Palestine vượt qua trở ngại, hướng tới tương lai

Hồng PhúcHai phe phái đối lập của Palestine là phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas và đảng Fatah đã ký thỏa thuận hòa giải vào ngày 12-10 sau khi Hamas chấp thuận chuyển giao quyền kiểm soát Dải Gaza, kể cả cửa khẩu Rafah trọng yếu, sau một thập kỷ nắm giữ trong nội chiến. Thỏa thuận do Ai Cập đứng ra làm trung gian đã giúp hàn gắn hai bên đối địch, gồm Fatah được phương Tây hậu thuẫn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Hamas, từng bị các nước phương Tây và Israel liệt vào danh sách khủng bố.

Thành lập chính phủ của sự đồng thuận

Việc Hamas chấp thuận chuyển giao quyền kiểm soát tại Gaza cho chính phủ được Fatah hậu thuẫn đánh dấu một sự thay đổi quan trọng, một phần xuất phát từ lo ngại về nguy cơ bị cô lập tài chính và chính trị sau khi nhà tài trợ chính của phong trào này là Qatar hồi tháng 6 vừa qua vướng vào một loạt rắc rối từ những mâu thuẫn ngoại giao nghiêm trọng với các đồng minh lớn như Saudi Arabia.

Trưởng đoàn đại biểu của Fatah Azzam Al-Ahmed phát biểu tại lễ ký kết ở thủ đô Cairo của Ai Cập: “Chính phủ hợp pháp, chính phủ của sự đồng thuận, sẽ quay trở lại theo đúng trách nhiệm và theo đúng luật pháp.” Năm 2014, Hamas và Fatah từng nhất trí thành lập một chính phủ hòa giải dân tộc, song thỏa thuận này nhanh chóng đổ vỡ do hai bên cáo buộc lẫn nhau và Hamas tiếp tục chiếm giữ Gaza. Ông Al-Ahmed cho biết chính phủ thống nhất sẽ “điều hành mọi thể chế và không hề có bất cứ ngoại lệ nào,” bao gồm mọi cửa khẩu nối với Israel và cửa khẩu Rafah, “cánh cửa” duy nhất nối Gaza với Ai Cập.

Các đại diện của hai phía đối địch đã gặp nhau tại Cairo trong tuần này để thảo luận về chi tiết quá trình chuyển giao quyền lực, bao gồm vấn đề an ninh cho Gaza và biên giới. Các cuộc đàm phán dự kiến sẽ bắt đầu tập trung vào việc thành lập chính phủ thống nhất với sự tham gia của nhiều phong trào chính trị tại Palestine trong một hội nghị khác ở Cairo vào ngày 21-11 tới.

Hãng tin AFP cho biết tuần trước, Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah cũng đã lần đầu tiên tới Gaza kể từ năm 2005 và các bộ trưởng cũng đã tiếp nhận quyền hành trong khu vực. Tuy nhiên, những hoạt động này mới chỉ mang tính biểu tượng, và Hamas hiện vẫn là bên chịu trách nhiệm quản lý khoảng 2 triệu người dân ở Gaza. Một trong những điểm còn nhiều khúc mắc là số phận của khoảng 25.000 thành viên Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam, cánh quân sự của Hamas.

Một quan chức Fatah tiết lộ rằng nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas đự định sẽ sớm tới Gaza để thực thi thỏa thuận. Đây cũng sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông tới khu vực trong gần một thập kỷ qua. Quan chức này cho biết các lệnh cấm vận và trừng phạt mà ông Abbas áp đặt với Gaza sẽ sớm được dỡ bỏ. Một thành viên phái đoàn đàm phán tiết lộ rằng khoảng 3.000 thành viên trong lực lượng cảnh sát của Palestine hiện ở khu Bờ Tây sẽ được triển khai tại Gaza. Theo thỏa thuận, lực lượng cảnh vệ của Tổng thống Abbas sẽ nhận trách nhiệm kiểm soát cửa khẩu Rafah từ ngày 1-11 và quá trình chuyển giao quyền lực cho chính phủ thống nhất sẽ được hoàn tất vào ngày 1-12 tới.

