Phác họa bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2016

Bức tranh lợi nhuận ngân hàng nửa đầu năm 2016 cực kỳ nhiều màu sắc với sự “soán ngôi” giữa các ông lớn, thêm những ngân hàng lãi nghìn tỷ chỉ sau nửa năm và câu chuyện lãi ít, lãi nhiều tại các ngân hàng nhỏ.

Từ chuyện “soán ngôi” giữa các ngân hàng nghìn tỷ

Nửa đầu năm 2016, giới ngân hàng Việt Nam xuất hiện thêm những cái tên lãi nghìn tỷ và thêm những sự “soán ngôi” so với nửa đầu năm 2015.

Trong số “tam trụ” ngành ngân hàng, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận thấp nhất nửa đầu năm 2015 với mức lãi sau thuế “chỉ” là 2.459 tỷ đồng. Thậm chí ngân hàng này còn là ngân hàng có lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 thấp hơn VietinBank và BIDV, ở mức 5.332 tỷ đồng.

Ấy vậy mà trong nửa đầu năm 2016, lợi nhuận của Vietcombank đã leo lên vị trí số 1 ngành ngân hàng với mức lãi sau thuế 3.420 tỷ đồng. VietinBank đứng ở vị trí số 2 với 3.414 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm 2016, nghĩa là chỉ thấp hơn 6 tỷ đồng so với Vietcombank. Trước đó, lãi sau thuế nửa đầu năm 2015 của VietinBank cao nhất trong giới ngân hàng, ở mức 3.035 tỷ đồng.

BIDV tụt xuống vị trí thứ 3 với 2.674 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2016. Nửa đầu năm 2015, lợi nhuận sau thuế của BIDV vẫn cao hơn Vietcombank 37 tỷ đồng. Thậm chí, lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 của BIDV còn đứng đầu ngành ngân hàng với mức lợi nhuận 6.376 tỷ đồng.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự tụt hạng về lợi nhuận của BIDV, đó là ngân hàng này đang phải gánh áp lực lớn từ việc duy trì vị thế dẫn đầu về dư nợ tín dụng. Tính đến thời điểm kết thúc ngày 30/06/2016, dư nợ tín dụng của BIDV ở mức 657.623 tỷ đồng, trong khi con số này ở VietinBank và Vietcombank lần lượt là 592.866 tỷ đồng và 427.240 tỷ đồng.

Để duy trì dư nợ tín dụng ở mức cao nhất trong khi vốn chủ sở hữu lại ở mức thấp nhất khi so với VietinBank và Vietcombank, BIDV đã phải chịu chi phí lãi cao hơn đáng kể so với VietinBank và Vietcombank để tạo ra cùng một mức thu nhập lãi. Thu nhập lãi là khoản thu nhập chính của các ngân hàng.

Cụ thể, chi phí lãi của BIDV thời điểm kết thúc năm 2014, năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 đều chiếm trên 60% thu nhập lãi của ngân hàng này, trong khi con số này của VietinBank và BIDV luôn dưới 60%.

Mức chênh lệch tỷ lệ này tại thời điểm kết thúc 6 tháng đầu năm 2016 của BIDV so với VietinBank đã lên đến 8 điểm phần trăm, so với Vietcombank thì lên đến 15 điểm phần trăm.

Đồng thời, áp lực duy trì vị trí dẫn đầu về dư nợ tín dụng cũng khiến BIDV trở thành ngân hàng dẫn đầu về nợ xấu tuyệt đối lẫn tương đối khi so với Vietcombank và VietinBank tính đến thời điểm kết thúc nửa đầu năm 2016.

Hệ quả là, BIDV trở thành ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần cao nhất trong số “tam trụ” ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2016 với tỷ lệ 58%, cao hơn nhiều con số 41% của 2 ngân hàng VietinBank và Vietcombank. Kéo theo đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2016 của BIDV cũng chỉ bằng khoảng 78% của VietinBank và Vietcombank.

Nhưng nếu so với những gì Sacombank đang trải qua thì tình cảnh của BIDV hiện giờ vẫn đang là quá tốt. Nửa đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Sacombank chỉ vỏn vẹn có 308 tỷ đồng, giảm tới 74% so với con số 1.179 tỷ đồng cùng kỳ 2015.

Như vậy, Sacombank đã bị “đánh bật” khỏi danh sách các ngân hàng có lãi nghìn tỷ trong nửa đầu năm. Theo nhiều chuyên gia, sự lao dốc của Sacombank hiện nay là hệ quả từ việc Sacombank nhận sáp nhập Southern Bank vào tháng 10/2015. Sacombank có thể đang phải gánh khoản nợ xấu khổng lồ từ Southern Bank.

