Oscars 95 và sự vụt sáng của những ngôi sao gốc Á

Nữ minh tinh màn bạc Dương Tử Quỳnh, người Malaysia gốc Hoa đã trở thành diễn viên châu Á đầu tiên nâng cao tượng vàng Oscar cho vai nữ chính trong lễ trao giải Oscar lần thứ 95 mới đây tại Nhà hát Dolby (Los Angeles, California, Mỹ). Chia sẻ trên sân khấu Oscar, đề cập 'chủ nghĩa tuổi tác' đã và đang tồn tại như quy luật ngầm ở Hollywood, Dương Tử Quỳnh nói: 'Và các quý cô, đừng để bất kỳ ai nói với bạn rằng bạn đã hết thời'. Lập tức, câu nói ấy lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, nhận được sự tán dương rộng rãi.

Tại Hollywood, phụ nữ lớn tuổi bị xem là "hags" (mụ phù thủy) còn đàn ông được gọi bằng cụm từ "silver fox" (cáo bạc) khi họ già đi. Theo Martha Lauzen - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu phụ nữ trong truyền hình và điện ảnh (Đại học San Diego, Mỹ), tuổi của nhân vật nữ trên phim cũng nhỏ hơn nam giới khá nhiều. Trong khi hầu hết nhân vật nữ ở độ tuổi 20 và 30, nam giới bước sang tuổi 30 và 40. Theo đó, tỷ lệ nhân vật nữ ở độ tuổi 30 là 29% so với 16% ở độ tuổi 40.

Một thống kê khác của nhóm nghiên cứu Đại học Nam California về những bộ phim được đề cử phim hay nhất từ năm 2014 đến 2016, cho rằng chỉ 11,8% diễn viên từ 60 tuổi trở lên, nhưng đáng kể là 78% phim không có phụ nữ lớn tuổi đóng chính hoặc phụ.

“Chủ nghĩa tuổi tác là quy luật ngầm đã bám rễ trong tiềm thức của những người hoạt động ở Hollywood và nhiều nền điện ảnh khác từ xưa đến nay. Nó ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nhưng với Dương Tử Quỳnh, bằng những thành tích ấn tượng đã đạt được cho đến khi nâng trong tay Oscar vàng ở mùa giải năm nay thì điều đó hình như không tồn tại. Vì xét cho cùng tuổi tác chỉ là con số" - Martha Lauzen nói.

Nữ diễn viên gốc Việt Hồng Châu.

Diễn viên gốc Á tại đấu trường Hollywood

Lễ trao giải Oscar lần thứ 95 được phát sóng trực tiếp trên kênh ABC tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Với sự hấp dẫn vốn có của nó và cùng đó là những gì mới hơn với tham vọng truyền cảm hứng để đem lại sự bùng nổ cho nền công nghiệp giải trí thông qua những ngôi sao rực rỡ của kinh đô điện ảnh Hollywood.

Kết quả Oscar 2023

Phim hay nhất: Everything Everywhere All at Once

Nam diễn viên xuất sắc nhất: Brendan Fraser (The Whale)

Nữ diễn viên xuất sắc nhất: Dương Tử Quỳnh (Everything Everywhere All at Once)

Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Quan Kế Huy (Everything Everywhere All at Once)

Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Jamie Lee Curtis (Everything Everywhere All at Once)

Phim hoạt hình hay nhất: Guillermo del Toro's Pinocchio

Đạo diễn xuất sắc nhất: Daniel Kwan & Daniel Scheinert (Everything Everywhere All at Once)

Kịch bản chuyển thể hay nhất: Women Talking

Kịch bản gốc hay nhất: Everything Everywhere All at Once

Quay phim xuất sắc nhất: All Quiet on the Western Front

Biên tập phim xuất sắc nhất: Everything Everywhere All at Once

Ca khúc gốc hay nhất: "Naatu Naatu" - RRR

Kỹ xảo tốt nhất: Avatar: The Way of Water

Âm thanh tốt nhất: Top Gun: Maverick

Thiết kế phục trang xuất sắc nhất: Black Panther: Wakanda Forever

Trang điểm & làm tóc tốt nhất: The Whale

Phim tài liệu hay nhất: Navalny

Phim quốc tế hay nhất: All Quiet on the Western Front (Đức)

