Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương): Xúc tiến thương mại giúp hàng Việt rộng cửa ra thế giới

Năm 2023 là năm kinh tế gặp nhiều khó khăn. Để bán được hàng, nhất là xuất khẩu hàng hóa ra quốc tế, thì một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại. Từ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN), sản xuất, xuất khẩu Việt Nam đã không bị suy giảm quá nhiều.

Ông Vũ Bá Phú

Theo ông VŨ BÁ PHÚ, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục là con đường để đưa hàng Việt ra thế giới. Các địa phương, DN cần chủ động nắm bắt xu hướng tiêu dùng, tham gia tích cực vào các chương trình ở quy mô quốc tế, quốc gia, khu vực để tìm kiếm cơ hội cho mình.

Nhiều chương trình xúc tiến thương mại hiệu quả

* Ông nhận định như thế nào về các chương trình xúc tiến thương mại mà Việt Nam đã thực hiện trong năm 2023 vừa qua?

- Có thể nói năm 2023 là một năm sôi động của nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Ngay từ đầu năm, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các chương trình nhằm hỗ trợ tối đa cho các DN, hiệp hội ngành hàng tận dụng tốt nhất cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu và tiêu thụ hàng hóa. Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại được triển khai với định hướng chính là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, chú trọng khai thác các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ...

Đồng thời, chúng ta tận dụng và khai thác cơ hội từ các thị trường có FTA; thị trường truyền thống lớn. Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, miền nhằm mang tính bền vững, cân bằng hơn, đảm bảo thị trường ổn định, lâu dài cho hoạt động xuất khẩu đã được triển khai.

* Thưa ông, vậy còn những hạn chế nào trong vấn đề xúc tiến thương mại cần phải sửa đổi và bổ sung?

- Thực tế, nguồn lực cho các chương trình này còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính chưa được điều chỉnh kịp thời. Tại các địa phương, việc tổ chức mô hình xúc tiến thương mại còn không ít khó khăn. Kinh phí được cấp còn khiêm tốn so với nhu cầu và đề xuất của các bộ, ngành nên chưa triển khai được các chương trình tầm cỡ. Một số hiệp hội ngành hàng, DN, HTX vẫn chưa thực sự chú trọng và đánh giá đúng mức sự cần thiết của xúc tiến thương mại, xây dựng và phát triển thương hiệu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh…

* Dự báo tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn, xuất khẩu đang dần hồi phục nhưng cũng sẽ đối mặt với nhiều tác động khó đoán định. Vậy năm 2024, Việt Nam sẽ tập trung vào những vấn đề gì trong xúc tiến thương mại?

- Theo tôi, năm 2024, tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Việc chuyển đối số trong hoạt động xúc tiến thương mại cũng là yêu cầu để các chương trình, hoạt động trở nên hiệu quả, đóng góp vào sự thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương của Việt Nam.

Sẽ thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, nhất là đối với những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ DN, nhất là trong khâu xúc tiến thương mại.

Năm 2023, việc chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó có tổ chức các hội chợ thương mại quốc tế, đã kết nối các nhà cung ứng, DN xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu, DN lớn của nước ngoài.

Đông Nam bộ - trọng tâm của xúc tiến thương mại

* Ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh doanh, xuất nhập khẩu của các DN trong khu vực Đông Nam bộ?

- Đông Nam bộ là vùng có số lượng DN, lao động nhiều nhất cả nước, tham gia sôi động vào các hoạt động ngoại thương. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, vùng Đông Nam bộ cũng đang đứng trước nhiều lực cản cho sự phát triển, đòi hỏi các DN phải có tầm nhìn chiến lược mới để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế, góp phần phát huy hết tiềm năng, lợi thế của vùng. Do đó, các hoạt động hỗ trợ DN vùng Đông Nam bộ xúc tiến thương mại phải thiết thực và hiệu quả.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về những hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại cho vùng Đông Nam bộ?

- Với vai trò là cơ quan xúc tiến thương mại quốc gia, thời gian qua, chúng tôi đã trực tiếp chủ trì tổ chức và phối hợp với các cơ quan xúc tiến thương mại của vùng Đông Nam bộ tổ chức đa dạng các hoạt động nhằm hỗ trợ DN Việt Nam nói chung và DN vùng Đông Nam bộ nói riêng tiếp cận, phát triển thị trường nước ngoài. Riêng năm 2024 này, cục sẽ tiếp tục tổ chức đa dạng các chương trình xúc tiến thương mại tại khu vực cũng như các chương trình cấp quốc gia, chương trình thương hiệu quốc gia với sự tham gia của đông đảo các cơ quan, tổ chức, DN vùng Đông Nam bộ.

Doanh nghiệp ngành gỗ tham gia một chương trình xúc tiến thương mại tại Đồng Nai

Cuối tháng 2 và đầu tháng 3-2024, Bộ Công thương lần đầu tiên hợp tác với Messe Frankfurt, một trong những nhà tổ chức hội chợ, triển lãm và sự kiện hàng đầu thế giới tổ chức Triển lãm thương mại quốc tế về may mặc, dệt may và công nghệ dệt may tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (TP.HCM), một triển lãm hoàn toàn mới cho ngành dệt may Việt Nam.

Đây là cơ hội để các DN trong ngành tiếp cận và tìm kiếm các mối quan hệ đối tác lâu dài cho mình.

* Đối với các địa phương, để phối hợp xúc tiến thương mại có hiệu quả, theo ông cần chú trọng những gì?

- Các địa phương trong vùng quan tâm ưu tiên nhiều hơn nữa các nguồn lực cho công tác xúc tiến thương mại. Chủ động nắm bắt các nhu cầu của DN trong vùng, diễn biến tình hình thị trường thế giới để xây dựng những chương trình xúc tiến thương mại có sự liên kết mạnh mẽ trong nội vùng và với các vùng kinh tế khác của cả nước, nhằm gia tăng hiệu ứng và hiệu quả cho các chương trình. Tích cực tạo điều kiện và tổ chức các đoàn DN của vùng tham gia các chương trình quy mô quốc gia và quốc tế. Ưu tiên hoạt động xúc tiến xuất khẩu ngành hàng có thế mạnh, có giá trị gia tăng cao…

* Theo ông, về phía các DN cần chủ động những gì?

- Các DN cần nâng cao tính chủ động trong tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng tới những trào lưu, xu hướng mới trên thị trường thế giới để tìm những hướng đi phù hợp (chẳng hạn như cho các sản phẩm xanh, sạch, thân thiện với môi trường…), tận dụng các cơ hội từ những xu hướng này bên cạnh những cơ hội quan trọng từ các FTA thế hệ mới. Nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực đáp ứng các đòi hỏi, yêu cầu ngày càng khắt khe của nhiều thị trường trên thế giới về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và các hàng rào phi thuế quan.

DN cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực tốt trong sản xuất, kinh doanh để nắm bắt nhu cầu thị trường quốc tế và xây dựng kế hoạch cho phù hợp. Bên cạnh đó tích cực tham gia các chương trình, sự kiện xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, đặc biệt là các chương trình quy mô lớn do các tổ chức uy tín trong và ngoài nước thực hiện.

* Xin cảm ơn ông!

Đào Lê (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202401/ong-vu-ba-phu-cuc-truong-cuc-xuc-tien-thuong-mai-bo-cong-thuong-xuc-tien-thuong-mai-giup-hang-viet-rong-cua-ra-the-gioi-58d45ed/