Phá hủy hàng nghìn cạm bẫy, giải cứu chim trời thoát nạn tận diệt

Hàng ngàn bẫy dính, dụng cụ đánh bắt chim trời được lực lượng chức năng Hà Tĩnh tiêu hủy, giải cứu các loài chim hoang dã vào mùa di cư thoát nạn tận diệt.

Thông tin từ Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, lực lượng kiểm lâm và công an trên địa bàn vừa phối hợp ra quân thu gom, dẹp bỏ,tiêu hủy hàng nghìn chiếc bẫy được người dân giăng mắc trên nhiều cánh đồng mùa ngập nước để đánh bắt, tận diệt chim trời.

Khi những đàn chim di cư tránh bão thì trên những cánh đồng tại Hà Tĩnh xuất hiện nhiều bãi cò mồi, cò giả.

Theo người dân địa phương, vào tháng 9, tháng 10 hằng năm là mùa di cư của các loài chim trời. Chim di cư đủ các giống loại, từ cò trắng, chim vạc đến chim nhát, chim cói từ khắp nơi tìm về để tránh trú, kiếm ăn và đậu trên các cánh đồng, lùm cây rất lớn. Đây cũng là thời điểm người dân nhiều địa phương tại Hà Tĩnh tổ chức đánh bẫy, giăng lưới, sử dụng hình nộm chim giả để dụ bắt chim trời đem bán làm thực phẩm. Lâu nay, sử dụng chim trời làm thực phẩm đã trở thành thói quen của một bộ phận người dân tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều nhất là các huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh…

Cụ thể ngày 27/9, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh và UBND xã Thịnh Lộc (Lộc Hà) đã tiến hành kiểm tra quán Hùng Chim của anh Lê Văn Hùng (SN 1986), ở thôn 5, xã Thịnh Lộc.

Tại thời điểm kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện trong quán có 260 cá thể chim trời, gồm các loại như chim cò, cói, dạt dạt, gà nước... Trong đó, có 63 con còn sống, số còn lại đã bị giết thịt có trọng lượng 34 kg.

Ngoài việc bán công khai ở các chợ truyền thống, một số người ở Hà Tĩnh còn lên mạng xã hội rao bán chim trời. (Ảnh chụp tại một trang cá nhân trên mạng xã hội chào bán công khai).

Chủ quán Lê Văn Hùng thừa nhận với cơ quan chức năng, toàn bộ số chim nói trên được thu mua của người dân trên địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) để chế biến các món ăn và bán cho khách địa phương.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý theo quy định, Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà đã tiêu hủy số chim đã giết thịt, những cá thể còn sống sẽ bàn giao về cho Vườn Quốc gia Vũ Quang chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên.

Hay trước đó ngày 25/9, Công an huyện Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra tại chợ Hội trên địa bàn thị trấn Cẩm Xuyên, phát hiện tiểu thương Trần Thị Thanh, trú tại thôn 7, xã Nam Phúc Thăng đang bày bán chim trời công khai. Công an huyện Cẩm Xuyên đã tiến hành lập biên bản xử lý vụ việc, tịch thu hàng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Thiếu tá Đậu Văn Thắng - Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy - Công an huyện Cẩm Xuyên, chỉ tính đầu tháng 9 đến nay đơn vị đã phát hiện và bắt giữ hơn 30 vụ vi phạm; qua đó tịch thu hơn 3.000 dụng cụ bẫy chim các loại. Không chỉ tập trung ra quân xử lý vi phạm, đơn vị còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân; tổ chức ký cam kết đối với các tiểu thương kinh doanh ở các chợ truyền thống trên địa bàn để ngăn chặn hành vi săn bắt, tận diệt chim trời.

Vốn là chim tự nhiên nên thịt thơm, ngon, thậm chí được xem là món ăn đặc sản nên các loại chim trời rất được các khách hàng ưa chuộng.

Từ ngày 31/8 đến 16/9/2022, lực lượng chức năng huyện Nghi Xuân đã tiến hành ra quân tịch thu 21.520 que nhạ, 1.180m lưới dùng để bẫy chim; 2 bộ máy phát tín hiệu dụ chim; tháo dỡ 37 lán ẩn nấp. Cũng trong đợt này, các địa phương trên địa bàn huyện đã tiến hành thả 137 cá thể chim trời về với tự nhiên.

Ngay tại địa bàn thành phố Hà Tĩnh, đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất quán nhậu Huy Hằng, địa chỉ tại số 37 đường 26/3, tổ dân phố Tây Yên, phường Văn Yên (TP.Hà Tĩnh), phát hiện quán có hành vi tàng trữ, sơ chế 5 kg chim hoang dã. Chủ quán là Nguyễn Thị Hằng (SN 1993), trú xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà khai nhận, số chim nói trên gồm 20 con chim cói, mua của một người phụ nữ không rõ tên tuổi ở chợ rồi đem về sơ chế. Không chỉ bán ở quán nhậu, chủ cơ sở này còn chào bán công khai trên mạng xã hội.

Tại các khu chợ dân sinh trên địa bàn, nhiều người dân công khai bày bán đủ loại chim trời. Cụ thể, tại chợ Cừa xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, nhiều con vẫn còn sống nhưng đã bị vặt sạch lông. Những người này cho biết, chim được đặt bẫy tại cánh đồng ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên. Tùy vào loại chim mà người bán đưa ra các mức giá khác nhau.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.

Theo đó, cò được bán với giá 60.000 đồng/con, cói 35.000 đồng/con, các loại chim nhỏ hơn thì có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/cặp. Tình trạng này cũng tồn tại tại chợ trên địa bàn TP. Hà Tĩnh và một số chợ dân sinh khác trên địa bàn tỉnh này.

Theo một số tiểu thương, các loại cò, cói, vạc... được người dân săn, bắt ở vùng bãi ngang ven biển các huyện: Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân... hoặc tiểu thương “quen mối” nhập về từ tỉnh Nghệ An, Quảng Bình..., sau đó làm sạch, nướng qua rồi mang ra chợ bán.

Thời gian qua, các lực lượng chức năng ở Hà Tĩnh đã vào cuộc để xử lý tình trạng săn bắt chim tự nhiên trái phép. Tuy nhiên, tại các chợ truyền thống và cả chợ online, việc buôn bán chim trời còn diễn ra công khai cho thấy việc xử lý vấn nạn đánh bắt chim trời chưa triệt để.

Mộc Miên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/pha-huy-hang-nghin-cam-bay-giai-cuu-chim-troi-thoat-nan-tan-diet-221445.html