Trong số những điều hấp dẫn mới mẻ của Oscar năm nay chính là sự thành công bất ngờ của các ngôi sao gốc Á. Trong đó, Hồng Châu, nữ diễn viên gốc Việt sinh năm 1979, nhận đề cử trao tượng vàng Oscar với hạng mục nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho vai diễn trong bộ phim “The Whale” (Cá voi). Trong phim, Hồng Châu thủ vai Liz, người chăm sóc đồng thời cũng là bạn thân nhất của nam chính Charlie (Brendan Fraser đóng) mắc bệnh béo phì. Trong khi đó Quan Kế Huy, sinh năm 1971, nam diễn viên trong “Everything Everywhere All at Once” (được tạm dịch sang tiếng Việt là Cuộc chiến đa vũ trụ) vào vai Waymond Wang - chồng của nữ chính Evelyn (do Dương Tử Quỳnh đảm nhận) cũng đã vụt sáng.

Có điều, đây không phải là thành công đến trong "chớp mắt" đối với Hồng Châu, người đã theo học điện ảnh tại trường Đại học Boston. Cô đã xuất hiện đều đặn trong phim truyền hình và điện ảnh từ năm 2006 đến nay. Cô nói: "Tôi thực sự thích quá trình chuẩn bị cho vai diễn. Tôi đặt mình vào hành trình mà nhân vật phải trải qua”.

Còn với Quan Kế Huy, ông đã "càn quét" hàng chục giải thưởng lớn nhỏ ở Hollywood trước khi đến màn trình diễn xuất sắc trong “Everything Everywhere All at Once”. Vượt qua nhiều tên tuổi lớn của làng điện ảnh, Quan Kế Huy được xướng tên là người chiến thắng hạng mục nam diễn viên phụ xuất sắc nhất tại Oscar 95. Khi chạm tay vào tượng vàng Oscar danh giá, Quan Kế Huy nói: "Ước mơ là thứ bạn phải tin vào. Tôi đã gần như từ bỏ ước mơ của mình. Gửi tất cả mọi người ở ngoài kia, xin hãy giữ giấc mơ của bạn được sống".

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn cả chính là sự khẳng định của những nữ diễn viên gốc Á tại đấu trường Hollywood khốc liệt. Tuy nhiên, trong “một rừng” nữ diễn viên Hollywood, tới nay người ta cũng đã ghi nhận một số “bóng hồng” châu Á. Đầu tiên phải kể đến Anna May Wong (1919-1961) được ghi nhận là ngôi sao người Mỹ gốc Á đầu tiên tại Hollywood. Bà hoạt động sôi nổi từ thời đại phim câm đến phim có tiếng, từ sân khấu kịch lên màn ảnh truyền hình. Thập niên 1920, bà còn được xếp vào nhóm các biểu tượng thời trang của điện ảnh thế giới.

Kế đến là Miyoshi Umeki (1929-2007), diễn viên châu Á đầu tiên được đề cử và thắng Oscar với giải thưởng nữ diễn viên phụ xuất sắc trong phim “Sayonara”, năm 1957. Cho đến năm 2015, ngôi sao Ấn Độ Priyanka Chopra, sinh năm 1982, đã trở thành người Nam Á đầu tiên sắm vai chính trong một series truyền hình của Mỹ, với phim "Quantico" và đã thắng giải tại People's Choice Awards (giải thưởng của tờ People). Tiếp đó năm 2020, Awkwafina ở tuổi 32 trở thành người châu Á đầu tiên được xướng tên cho ngôi vị “Nữ diễn viên chính xuất sắc” tại Quả cầu vàng - một giải thưởng của Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Hollywood trao hàng năm cho các cống hiến xuất sắc trong ngành kỹ nghệ giải trí, cả ở Mỹ lẫn nước ngoài, nhằm hướng sự chú ý của công chúng vào phim và chương trình truyền hình hay nhất. Tài năng của diễn viên mang hai dòng máu Hoa - Hàn được ghi nhận với phim “The Farewell”, khi cô thể hiện nhân vật Billi hoang mang không biết mình thuộc về đâu, trăn trở vì quá nhiều thứ hóa đơn cần chi trả, học bổng vuột khỏi tầm tay, học hành, công việc kém khởi sắc, còn yêu đương là câu chuyện ngoài lề chẳng bao giờ được nhắc tới.

