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc, thì Cty phải có nghĩa vụ tham gia BHXH cho NLĐ đó. Trường hợp Cty không tham gia BHXH bắt buộc cho NLĐ, sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, đồng thời phải truy đóng BHXH.

Trợ cấp mất việc

Bạn đọc số 0909874XXX gọi đến số điện thoại Tư vấn pháp luật của Báo Lao Động 0961.360.559 hỏi: Tôi làm cho Cty từ năm 2006, có tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ. Nay Cty cho nghỉ vì không bố trí được công việc nữa, thì tôi được hưởng chế độ gì?

Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động trả lời: Điều 49 BLLĐ 2012 quy định về trợ cấp mất việc làm như sau: 1. NSDLĐ trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại điều 44 và điều 45 của bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 1 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 2 tháng tiền lương. 2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho NSDLĐ trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và thời gian làm việc đã được NSDLĐ chi trả trợ cấp thôi việc. 3. Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của 6 tháng liền kề trước khi NLĐ mất việc làm.

Do bạn có tham gia BHTN đầy đủ (bắt đầu thực hiện từ 2009), nên thời gian bạn được hưởng trợ cấp mất việc làm là 3 năm, từ năm 2006 đến năm 2008. Như vậy, bạn sẽ được nhận trợ cấp mất việc làm là 3 tháng lương. Ngoài ra, bạn đã tham gia BHTN từ năm 2009 đến nay là hơn 8 năm, nên nếu bạn đi đăng ký thất nghiệp đúng hạn, bạn sẽ được trợ cấp thất nghiệp (TCTN) mỗi năm 1 tháng lương. Mỗi tháng TCTN bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của BLLĐ đối với NLĐ đóng BHTN theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định tại thời điểm chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc. Số tháng tham gia BHTN còn dư được bảo lưu, tính cộng dồn cho những lần tiếp theo khi đủ điều kiện.

Nam Dương

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-doi-song/phai-di-lam-3-nam-moi-duoc-quyen-sinh-con-co-dung-570916.ldo