Phải đàm phán đúng đối tượng

(LĐ) - Ngày 25.9, tại TPHCM, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN Nguyễn Duy Vy và ông Willram Conklin - Giám đốc dự án (DA) SIIR VN đã chủ trì tọa đàm về kinh nghiệm thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) cấp ngành ở nước ngoài và VN.

Kinh nghiệm ở Mỹ Phía DA SIIR VN đã mời bà Katie Quan - giảng viên Đại học UC Berkely, chuyên gia quan hệ lao động Mỹ - phổ biến kinh nghiệm thương lượng ký kết TƯLĐTT ngành tại Mỹ và một số nước. Theo bà Katie Quan, việc ký kết TƯLĐTT là nhằm cân đối lợi ích các bên để tạo mối quan hệ lao động hài hòa, nhưng tiên quyết phải đàm phán đúng đối tượng. Bà Katie Quan đưa ra mô hình thương lượng 3 bên khác hẳn mô hình mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tuyên truyền vào VN, trong đó có một bên là chính phủ. Mô hình mới này gồm 3 đối tượng: “CĐ - nhãn hàng - nhà máy”. Các đại biểu đã “vỡ òa” về nhận thức, bởi lẽ: Sản xuất công nghiệp ở VN thực chất là gia công, trong đó dệt - may, da - giày sử dụng hàng triệu NLĐ phổ thông là đối tượng rất cần TƯLĐTT. Chủ DN khu vực này là những người làm công hưởng lợi từ tiền quản lý. Đối tượng quyết định mọi vấn đề về giá gia công chính là các chủ hàng (tức chủ nhãn mác), họ thường trả giá “sát nút” (tính toán chi ly cả công lao động), nên cho dù chủ DN có muốn trả lương CN mình cao hơn cũng không biết lấy từ nguồn tiền nào. Chính vì vậy, trong các đợt tranh chấp lao động, khi NLĐ đòi nâng lương thì các chủ DN vẫn phải chờ xin ý kiến “Cty mẹ” (tức các chủ hàng), khiến tranh chấp kéo dài, gây bất ổn xã hội. Kinh nghiệm của các chuyên gia DA SIIR VN cho hay, ngay cả trong trường hợp không có NSDLĐ cụ thể để đàm phán, thì CĐ Hoa Kỳ cũng đã từng “quyết chí dựng lên” một NSDLĐ trên giấy tờ thông qua việc lấy chữ ký hàng trăm ngàn NLĐ hành nghề chăm sóc y tế tại California nhằm ban hành một “pháp lệnh đặc biệt” để thương lượng. Với mô hình hết sức lạ này, CĐ Mỹ đã ký được một TƯLĐTT ngành, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm ngàn NLĐ làm công việc chăm sóc y tế tại California. Tóm lại, để TƯLĐTT khả thi, “mấu chốt” phải nắm bắt được: Ai là đối tượng quyết định tài chính để “túm lấy” rồi gây sức ép yêu cầu thương lượng TƯLĐTT. Thực trạng ở ta Theo trình bày hết sức tâm huyết của những người từng tham gia quá trình chuẩn bị ký kết TƯLĐTT ngành dệt - may VN, thì phải mất hơn 2 năm với hàng chục cuộc hội thảo khắp nước mới thành. Tuy nhiên, chủ thể đại diện NSDLĐ theo ủy quyền ký kết TƯLĐTT ngành là Hiệp hội Dệt - May VN, thì lại không có tư cách pháp nhân đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự (không tự chủ về tài chính, mà nhờ hội phí do hội viên đóng góp) và càng không quyết định được kinh tế của DN. Oái oăm hơn, nội dung TƯLĐTT lại... “thỏa thuận chấp hành pháp luật”, trong khi đã là pháp luật thì mọi tổ chức, công dân đều phải chấp hành! Đáng nói, phần lớn DN tham gia TƯLĐTT này từng là DN nhà nước được cổ phần hóa, và tại Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 14.12.2004, quy định mức lương bậc I, nhóm I của các ngành nghề sản xuất có hệ số từ 1,45 trở lên (tức cao hơn lương tối thiểu 45%), nhưng TƯLĐTT ngành lại thỏa thuận vẻn vẹn 10%! Chưa hết, bữa ăn giữa ca hiện nay tối thiểu 8.000 đồng/suất trở lên, thì TƯLĐTT lại thỏa thuận 5.000 đồng/suất!... Đặc biệt, trong quá trình trình bày TƯLĐTT ngành dệt - may gồm 14 điều với hàng loạt vấn đề, các chuyên gia của ta không hề đề cập một nội dung hết sức quan trọng về quyền con người trong quan hệ lao động – đó là thời giờ làm việc - khiến ai cũng thắc mắc. Vị chuyên gia này giải thích: “Chỉ sợ đưa nội dung đó vào các DN sẽ không chịu ký”. Nghe vậy, bà Katie Quan hỏi: “Các ông có vũ khí gì để đàm phán”, thì... không có. Qua đó, các đại biểu cùng vỡ lẽ bản TƯLĐTT này chỉ là kết quả “thỏa hiệp” chứ không thương lượng! Đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương và Chủ tịch CĐ ngành dệt - may Bình Dương cho biết: “Các DN dệt - may ở tỉnh đã có TƯLĐTT từ lâu, trong đó quyền lợi NLĐ cao hơn nhiều so với luật định. Chúng tôi không dám “bê” bản TƯLĐTT ngành này về dù chỉ để... nghiên cứu, vì lỡ các chủ DN “túm” được, họ đòi dựa vào đó thực hiện, hậu quả CN dệt - may tự phát đình công hàng loạt, thì chỉ có... chết!”. Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Tổng LĐLĐVN Nguyễn Duy Vy yêu cầu CĐ ngành dệt - may sớm sơ kết việc thực hiện TƯLĐTT ngành, nếu phát hiện những gì chưa phù hợp phải sửa ngay, tránh để việc xâm hại quyền lợi NLĐ. Dương Minh Đức

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/phai-dam-phan-dung-doi-tuong/14404