Tính đến hết ngày 30/09/2015, tổng các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu của Sacombank ở mức hơn 8.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận sáp nhập Southernbank, tổng các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu của Sacombank đã tăng vọt lên mức 42.909 tỷ đồng tính đến hết ngày 31/12/2015 và gần như giữ nguyên đến thời điểm hiện tại. Các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu từ lâu đã được giới chuyên gia nhận diện là nơi lý tưởng nhất để “giấu” nợ xấu.

Mặt khác, trong khi MBBank vẫn “yên vị” với mức lợi nhuận sau thuế 1.508 tỷ đồng thì danh sách ngân hàng lãi nghìn tỷ trong nửa đầu năm năm lại có thêm 2 thành viên mới, đó là Techcombank và VPBank với lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 1.267 tỷ đồng và 1.334 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016, tương đương với mức tăng trên 50% so với cùng kỳ 2015 đối với cả 2 ngân hàng.

Đến chuyện lãi ít, lãi nhiều tại các ngân hàng nhỏ

Dù là ngân hàng có vốn điều lệ gần 5.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận nửa đầu năm 2016 của SeABank lại thua xa ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng là BacABank.

6 tháng đầu năm 2016, trong khi BacABank ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 271 tỷ đồng, tăng nhẹ 0,74% so với cùng kỳ 2015 thì SeABank chỉ ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế 38,7 tỷ đồng, giảm mạnh 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí hoạt động của SeABank cao vượt trội so với BacABank. Nửa đầu năm 2016, chi phí hoạt động của SeABank lên tới 509 tỷ đồng, trong khi của BacABank chỉ bằng khoảng một nửa, ở mức 261 tỷ đồng.

Không chỉ có SeABank và BacABank, các ngân hàng có cùng vốn điều lệ ở mức tối thiểu là 3.000 tỷ đồng như Saigonbank, Kienlongbank, NamABank hay NCB cũng có mức lãi cực kỳ khác nhau.

Trong số 4 ngân hàng trên thì Saigonbank có mức dư nợ tín dụng thấp hơn nhiều 3 ngân hàng còn lại, chỉ bằng 69% Kienlongbank, 44% NamABank và 54% NCB. Thế nhưng lợi nhuận của Saigonbank lại đứng thứ 2 trong số các ngân hàng trên với mức lãi sau thuế nửa đầu năm 2016 đạt mức 115 tỷ đồng, tăng 10,6% so với nửa đầu năm 2015.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân đầu tiên có thể kể đến là tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên thu nhập lãi của Saigonbank cao vượt trội so với 3 ngân hàng còn lại. Cụ thể, tỷ lệ này ở Saigonbank là 47%, trong khi ở NamABank và Kienlongbank là khoảng 35%, còn ở NCB là 24,8%. Thu nhập lãi chủ yếu là lãi từ hoạt động tín dụng, sau khi trừ chi phí lãi chủ yếu là chi phí trả lãi tiền gửi huy động thì còn thu nhập lãi thuần.

Thông thường tỷ lệ thu nhập lãi thuần trên thu nhập lãi của một ngân hàng chỉ cao hơn các ngân hàng khác khi ngân hàng đó tập trung vào hoạt động cho vay trung và dài hạn vốn có lãi suất cao hơn cho vay ngắn hạn. Tuy vậy, rất ngạc nhiên là 74% hoạt động tín dụng của Saigonbank là cho vay ngắn hạn. Có khả năng Saigonbank đã tập trung cho vay các dự án có tính mạo hiểm cao hơn thông thường để hưởng lãi suất cao hơn, hoặc/và cho vay tập trung một số đối tượng khách hàng lớn rất thân thiết sẵn sàng chấp nhận lãi suất cao hơn mặt bằng chung.

Nguyên nhân thứ hai là do tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro của Saigonbank chỉ ở mức 27% trong nửa đầu năm 2016, thấp hơn nhiều tỷ lệ 50% của Kienlongbank và tỷ lệ 86% của NCB (tính cả các khoản xử lý dự phòng theo đề án tái cấu trúc NCB).

NamABank là ngân hàng có lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2016 cao nhất, ở mức 130 tỷ đồng, giảm 9,7% so với cùng kỳ 2015. Còn lợi nhuận sau thuế của Kienlongbank thì ở mức 22,4 tỷ đồng, giảm mạnh 81,7% so với nửa đầu năm 2015.

Theo tạp chí Nhà Đầu tư

Kình Dương

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/phac-hoa-buc-tranh-loi-nhuan-ngan-hang-nua-dau-nam-2016-2078659.html