PECC: Tầm nhìn về quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương cho thế kỷ 21

Với chủ đề “Tầm nhìn về quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương cho thế kỷ 21”, Hội nghị toàn thể lần thứ 24 Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) đã khai mạc sáng 15/5 với nhiều nội dung quan trọng và thiết thực.

Đó cũng là đánh giá của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi tới tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Phó Thủ tướng cho rằng, “Đây là thời điểm rất thích hợp để chúng ta cùng nhau thảo luận một cách sâu sắc về tầm nhìn quan hệ châu Á – Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới. Ở khu vực của chúng ta, Cộng đồng ASEAN đang triển khai Tầm nhìn đến năm 2025. Diễn đàn APEC đã khởi động tiến trình tư duy về tầm nhìn sau năm 2020”.

Là một cơ chế tiên phong khu vực về các ý tưởng về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và liên kết, PECC đã luôn thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc hình thành các tầm nhìn cho khu vực. Bên cạnh đó, với vai trò là quan sát viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC, chương trình nghị sự của PECC lần này được kỳ vọng sẽ đóng góp quan trọng vào thành công của Năm APEC 2017.

Các đại biểu tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 24 của PECC tại Hà Nội chụp ảnh lưu niệm cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Ảnh: Xuân Phú

Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng các chuyên gia, học giả tham dự Hội nghị, những câu hỏi chính mà chương trình nghị sự của PECC hôm nay cần phải giải đáp bao gồm: Thứ nhất, mục tiêu của châu Á – Thái Bình Dương trong những thập kỷ tới là gì? Liệu khu vực có thể khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu hay không? Các thành viên khu vực có thể hình thành một cộng đồng và mối quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương vì phát triển bền vững và bao trùm không?

Thứ hai, các thành viên khu vực cần làm gì để tăng trưởng bao trùm, bền vững và sáng tạo trong kỷ nguyên số? Các lợi thế so sánh mới của các thành viên là gì? Làm sao để tạo được những động lực mới cho tăng trưởng?

Thứ ba, làm thế nào để tạo dựng được một châu Á – Thái Bình Dương gắn kết chặt chẽ, là động lực của liên kết kinh tế toàn cầu trong một thế giới toàn cầu hóa? Các nền kinh tế thành viên cần chuẩn bị như thế nào để tranh thủ các cơ chế hợp tác đang được hình thành?

Với những câu hỏi được đặt ra như trên, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chia sẻ một số suy nghĩ cũng như định hướng cho chủ đề của PECC. Cụ thể, Phó Thủ tướng đề xuất ba vấn đề trọng tâm như sau: “Đầu tiên, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ xây dựng một Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, năng động, tự cường, bao trùm, kết nối và liên kết toàn diện, tạo cơ hội và sự tham gia bình đẳng cho tất cả mọi người. Mẫu số chung của việc cùng quan tâm sẽ mở ra những cơ hội to lớn để thực hiện mục tiêu này.

Thứ hai, động lực của kinh tế khu vực phải đến từ tăng trưởng có chất lượng, bền vững, sáng tạo và bao trùm, kết nối và liên kết kinh tế sâu rộng. Các động lực chính gồm cải cách cơ cấu, các công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ số, thương mại điện tử, thương mại số, nguồn nhân lực chất lượng, tính cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm tính bao trùm trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội…

Thứ ba, chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa thương mại và đầu tư tự do và mở, các hiệp định thương mại khu vực, các hiệp định tự do thương mại (RTAs/FTAs), hướng tới việc hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Chúng ta phải nắm bắt các cơ hội của những hiệp định khu vực hiện có và đang hình thành”.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng kết luận: “Bài học ba thập kỷ vừa qua là không có tầm nhìn hoặc chiến lược nào có thể được thực hiện nếu không có hòa bình và an ninh. Hòa bình và tăng trưởng cùng liên kết kinh tế luôn đồng hành với nhau. Trong một môi trường toàn cầu ngày càng bất định và mong manh, hơn lúc nào hết chúng ta cần một cấu trúc khu vực minh bạch, mở, dựa trên luật pháp, có tính xây dựng và có khả năng thích ứng”.

Chủ tịch VNCPEC, tiến sĩ Võ Trí Thành phát biểu khai mạc Hội nghị PECC tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú

*Bên lề Hội nghị toàn thể PECC tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), TS. Võ Trí Thành đã chia sẻ với báo giới về những đóng góp của Việt Nam cho Hội nghị của PECC lần này.

“Có thể nói trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay, rất là nhiều khía cạnh va chạm nhau, xô đẩy nhau, đối lập nhau thì đến thời điểm này Việt Nam đã tổ chức khá thành công Hội nghị SOM 1 và SOM 2. Như tôi được biết, bên cạnh sự hài lòng chung về cách đón tiếp, tổ chức của Việt Nam, khá là chu đáo, khá là chuyên nghiệp thì có một điều là các đại biểu đều thấy được vai trò, ý nghĩa và tiếng nói của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, nhất là thúc đẩy, liên kết, tăng cường sự ổn định và phát triển trong khu vực.

Được biết Việt Nam sẽ đưa ra một số sáng kiến, những sáng kiến ấy phù hợp với lợi ích chung của các thành viên APEC, của các nền kinh tế trong APEC. Nó gắn với những vấn đề về phát triển, những vấn đề được quan tâm hiện nay liên quan đến hội nhập, thương mại, đầu tư. Tại Hội nghị SOM 1, về cơ bản, các thành viên của APEC rất đồng thuận và ủng hộ, nhất trí với những sáng kiến và đề nghị mà Việt Nam đưa ra”, ông Võ Trí Thành chia sẻ.

Thành lập năm 1980, PECC hiện có 26 thành viên hội đồng, bao gồm một thành viên cộng tác và hai thành viên tổ chức. Mỗi thành viên hội đồng đều cử ra các học giả, các nhà hoạch định chính sách từ cơ quan chính phủ và các nhà kinh tế hàng đầu để tham gia vào các cuộc thảo luận và hình thành ý tưởng về những thách thức quan trọng nhất mà châu Á – Thái Bình Dương phải đối mặt.

Một trong những đóng góp nổi bật của PECC là thúc đẩy việc hình thành APEC vào năm 1989, ý tưởng về FTAAP… và góp phần tăng cường hợp tác, liên kết APEC với tư cách quan sát viên của Diễn đàn. PECC cũng cung cấp thông tin và hỗ trợ phân tích cho các Hội nghị Bộ trưởng APEC cũng như các nhóm làm việc. Ngoài ra, PECC cũng làm cầu nối và tạo điều kiện cho doanh nghiệp ở khu vực tư nhân tham gia vào tiến trình chính thức.

Tuệ Minh

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/pecc-tam-nhin-ve-quan-he-doi-tac-chau-a-thai-binh-duong-cho-the-ky-21-post227643.info