Đầu năm 2021, nghệ sĩ gạo cội Youn Yuh-jung (sinh năm 1952) ghi thêm dấu ấn cho điện ảnh Hàn Quốc trên màn ảnh quốc tế. Bà là người Hàn đầu tiên thắng giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc” tại 2 giải thưởng uy tín - Oscar và Giải thưởng Liên đoàn diễn viên màn ảnh (SAG). Ngoài ra, bà được đề cử hạng mục tương tự ở Quả cầu vàng. Chiến thắng áp đảo của Youn Yuh-jung gắn liền vai diễn bà ngoại trong phim “Minari”, bộ phim khắc họa những thăng trầm của một gia đình người Hàn nhập cư ở Mỹ. Nữ nghệ sĩ thổi hồn cho nhân vật với nét diễn dí dỏm, tinh tế và giàu cảm xúc.

Tại đêm trao giải Oscar 2021, bên cạnh Youn Yuh-jung, một phụ nữ châu Á khác gây chú ý là Chloe Zhao, sinh năm 1982. Nhà làm phim gốc Hoa trở thành đạo diễn châu Á đầu tiên giành tượng vàng Đạo diễn xuất sắc.

Tuy nhiên, trong những “bóng hồng châu Á” tại Hollywood, thì ngót 100 năm nay thành công của Dương Tử Quỳnh (sinh năm 1962) là vang dội nhất, khi đã vượt qua Cate Blanchett (sinh năm 1969, người Austraia), đã từng nhận rất nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng Hollywood, 3 giải Screen Actors Guild, 3 giải Quả cầu vàng, 3 giải BAFTA và 2 giải Oscar.

Dương Tử Quỳnh đã nhận tượng vàng Oscar.

Dương Tử Quỳnh: Con đường đến với Oscar

Trên sân khấu, cầm trong tay tượng vàng Oscar, Dương Tử Quỳnh xúc động bật khóc. "Giải thưởng này là biểu tượng của hy vọng, là bằng chứng giấc mơ có thể trở thành sự thật. Đừng để ai nói với bạn rằng bạn đã hết thời rồi. Nếu không có đạo diễn, không có ê-kíp làm phim, tôi không thể đứng đây ngày hôm nay. Tôi xin giành giải thưởng này cho mẹ tôi, cho tất cả những người mẹ trên thế giới, vì họ đều là những người anh hùng. Nếu không có các bà mẹ thì thế giới này sẽ chẳng có người anh hùng nào cả. Mẹ tôi đã 84 tuổi, tôi sẽ mang giải thưởng này về Malaysia để ăn mừng” - nữ minh tinh kết thúc bài phát biểu của mình trong tiếng vỗ tay vang dội.

Trong bộ phim “Everything Everywhere All at Once”, Dương Tử Quỳnh đóng vai một phụ nữ Trung Quốc nhập cư tên Evelyn Wang, là chủ cửa hiệu giặt ủi gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng lại cùng chồng (vai Waywond Wang do Quan Kế Huy đóng) cùng thực hiện nhiệm vụ giải cứu đa vũ trụ.

Dương Tử Quỳnh bước vào con đường nghệ thuật sau khi đăng quang Hoa hậu Malaysia năm 1983. Cô từng tham gia hàng chục bộ phim điện ảnh đình đám, thường tự thực hiện những pha hành động nguy hiểm, táo bạo mà diễn viên Thành Long cũng phải nể phục. Năm 1997, tên tuổi của Dương Tử Quỳnh bắt đầu được biết tới ở Mỹ khi trở thành "bond girl" sánh đôi cùng James Bond của Pierce Brosnan trong phim “Tomorrow never dies” - bản dịch tiếng Việt “Ngày mai không bao giờ chết”.

Nhưng thực sự thì những siêu phẩm điện ảnh như: “Ngọa hổ tàng long”, “Hồi ức của một Geisha”, “Xác ướp 3”, “Lăng mộ Tần Vương”, “Hoắc Nguyên Giáp”, “Con nhà siêu giàu châu Á”… mới làm cho danh tiếng của Dương Tử Quỳnh lan rộng trên toàn cầu khi được biết đến như một “đả nữ chuyên nghiệp”, chinh phục Hollywood bằng khả năng võ thuật của mình. Trong quá trình đóng phim, Dương Tử Quỳnh bị rất nhiều chấn thương gân, cơ và xương. Vì thế nên không có công ty nào ở Hồng Kông chịu làm bảo hiểm cho cô.

