OPEC+ cắt giảm sản lượng: Lực đẩy cho giá dầu?

Theo tính toán của Reuters, những cam kết cắt giảm sản lượng lần này sẽ nâng tổng lượng dầu cắt giảm của OPEC+ lên mức 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Biểu tượng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại tòa trụ sở của OPEC ở Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tượng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tại tòa trụ sở của OPEC ở Vienna, Áo. Ảnh: THX/TTXVN

Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác thuộc nhóm Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, hay còn gọi là OPEC+, ngày 2/4 thông báo sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày. Giới phân tích cho rằng động thái bất ngờ này sẽ khiến giá dầu tăng cao và Mỹ gọi đây là bước đi “không không ngoan”.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak ngày 2/4 cho hay nước này sẽ tự nguyện gia hạn cắt giảm sản lượng dầu thêm 500.000 thùng/ngày từ mức sản xuất trung bình vào tháng Hai cho tới cuối năm 2023. Tương tự, Bộ Năng lượng Saudi Arabia ra tuyên bố nước này sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng Năm tới cho đến hết năm 2023. Cùng ngày, Chính phủ các nước Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Kuwait, Iraq, Oman và Algeria cũng lần lượt công bố tự nguyện cắt giảm 144.000 thùng/ngày, 128.000 thùng/ngày, 211.000 thùng/ngày, 40.000 thùng/ngày và 48.000 thùng/ngày.

Việc cắt giảm sản lượng tự nguyện này sẽ bắt đầu vào tháng Năm và kéo dài đến hết năm nay. Một nguồn tin từ OPEC+ cho biết không phải tất cả các thành viên OPEC+ đều tham gia quyết định cắt giảm lần này, vì sản lượng của nhiều nước vẫn đang thấp hơn mức trong thỏa thuận trước đó do thiếu năng lực sản xuất.

Theo tính toán của Reuters, những cam kết cắt giảm sản lượng lần này sẽ nâng tổng lượng dầu cắt giảm của OPEC+ lên mức 3,66 triệu thùng/ngày, tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu.

Diễn biến nói trên là một nỗ lực phối hợp cho thấy OPEC+ vẫn có trách nhiệm về các thị trường dầu toàn cầu. Sau thông báo này, giá dầu Brent đã tăng lên gần mức cao nhất một tháng qua, trên 86 USD/thùng, vào đầu phiên 3/4.

Các lãnh đạo trong ngành dầu khí ngày 2/4 cho biết quyết định cắt giảm sản lượng nói trên đã khiến ngành năng lượng bất ngờ và diễn biến này sẽ đẩy giá dầu toàn cầu lên cao hơn, khiến các nước tiêu thụ dầu lớn khó có khả năng phản ứng phối hợp.

Ông Dan Pickering, người sáng lập nền tảng dịch vụ tài chính trong lĩnh vực năng lượng Pickering Energy Partners, cho rằng đây là một bất ngờ lớn, có thể là dấu hiệu cho thấy mối quan tâm của OPEC+ về nhu cầu dầu và tình hình bất ổn ngân hàng tại Mỹ. Ông dự đoán động thái này có thể khiến giá dầu tăng 10 USD/thùng, và chính phủ các nước trên thế giới còn rất ít phương án để bình ổn tác động của động thái nói trên đối với giá dầu.

Theo ông, nhu cầu dầu có thể giảm xuống sau diễn biến này. Nếu giá dầu tăng lên mức 100 USD/thùng hay 120 USD/thùng, nhu cầu sẽ giảm xuống giống với kịch bản lúc giá xăng ở Mỹ tăng lên mức 5 USD/gallon (1 gallon = 3,785 lít) hồi tháng 6/2022. Ông Pickering nhận định đó là cách mà thị trường sẽ phản ứng để giảm tác động của những quyết định cắt giảm sản lượng này, chứ không phải thông qua việc tăng cường xuất dầu từ các kho dự trữ chiến lược.

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, ông Andy Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates, cho biết phần lớn quyết định cắt giảm nói trên đến từ các thành viên chủ chốt của OPEC, cho thấy tổ chức này rõ ràng đang lo ngại về tác động của giá dầu thấp đến ngân sách quốc gia của họ, và sẽ sẵn sàng hành động để hỗ trợ giá dầu.

Ông Robert McNally, Chủ tịch công ty nghiên cứu Rapidan Energy Group, cho biết đây là bất ngờ lớn nhất với thị trường dầu kể từ tháng 1/2021, khi OPEC+ tuyên bố nâng dần sản lượng sau khi cắt giảm do dịch COVID-19.

Sau động thái nói trên của OPEC+, các chuyên gia phân tích của Goldman Sachs ngày 2/4 cho biết dự báo giá dầu Brent giao tháng 12/2023 đã được tăng thêm 5 USD lên 95 USD/thùng, trong khi giá cho hợp đồng giao tháng 12/2024 tăng 3 USD lên 100 USD/thùng. Bên cạnh đó, Goldman Sachs cũng giảm 1,1 triệu thùng/ngày trong dự báo sản lượng tính đến cuối năm nay của OPEC+.

Goldman Sachs dự đoán quyết định cắt giảm sản lượng lần này của OPEC+ có thể đẩy giá dầu tăng 7% và giúp doanh thu dầu của Saudi Arabia và OPEC+ gia tăng.

Goldman cho rằng dù động thái nói trên rất bất ngờ, nhưng quyết định này thể hiện OPEC+ đã có những cân nhắc quan trọng về kinh tế và có thể là cả chính trị. Ngân hàng này cho rằng việc Mỹ không bổ sung dầu vào kho dự trữ chiến lược trong năm tài chính 2023, dù các mức thấp của giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ được cho là đủ để nước này làm đầy các kho dự trữ của mình, cũng có thể là một nguyên nhân khiến OPEC+ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng.

Trước đó, tại cuộc họp hồi tháng 10/2022, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 đến hết năm 2023 nhằm hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu. Thời điểm đó, động thái này đã khiến Mỹ phẫn nộ vì nguồn cung thắt chặt hơn sẽ đẩy giá dầu lên cao, trong khi Mỹ cho rằng thế giới cần giá dầu thấp hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.

Với quyết định cắt giảm sản lượng lần này của OPEC+, chính quyền Tổng thống Joe Biden cho rằng đây không phải là một bước đi không ngoan ở thời điểm này khi thị trường đang có nhiều bất ổn.

Ông Giacomo Romeo, chuyên gia phân tích năng lượng của ngân hàng đầu tư Jefferies Group, lại cho rằng việc tuân thủ các mục tiêu cắt giảm mới nói trên cũng là một vấn đề, khi sản lượng dầu của UAE đã cao hơn mức mục tiêu mà nước này cam kết khoảng 200.000 thùng/ngày trong vài tháng. Ngoài ra, trong tháng Ba vừa qua, Nga đã không cắt giảm đủ 500.000 thùng/ngày như tuyên bố hồi tháng Hai./.

Khánh Ly (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/opec-cat-giam-san-luong-luc-day-cho-gia-dau/286472.html