Phá thế độc đạo cho hạ tầng giao thông miền núi Quảng Trị. Bài 2: Chú trọng kết nối nội vùng

Trong bối cảnh điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, vốn đầu tư hạn chế nhưng nhiều năm qua, tỉnh Quảng Trị đã ưu tiên nguồn lực xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các xã, huyện miền núi, vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, vừa tạo sự liên kết trong giao thương giữa miền núi với đồng bằng. Tuy vậy, hạ tầng giao thông miền núi tỉnh Quảng Trị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là khi địa bàn này còn nhiều tuyến đường độc đạo cần khắc phục.

Tiếp theo kỳ trước

Niềm vui mỗi ngày của bà Hồ Thị Vừng là được dẫn đàn cháu đi học trên cây cầu treo bản Vây 2 - Ảnh: L.T

Kết nối những con đường liên xã

Vùng Lìa huyện Hướng Hóa sau sáp nhập có 7 xã, là một trong những địa bàn trọng điểm kinh tế mới ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị. Nơi đây có điều khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển các loại cây công nghiệp và có nhiều xã sát biên giới với nước bạn Lào. Sau ngày lập lại tỉnh, đây là những xã còn lại của huyện Hướng Hóa chưa có đường ô tô vào trung tâm xã.

Do đó, đường Lìa (dài 38 km từ Tân Long - Ba Tầng) là một trong những tuyến đường được tỉnh tập trung ưu tiên xây dựng vào thời điểm đó. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên giai đoạn đầu chỉ làm đường cấp phối với chiều dài 21 km. Phải đến năm 1994, tỉnh mới huy động các nguồn lực đầu tư kéo dài hết 38 km, trong đó mặt đường đá dăm nhựa dài 30 km. Đến năm 2000, đường Lìa (tên gọi chính thức là tỉnh lộ ĐT.586) được đầu tư nâng cấp thành đường bê tông nhựa.

ĐT.586 là con đường huyết mạch kết nối 7 xã vùng Lìa với các xã dọc QL 9 và 2 thị trấn Khe Sanh, Lao Bảo của huyện miền núi Hướng Hóa. Đặc biệt, tuyến đường độc đạo này còn có ý nghĩa hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh khu vực biên giới bởi kết nối với Cửa khẩu Thanh và Cửa khẩu Cóc qua nước bạn Lào. Thực tế, qua nhiều lần nâng cấp, mở rộng, tuyến đường ĐT.586 cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân các xã vùng Lìa. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, tuyến đường này luôn bị chia cắt, cô lập vì toàn tuyến có đến 12 vị trí có khe suối nhưng chỉ có một cầu vượt lũ ở suối La La, còn lại là cầu tràn và cống tràn. Hệ thống cống tràn và cầu tràn đều được xây dựng cách đây hơn 20 năm, tồn tại trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên xuống cấp nghiêm trọng, nhất là tại cầu tràn Km3+937; Km5+659 và Km12+771.

Mới đây, tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo xin chủ trương đầu tư xây dựng cầu bắc qua sông Sê Pôn tại cặp cửa khẩu phụ Thanh - Denvilay (từ trước tới nay việc đi lại, thông thương hàng hóa qua biên giới ở khu vực này chủ yếu bằng đường sông). Dự kiến, vị trí xây dựng cầu được thiết kế từ Km0+888 nối từ tuyến ĐT.586 để vượt sông Sê Pôn qua huyện Mường Noòng, tỉnh Savannakhet (Lào), tổng vốn đầu tư gần 133 tỉ đồng. Cầu hoàn thành sẽ kết nối thông suốt từ tuyến ĐT.586, QL 9 với QL 15 của nước bạn Lào, tạo điều kiện lưu thông giữa các vùng biên giới Trung Lào với tỉnh Quảng Trị. Như vậy, sau này khi cầu vượt sông Sê Pôn hoàn thành nối với đường ĐT.586, lưu lượng phương tiện, hàng hóa sẽ tăng nhanh thì tuyến đường này khó đảm bảo về tải trọng. Về lâu dài, việc nâng cấp, mở rộng toàn bộ tuyến ĐT.586 để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai cũng cần được tính đến.

