Panel cách nhiệt và giá trị gia tăng cho phế phẩm

Phế phẩm nông nghiệp hoàn toàn có thể tạo ra giá trị gia tăng cho nông dân.

Đọc E_paper

Đó chính là mục đích trong dự án tận dụng phế phẩm: bã mía, xơ dừa, rơm rạ, phôi bào, mạt cưa... của ba bạn trẻ Đoàn Nguyên Vân Hiếu, Trương Thế Minh, Tạ Bảo Long (Đại học Bách Khoa Đà Nẵng) để sản xuất tấm panel cách nhiệt bằng một quy trình sản xuất rất đơn giản và nhanh gọn.

> Bạn đã quá tuổi để khởi nghiệp?
> Về hưu, tôi sẽ khởi nghiệp!
> 7 lời khuyên của Donald Trump cho người khởi nghiệp
> Vị "thần khởi nghiệp"
> Những bài học khởi nghiệp từ Trung Nguyên
> Bốn lần khởi nghiệp vẫn bền chí
> Khởi nghiệp: Đừng nôn nóng làm chủ!

Vân Hiếu thuyết trình về dự án của nhóm: "Hằng năm, Việt Nam sản xuất được khoảng 40 triệu tấn lương thực và thải ra hàng chục triệu tấn phế phẩm nông nghiệp các loại. Các phế phẩm nông nghiệp đã được người dân sử dụng vào nhiều mục đích như: làm sợi từ dừa, lọc nước; sử dụng trấu, rơm rạ để đun nấu, trồng cây và nấm...

Tuy nhiên, việc sử dụng cũng chỉ chiếm một tỷ lệ không đáng kể và chưa có sản phẩm nào mang tính công nghiệp và tạo nhiều sản phẩm giá trị gia tăng. Trong khi đó, chúng ta đang rất cần một loại vật liệu có khả năng làm trần cho các công trình công nghiệp và dân dụng như nhà kho, nhà xưởng, nhà máy, nhà hàng, chợ... Cho đến nay, vẫn chưa có được vật liệu tốt nhất phù hợp với các công trình này".

Phế phẩm nông nghiệp tuy nhiều, nhưng để sản xuất panel cần chọn loại có màu sắc đẹp, có tính dẫn nhiệt kém, dễ phơi khô, có độ dai... Với các yêu cầu đó, trấu, bã mía, xơ dừa, rơm rạ, phôi bào rất phù hợp để sản xuất panel.

Quy trình thử nghiệm sản xuất panel của nhóm khá đơn giản: Nguyên liệu được băm nhỏ theo kích thước đã định, nhằm đảm bảo tính chất đồng đều, đảm bảo bề mặt panel thành phẩm phẳng.

Sau khi băm nhỏ, nhóm sàng lọc theo kích cỡ nhất định để sản xuất và trộn với chất kết dính, phụ gia. Hỗn hợp sẽ được đưa vào khuôn ép tiêu chuẩn 600x600mm thật nhanh để tránh keo kết dính bị khô.

Chỉ sau 20 phút, panel sẽ cứng và phơi khô trong 8 tiếng là hoàn thành công đoạn. Để bảo quản tấm cách nhiệt, nhóm phủ thêm một lớp nhựa mỏng. Nhóm đã sản xuất với nhiều loại nguyên liệu khác nhau: bã mía, xơ dừa, trấu... Mỗi loại nguyên liệu đều cho một màu rất riêng và đẹp.

Thuận lợi cho dự án này là nguồn nguyên liệu sản xuất. Vì đây là các phế phẩm rất phổ biến nên tìm kiếm rất dễ dàng, tốn ít thời gian, giá thành rất rẻ vì thuộc loại bỏ đi, quy trình sản xuất panel khá đơn giản.

Đối tượng thụ hưởng trong dự án này không chỉ có ngành xây dựng mà còn có bà con nông dân, hộ sản xuất nhỏ vì có thể tận dụng các loại phế phẩm để sản xuất với quy trình đơn giản, gọn nhẹ.

Chi phí nguyên liệu, tiền keo, chất phụ gia và nhân công để sản xuất 1m2 panel dày 20mm khoảng 152.000 đồng. Đơn giá panel thành phẩm bán ra khoảng 175.000 đồng/m2, tương đương với trần thạch cao và rẻ hơn các loại trần nhựa xốp cách nhiệt.

Kết quả triển khai cho thấy, các tấm panel rất bền màu, không bị lão hóa dưới nhiệt độ cao, độ bền cơ tính đảm bảo, ít thấm nước, không trương phồng và gãy vụn khi ngấm nước, không có hiện tượng nấm mốc.

Các tấm panel từ phế phẩm nông nghiệp có tính cách nhiệt tốt, có hệ số dẫn nhiệt thấp, đáp ứng tốt như cầu chống nóng cho hầu hết các loại công trình xây dựng tại Việt Nam. Hiện dự án của nhóm đã thử nghiệm thực tế với việc lắp đặt 30m2 cho trụ sở Công ty Quốc Hoa tại Đà Nẵng.

Các loại trần bằng thạch cao, nhôm, nhựa tuy được sử dụng nhiều nhưng vẫn kèm theo các nhược điểm về nhiệt, độ cứng, thấm nước, giá thành cao... Trong khi panel sản xuất từ phế phẩm nông nghiệp nếu sử dụng làm trần sẽ rất thân thiện với môi trường, không sử dụng nguyên liệu độc hại với con người.

Nguồn DNSG: http://www.doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/khoi-nghiep/2013/12/1078815/panel-cach-nhiet-va-gia-tri-gia-tang-cho-phe-pham/