Giới phân tích tỏ ra rất lạc quan về sự bền vững của thỏa thuận so với những lần trước đó, nhất là trong bối cảnh Hamas ngày càng bị cô lập và bắt đầu nhận thức được rõ những khó khăn đối với việc lãnh đạo và tái thiết Gaza khi biên giới bị bao vây và cơ sở hạ tầng xuống cấp sau các cuộc chiến với Israel. Vai trò sâu sắc của Ai Cập, được cho là có sự hậu thuẫn của Saudi Arabia và các nước Arập khác, cũng giúp thỏa thuận thành công.

Sự thống nhất của Palestine cũng giúp củng cố ảnh hưởng và vị thế của ông Abbas trong các cuộc đàm phán, nếu có thể tái diễn, về tương lai hình thành một nhà nước Palestine tại vùng lãnh thổ mà Israel đang chiếm đóng. Những mâu thuẫn trong nội bộ Palestine là rào cản rất lớn đối với quá trình kiến tạo hòa bình, khi Hamas đã ba lần tham chiến với Israel từ năm 2008 và liên tục kêu gọi hủy diệt nhà nước Do Thái.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã có cuộc trao đổi với ông Abbas và hoan nghênh thỏa thuận, đồng thời khẳng định LHQ “luôn sẵn sàng” hỗ trợ chính quyền Palestine “lấy lại trách nhiệm tại Gaza.” Ông Guterres cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của việc nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza, nhất là sự thiếu thốn điện năng, cải thiện các tuyến đường đi vào và ra khỏi khu vực.”

Liên đoàn Arab cũng hoan nghênh thỏa thuận và cho rằng sự kiện này là “đảm bảo cần thiết” cho quá trình hướng đến việc hoàn thành mục tiêu của người Palestine về một nhà nước của riêng mình. Hàng nghìn người Palestine đã đổ xuống các đường phố tại Gaza để ăn mừng thành công của thỏa thuận. Nhiều người hát vang các bài hát dân tộc, nhảy múa, vẫy cờ Palestine và Ai Cập.

Người dân Palestine ăn mừng thỏa thuận hòa giải giữa Hamas và Fatah. ẢNH TƯ LIỆU

Người dân Palestine ăn mừng thỏa thuận hòa giải giữa Hamas và Fatah. ẢNH TƯ LIỆU

Những vấn đề tồn tại

Hiện tại, vấn đề cấp bách nhất là cứu giúp 2 triệu người dân ở Dải Gaza - những người đã phải hứng chịu 3 cuộc chiến tranh thảm khốc với Israel kể từ năm 2008 cũng như phải chịu đựng các cuộc phong tỏa nghiêm ngặt từ cả Israel lẫn Ai Cập. Họ thường xuyên sống trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Những mâu thuẫn kéo dài một thập kỷ qua cũng là trở ngại chính cho các cuộc đàm phán hòa bình với Israel. Nhiều người cho rằng Dải Gaza và khu vực Bờ Tây sẽ được hợp nhất để hình thành một nhà nước độc lập trong tương lai, song chính việc Hamas kiểm soát Dải Gaza làm suy yếu Tổng thống Palestine Mahmud Abbas. Nickolay Mladenov - phái viên Liên hợp quốc (LHQ) tại Trung Đông - nói với hãng tin AFP: “Sự chia rẽ đã cản trở người Palestine tiếp tục đạt được mục tiêu quay trở lại các cuộc đàm phán và thực hiện một giải pháp hai nhà nước với một thái độ mang tính xây dựng.”