Khu tái định cư thôn Hà Lương, xã Ba Lòng, huyện Đakrông, được hình thành sau khi đường ĐT.586 đi vào hoạt động - Ảnh: L.T

Ông Xôm Vân, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Hướng Hóa cho biết: “Để phá thế độc đạo và giảm tải cho đường ĐT.586, tỉnh đã bố trí vốn đầu tư tuyến đường biên giới Khe Sanh - Sa Trầm dài khoảng 30 km (điểm đầu tại Km 64+553 QL 9 (thị trấn Khe Sanh), điểm cuối đấu nối tuyến ĐT.586 (đoạn xã Ba Tầng - xã cuối cùng của vùng Lìa); kinh phí thực hiện trên 921 tỉ đồng từ chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số (CRIEM). Dự án này được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuyến đường này đi qua địa bàn dân cư thị trấn Khe Sanh, xã Húc, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa và xã Ba Nang, huyện Đakrông với trên 7.000 người sinh sống (chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô). Đây là tuyến đường tỉnh duy nhất hiện nay ở Quảng Trị chưa được nhựa hóa. Sau khi hoàn thành, con đường này sẽ tạo thành mạch giao thông liên hoàn giữa các xã phía Nam huyện Hướng Hóa với bên ngoài”.

Mở thêm đường, phá thế độc đạo

Trở lại câu chuyện sau đợt mưa lũ năm 2020 gây sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dẫn đến 5 xã của huyện Hướng Hóa gồm Hướng Việt, Hướng Lập, Hướng Sơn, Hướng Phùng, Hướng Linh và 2 xã của huyện Vĩnh Linh là Vĩnh Ô, Vĩnh Hà bị cô lập, cho thấy việc đầu tư tuyến đường kết nối giữa hai tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và nhánh Đông là hết sức cấp thiết.

Theo ông Trần Hữu Hùng, Giám đốc Sở GTVT, chủ trương mở một tuyến đường mới qua khu vực này nhằm phá thế độc đạo của tuyến Hồ Chí Minh nhánh Tây và QL 9 khi xảy ra thiên tai, đồng thời tạo sự liên kết giữa các vùng miền trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo đảm quốc phòng - an ninh đã được tỉnh nghiên cứu, xây dựng dự án từ nhiều năm nay, tuy nhiên do khó khăn về kinh phí nên chưa thực hiện được.

Theo quy hoạch phát triển giao thông đường bộ Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1305/QĐ-UBND ngày 23/6/2015, tuyến QL 9D đi từ Cửa Việt đến Cửa khẩu Tà Rùng (xã Hướng Việt) có chiều dài 130 km, trong đó đoạn từ Cửa Việt đến xã Vĩnh Ô dài 73 km trên cơ sở các tuyến đường ĐT 576b, 574, 572, 571; đoạn từ Vĩnh Ô đến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây dài 36 km. Những năm qua, bằng các nguồn lực, Quảng Trị đã đầu tư hoàn thiện 40,7 km để nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, trong đó đoạn từ thị trấn Bến Quan đến trung tâm xã Vĩnh Ô dài 27,7 km và đoạn cuối tuyến có chiều dài 13 km. Như vậy, chỉ còn đoạn từ cuối xã Vĩnh Ô đến xã Hướng Lập có chiều dài 23 km chưa được đầu tư để kết nối.

Sau đợt mưa lũ nói trên, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn kinh phí dự phòng 365 tỉ đồng để triển khai dự án cấp bách nối đường Hồ Chí Minh nhánh Đông với đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý hỗ trợ Quảng Trị 100 tỉ đồng để triển khai dự án trên; phần kinh phí còn lại từ ngân sách địa phương, nếu ngân sách địa phương không đáp ứng được sẽ bố trí vào nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Từ năm 2016, UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình đường liên xã Đakrông- Mò Ó- Triệu Nguyên - Ba Lòng, huyện Đakrông giai đoạn 1 với chiều dài gần 22 km, kinh phí 135 tỉ đồng. Cuối năm 2020, dự án trên mới bắt đầu khởi động thực hiện.

