Petrovietnam ngược dòng thị trường, hiện thực khát vọng tăng trưởng

6 tháng đầu năm 2023, nhờ quyết liệt, hiệu quả trong quản trị, điều hành, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, ổn định, đạt kết quả cao, tăng trưởng qua các tháng, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, hỗ trợ tăng trưởng GDP cả nước, cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn 6 tháng ước đạt 420,1 nghìn tỷ đồng, vượt 24% kế hoạch 6 tháng; nộp ngân sách nhà nước (không bao gồm Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn NSRP) ước đạt hơn 66 nghìn tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch 6 tháng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất vượt cao so với kế hoạch 6 tháng; cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: Khí, điện, đạm, xăng dầu… cho đời sống và sản xuất.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên vận hành trên 100% công suất.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thường xuyên vận hành trên 100% công suất.

Lũy kế 6 tháng, Petrovietnam đạt sản lượng khai thác dầu thô 5,3 triệu tấn, trong đó khai thác dầu thô trong nước đạt 4,4 triệu tấn và khai thác dầu thô nước ngoài đạt 900 nghìn tấn. Sản lượng khai thác khí đạt 4,16 tỷ m3; sản xuất điện đạt 12,66 tỷ kWh; sản xuất đạm đạt 877,5 nghìn tấn; sản xuất sản phẩm xăng dầu (không bao gồm sản phẩm NSRP) đạt 3,53 triệu tấn, tất cả đều vượt kế hoạch đã đặt ra.

Nhờ tích cực gia tăng sản xuất và tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh, các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm vượt kế hoạch được giao và tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu cũng như tình trạng xuất khẩu kém và đầu tư, tiêu dùng thấp. Hầu hết các đơn vị thành viên Tập đoàn đều hoàn thành vượt mức kế hoạch 6 tháng, nổi bật như: Công ty mẹ - Tập đoàn; Vietsovpetro, PVEP, PV GAS, PTSC, PVDrilling, PVTrans…

Công tác đầu tư của Petrovietnam được tập trung trọng điểm: Hoàn thành đầu tư và vận hành với công suất cao Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 từ ngày 27-4-2023, góp phần tham gia cung ứng điện cho đất nước trong bối cảnh thiếu điện vừa qua, đặc biệt là ở miền Bắc; thử vỉa thành công và cho kết quả tốt giếng khoan thẩm lượng Đại Hùng Nam-4X, lưu lượng khoảng 6.350 thùng dầu/ngày và 4,5 triệu bộ khối khí/ngày, bảo đảm đủ điều kiện để phát triển thương mại, đưa vào khai thác trong thời gian sớm nhất…

Kết quả trên có được rất khác biệt trong điều kiện tình hình vĩ mô, thị trường, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn, đặc trưng nhất là tính gián đoạn, đứt gãy cao, chưa từng có tiền lệ. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 hiện đều giảm so với dự báo cuối năm 2022. Ở trong nước, mặc dù tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I nhưng vẫn thấp hơn so với kế hoạch đặt ra; bối cảnh chung khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Cùng với tình hình chung đó, tác động trực tiếp và rất lớn đến ngành Dầu khí là thị trường năng lượng giảm sâu so với cùng kỳ và xu hướng tháng sau giảm so với các tháng trước; giá dầu thô, giá khí, biên lợi nhuận xăng dầu, lọc dầu giảm mạnh, nhu cầu điện tăng không cao so với cùng kỳ; bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 6 tháng đầu năm giảm từ 25-27% so với cùng kỳ; giá phân bón ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn…

Trong 6 tháng cuối năm, theo Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, Tập đoàn sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu quản trị đề ra. Để làm được điều này, Petrovietnam và từng đơn vị sẽ phải thường xuyên đánh giá, xây dựng kế hoạch điều hành dựa trên kịch bản tăng trưởng kinh tế đất nước và mục tiêu quản trị để cụ thể hóa, bám sát, quản trị chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch; rà soát những vấn đề còn tồn tại, khó khăn của đơn vị để Tập đoàn có các chính sách, cơ chế, cũng như phân cấp hỗ trợ đơn vị tháo gỡ…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/petrovietnam-nguoc-dong-thi-truong-hien-thuc-khat-vong-tang-truong-634937.html