Dương Tử Quỳnh (tên gọi khác: Michelle Yeoh), sinh ngày 6/8/1962. Cô là con một gia đình người Malaysia gốc Hoa đến Malaysia từ Phúc Kiến (Trung Quốc). Cha của cô là một luật sư nên cô thông thạo tiếng Anh và tiếng Malaysia. Năm 4 tuổi cô bé đã được đi học ballet và bơi lội. Đến năm 15 tuổi, Dương Tử Quỳnh đến Anh và nhận bằng cử nhân nghệ thuật tại Viện múa Hoàng gia Anh. Do bị tai nạn ở bàn chân, nên cô chuyển sang học diễn xuất.

Năm 1983, Dương Tử Quỳnh trở về Malaysia, mẹ cô đã đăng ký cho con gái tham gia cuộc thi Hoa hậu. Cô đã đoạt vương miện Hoa hậu Malaysia một cách thuyết phục. Cùng năm đó, Dương Tử Quỳnh đoạt luôn giải Hoa hậu Mooba ở Melbourne, Australia. Năm 1984, Dương Tử Quỳnh được mời đến Hồng Kông (Trung Quốc) để quay phim quảng cáo cho một hãng đồng hồ cùng với ngôi sao hành động nổi tiếng Thành Long.

Năm 1985, để có được vai chính trong bộ phim “Yes, Madam”, Dương Tử Quỳnh đã phải trải qua một khóa huấn luyện gai góc. Đây được xem là đột phá đầu tiên của cô trong vai “đả nữ” - nữ diễn viên hành động. Sau đó, Dương Tử Quỳnh còn vào nhiều vai đả nữ trong các dự án phim khác.

Năm 1992, Dương Tử Quỳnh đã phá kỷ lục về thù lao cao nhất dành cho nữ diễn viên trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông với bộ phim “Police Story 3”, diễn chung với Thành Long. Đây là bộ phim đạt được doanh thu cao nhất châu Á vào năm đó. Nhưng không chỉ thành công với các vai đả nữ, Dương Tử Quỳnh còn dành giải vai nữ phụ xuất sắc nhất tại lễ trao giải điện ảnh Kim Tượng Hồng Kông 1997, trong bộ phim “Chị em nhà họ Tống”, vai diễn không có những pha “tung chưởng” vốn là sở trường của cô.

Trong năm 1997, Dương Tử Quỳnh còn rực rỡ hơn khi lọt vào top 100 người đẹp nhất thế giới do tạp chí People (Mỹ) bình chọn. Sau đó, năm 2009, cũng chính tạp chí này bầu chọn Dương Tử Quỳnh là ngôi sao gốc Á duy nhất vào danh sách 35 người đẹp trên màn bạc mọi thời đại.

Nam diễn viên Quan Kế Huy và nữ diễn viên Dương Tử Quỳnh (từ trái sang) cùng các ngôi sao nhận tượng vàng Oscar 2023. Ảnh: Reuters.

Trên màn ảnh, Dương Tử Quỳnh tỏa sáng khắp châu Á, châu Mỹ nhưng cuộc sống tình cảm của cô không hẳn đã phẳng lặng. Năm 1983, Dương Tử Quỳnh đoạt danh hiệu Hoa hậu Malaysia và đại diện quốc gia tham gia cuộc thi Hoa hậu thế giới nhưng không lọt Top 15 chung cuộc. Sau cuộc thi này, cô quen với đại gia kim hoàn nổi tiếng Hồng Kông Phan Địch Sinh, chủ một công ty thời trang giàu có. Năm 1988, Dương Tử Quỳnh kết hôn với Phan Địch Sinh. Nhưng rồi với lý do “không hợp nhau”, 3 năm sau cuộc hôn nhân của họ tan vỡ.

Sau đó, truyền thông quốc tế từng đưa tin rằng Oliver Stone - biên kịch và đạo diễn nổi tiếng Hollywood “đã rất tích cực” theo đuổi cô suốt một thời gian dài, song Dương Tử Quỳnh đã phủ nhận về mối quan hệ giữa hai người.

Năm 1994, sau khi đã phát triển sự nghiệp ở Hollywood, Dương Tử Quỳnh làm quen với Dương Bỉnh Lương - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty thời trang Cảnh Phúc (Hồng Kông, Trung Quốc). Mối tình đẹp giữa họ kéo dài 3 năm. Cho đến năm 1999, Dương Tử Quỳnh tuyên bố đã đính hôn với Á Luân - bác sĩ khoa tim gốc Hoa quốc tịch Hoa Kỳ. Thế nhưng chỉ 1 năm sau họ đã chia tay. Sau khi đổ vỡ với Á Luân, Dương Tử Quỳnh đã được Thành Long giới thiệu với Chung Tái Tư - ông chủ một công ty điện ảnh giải trí Hồng Kông. Tuy nhiên mối tình này cũng được cho là không chính thức.