Những thất bại trong quá khứ đã làm dấy lên sự hoài nghi về nỗ lực hòa giải mới nhất này, song một số nhà phân tích cho rằng Hamas hiện giờ có thể sẽ bị buộc phải nhượng bộ thêm. Tuần trước, các bộ trưởng trong chính quyền của Thủ tướng Palestine Rami Hamdallah đã được bàn giao chìa khóa của các văn phòng chính phủ ở Gaza. Nour Odeh, một nhà phân tích chính trị tại Bờ Tây, đã nhắc lại nỗ lực hòa giải trước đây vào năm 2014, khi các bộ trưởng của chính phủ thống nhất không được Hamas cho phép rời khỏi khách sạn. Bà Odeh nói với AFP: “Những điều này rất quan trọng - chúng giúp tạo ra một bầu không khí mà “quả cầu tuyết’ có thể tiếp tục lăn.

Sau thỏa thuận ngày 12-10, các phe phái chính trị Palestine đã được mời đến tham dự một cuộc họp khác tại Cairo, sẽ diễn ra vào ngày 21-11 tới. Theo một nhà đàm phán của Fatah, quyền kiểm soát khu vực biên giới giữa Dải Gaza với Israel sẽ được bàn giao cho Chính quyền Palestine vào ngày 1-11, còn đường biên giới với Ai Cập sẽ cần thêm nhiều thời gian đàm phán hơn. Lữ đoàn Ezzedine al-Qassam - cánh vũ trang của Hamas với ước tính 25.000 thành viên - sẽ vẫn là một “chướng ngại vật” nghiêm trọng ngăn cản thỏa thuận này và cuộc họp ngày 12-10 không hề đề cập đến cách giải quyết lực lượng này.

Các quan chức cấp cao của Hamas cho biết việc giải tán cánh vũ trang này là không thể, nhưng ông Abbas khẳng định Chính quyền Palestine sẽ phải nắm toàn quyền kiểm soát. Ông cảnh báo rằng Hamas không thể “sao chép hoặc nhân rộng kinh nghiệm của quân du kích Hezbollah ở Lebanon,” đồng thời đề cập đến tình huống mà ở đó một nhóm vũ trang độc lập có thể gây ảnh hưởng lớn đến nền chính trị quốc gia.

Điểm quan trọng thứ hai chính là số phận của hàng chục nghìn nhân viên chính phủ do Hamas tuyển dụng từ năm 2007. Kênh truyền thông Hamas's Al-Aqsa TV cho biết phải đến tháng 2-2018, vấn đề này mới được giải quyết.

Vấn đề thứ ba liên quan đến một loạt biện pháp trừng phạt mà ông Abbas áp đặt đối với Hamas trong những tháng gần đây, bao gồm việc cắt giảm các khoản thanh toán điện cho Gaza. Một quan chức của Fatah cho biết ông Abbas sẽ sớm gỡ bỏ những biện pháp trừng phạt này, đồng thời thực hiến chuyến thăm đầu tiên trong suốt một thập kỷ qua đến Dải Gaza.

Sự hòa giải giữa các đối thủ ở Palestine có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực quốc tế nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Không giống như Tổ chức Giải phóng Palestine do ông Abbas lãnh đạo, Hamas không hề công nhận Israel và sẽ không từ bỏ bạo lực. Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng lên tiếng cảnh báo rằng chính phủ của ông sẽ không chấp nhận bất kì thỏa thuận hòa giải nào, trừ khi Hamas giải trừ vũ khí và thừa nhận quyền tồn tại của Israel.

Mỹ, nước đang tìm cách khởi động tiến trình hòa bình Israel-Palestine, đã hoan nghênh việc Chính quyền Palestine quay trở lại nắm quyền kiểm soát Dải Gaza. Tuy nhiên, Washington cảnh báo rằng bất kì chính phủ Palestine nào cũng phải thừa nhận quyền tồn tại của Israel. LHQ cũng đã hoan nghênh những bước hòa giải vừa qua, đồng thời nhấn mạnh cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza cần phải được giải quyết.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/palestine-vuot-qua-tro-ngai-huong-toi-tuong-lai-105633.html