Việc xây dựng tuyến đường liên xã này là để xóa thế độc đạo cho tuyến ĐT.588a, nối thị trấn Krông Klang - Ba Lòng - Hải Phúc dài 19 km. Đường ĐT 588a là công trình trọng điểm của huyện Đakrông, được xây dựng từ nguồn vốn đầu tư của chương trình huyện 30a, giúp phá thế cô lập của các thôn, bản phía Nam sông Đakrông trong mùa mưa lũ, tạo điều kiện bố trí quy hoạch khu dân cư phục vụ di giãn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi mưa lũ xảy ra thì tuyến đường này cũng bị chia cắt, cô lập. Việc đầu tư xây mới tuyến đường liên xã Đakrông - Mò Ó - Triệu Nguyên - Ba Lòng sẽ tạo trục kết nối giao thông liên hoàn từ các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng đến QL 9, đường Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ giải quyết nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của Nhân dân trong vùng, mà còn tăng tính thích ứng với các hiện tượng khí hậu cực đoan, phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cho Nhân dân các xã dọc sông Đakrông.

Bắc những nhịp cầu nối bờ vui

Trên thực tế, do địa hình chia cắt nhỏ lẻ nên việc đầu tư xây dựng những cây cầu dân sinh trên địa bàn miền núi Quảng Trị là hết sức cần thiết, nhất là trong việc kết nối nội vùng.

Sau hơn 3 năm đưa vào sử dụng, cầu treo bản Vây 2 bắc qua suối La La, xã Tân Lập đã nối liền “ốc đảo” bản Vây 2 - nơi có hơn 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều sinh sống với địa bàn bên ngoài. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân đã đổi thay. Bà Hồ Thị Vừng (70 tuổi) vẫn chưa quên cảm giác vui sướng khi chứng kiến thời khắc khánh thành đưa cây cầu bản Vây 2 đi vào hoạt động. “Trước đây, muốn ra bên ngoài, người dân phải lội qua sông vào mùa cạn; còn vào mùa mưa thì kết tre, nứa thành bè vượt sông. Thấy nguy hiểm đó nhưng không đi không được, trẻ thì phải đi học, người lớn phải đi làm, không đi làm thì đói ăn, thiếu mặc. Chưa có cầu, đau ốm, bệnh tật chỉ biết nhờ vào cây rừng, lá thuốc…”, bà Vừng nhớ lại.

Còn với các bản làng của xã Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh)- nơi bị chia cắt bởi 19 con suối lớn, nhỏ, từ bản trung tâm, muốn lên bản cuối xã hoặc ngược lại phải mất gần 5 giờ đồng hồ đi bộ băng đèo, vượt suối trên những cây cầu tạm cheo leo, nguy hiểm rập rình. Vì thế, việc giao lưu trao đổi hàng hóa, dịch vụ hạn chế, đời sống của người dân còn thấp. Đặc biệt, tình trạng học sinh các bản phải nghỉ học, hay bỏ học sau những mùa lũ lớn diễn ra phổ biến vì không có đường đến trường. Người dân nơi đây khát khao có những cây cầu kiên cố nối bản với bản, nối “ốc đảo Vĩnh Ô” với địa bàn bên ngoài.

Uớc mong đó đã trở thành hiện thực khi năm 2010, một con đường trải thảm nhựa nối từ QL 1 đoạn xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh lên trung tâm xã Vĩnh Ô. Năm 2018, từ nguồn vốn của Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP), ngành GTVT đã đầu tư xây dựng ở Vĩnh Ô 10 cây cầu với tổng vốn đầu tư 33,85 tỉ đồng; mỗi cầu rộng khoảng 3m, dài 40 - 60m, trị giá từ 2,66 - 3,96 tỉ đồng do Ban Quản lý Dự án 4, Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Những cây cầu này được xây dựng đến nay cơ bản hoàn thành, kết nối giao thông liên hoàn trong toàn xã.

Những cây cầu đã giúp giao thông giữa các thôn bản ở khu vực miền núi bớt cách trở, bước chân của người Vân Kiều, Pa Kô được nối dài hơn, hàng hóa của người dân làm ra cũng được vươn đi xa hơn về khu vực trung tâm hay đồng bằng. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư lớn nên việc xây dựng cầu dân sinh ở khu vực miền núi Quảng Trị hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân.

Lâm Thanh - Phan Hoài Hương

Bài 3: Giảm tải cho những tuyến đường kết nối huyết mạch

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=159027&title=pha-the-doc-dao-cho-ha-tang-giao-thong-mien-nui-quang-tri-bai-2-chu-trong-ket-noi-noi-vung