Cuối cùng, sau 3 năm hẹn hò với Jean Todt - Giám đốc đội đua Scuderia Ferrari, cô chấp nhận đính hôn với người đàn ông hơn cô 16 tuổi (từ năm 2006). Họ sống chung dưới một mái nhà nhưng tới nay vẫn chưa kết hôn.

Khi Dương Tử Quỳnh đã “nắm chắc trong tay” Oscar, truyền thông quốc tế đã “kể lại” việc cô từng may mắn thoát khỏi thảm họa 8 năm trước. The New York Times viết, ngày 25/4/2015, cô đã gặp một trận động đất ở Nepal. “Tôi nhận thấy mặt đất bắt đầu rung chuyển và tôi không thể đứng vững. Tôi phải cố gắng lết ra cửa mới có thể thoát nạn trong khi nhiều người khác không may mắn như vậy” - Dương Tử Quỳnh kể và cho biết cô đau đớn vì biết rằng thảm họa khiến cho nhiều người không có nhà để về, cuộc sống của họ bỗng trở nên tồi tệ và họ mất đi quá nhiều thứ trên đời.

Bên cạnh hào quang trên màn ảnh, được biết đến với tư cách người đàn bà có trái tim nhân hậu, thì Dương Tử Quỳnh còn là “người đàn bà sang chảnh” khi có cả loạt bất động sản đắt giá tại Thụy Sĩ, Pháp, Malaysia và Hồng Kông (Trung Quốc), ước tính lên đến 40 triệu USD (hơn 900 tỷ đồng). Trước đó, Dương Tử Quỳnh từng đầu tư 4,4 triệu USD (hơn 100 tỷ đồng) vào chuỗi căn hộ sang trọng ở San Francisco.

Hiện tại, Dương Tử Quỳnh sống tại một căn hộ xa xỉ ở Thụy Sĩ trong không gian đậm chất hoàng gia cùng tỷ phú Jean Todt.

Giải thưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh (thường biết đến với tên gọi Oscar), với 74 giải thưởng dành cho các diễn viên và kỹ thuật hình ảnh trong ngành điện ảnh Mỹ. Kể từ năm 1929, giải Oscar được trao hàng năm tại thành phố Los Angeles để ghi nhận những thành tựu xuất sắc của điện ảnh trong năm của các đạo diễn, diễn viên, kịch bản và nhiều lĩnh vực khác qua cuộc bỏ phiếu kín của các thành viên Viện Hàn lâm.

Chịu trách nhiệm bầu chọn và trao giải Oscar là AMPAS - một tổ chức nghề nghiệp danh dự của những người làm điện ảnh Mỹ, thường thì diễn viên chiếm tỷ lệ cao nhất (22 - 25%). Cho đến giải Oscar 94 (năm 2022), đã có 3.140 tượng vàng đã được trao.

Oscar đầu tiên được trao vào ngày 16/5/1929, trong một buổi dạ tiệc tại Khách sạn Roosevelt Hollywood với 280 khách mời. 15 tượng vàng đã được trao cho các diễn viên, đạo diễn và tổ làm phim cho các bộ phim từ năm 1927-1928 và lễ trao giải kéo dài chỉ trong 15 phút. Người chiến thắng lúc ấy được báo trước 3 tháng để chuẩn bị. Nhưng sau đó, dịp trao giải từ năm 1941 về sau, kết quả được giữ kín và không một ai biết được kết quả ngoại trừ giám đốc và phó giám đốc công ty sản xuất Tượng vàng Oscar R.S Owen.

Phần thưởng chính thức của giải là tượng vàng Oscar, bao gồm phần gốc bằng kim loại đen được mạ vàng và britannium; cao 34,3 cm và nặng 3,856 kg có hình dáng của một hiệp sĩ được điêu khắc theo phong cách Art Deco. Người hiệp sĩ này cầm gươm và đứng trên một cuộn phim có 5 cánh, tượng trưng cho các nhánh gốc của Viện Hàn lâm bao gồm diễn viên, biên kịch, đạo diễn, nhà sản xuất và kỹ thuật viên.

PHAN QUANG VŨ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/oscars-95-va-su-vut-sang-cua-nhung-ngoi-sao-goc-a-5713960.html