Ông Trump 'mất uy' hay thắng hiệp đầu với Trung Quốc

Trong cuộc điện đàm đầu tiên với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”. The New York Times đã gọi cuộc gọi cho ông Tập là sự nhượng bộ nhục nhã của ông Trump. Thực tế có phải như vậy, The American Interest phân tích.

Ông Donald Trump

Sự nhượng bộ này rõ ràng là để đặt dấu chấm hết cho sự lạnh nhạt trong quan hệ Mỹ- Trung. Ông Tập đã không nói chuyện với ông Trump kể từ ngày 14/11, sau khi ông Trump đắc cử vì tức giận trước cuộc điện đàm không chính thức của ông với lãnh đạo Đài Loan hồi tháng 12/2016 và lời tuyên bố Mỹ sẽ không tuân theo chính sách Một Trung Quốc nữa.

Các quan chức kết luận rằng ông Tập Cận Bình sẽ nhận điện chỉ khi ông Trump công khai cam kết duy trì chính sách đã kéo dài 44 năm tuổi này, theo đó Mỹ chỉ công nhận một chính phủ Trung Quốc duy nhất ở Bắc Kinh và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Với ông Trump, cuộc gọi này là một sự đảo ngược quan trọng. Vì trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi tháng 12/2016, ông cho biết chính sách này sẽ còn tùy thuộc vào những nhượng bộ từ phía Bắc Kinh.

Theo The New York Times, ông Trump có sự xoay chuyển này vì cuối cùng các cố vấn của ông cũng có thể khiến cho ông hiểu về thực tế quan hệ giữa các nước. Quả thực báo chí Mỹ vẫn luôn đánh giá thấp ông Trump và có những cách nói thiếu tôn trọng ông. Truyền thông nước này đã công khai xây dựng hình ảnh ông Trump là một người phân biệt chủng tộc, thiếu kinh nghiệm và liều lĩnh.

Tuy nhiên có một sự thật nhỏ không nên bị lãng quên trong sự ồn ào này, đó là trong cuộc trao đổi đầu tiên giữa ông Trump và ông Tập, ông Trump đã giành lợi thế.

The American Interest lý giải rằng chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không bao giờ thay đổi. Chính sách Một Trung Quốc vẫn có hiệu lực trong những tuần đầu của chính quyền ông Trump. Nhưng bằng cách dấy lên ồn ào về chính sách này, giờ đây ông Trump có thể hưởng lợi vì đã tái khẳng định điều mà ông chưa từng định thay đổi.

Lời tái khẳng định một chính sách đối ngoại đã 30 năm tuổi và có thể sẽ chẳng bao giờ thay đổi của Mỹ hiện là một “cử chỉ thiên về phía Trung Quốc.” Theo một cựu chuyên gia CIA, với việc tái khẳng định chính sách lâu đời này, “Ông Trump đã mở ra cơ sở cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Bắc Kinh về các vấn đề tuy khó khăn những vẫn có thể giải quyết trong việc tái cân bằng quan hệ thương mại nghiêng về hướng có lợi cho Bắc Kinh”.

The New York Times cũng đã không đề cập tới tầm quan trọng về thời điểm của cuộc gọi, nó diễn ra trong đêm thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thực hiện một chuyến viếng thăm quan trọng, ngay sau khi ông Trump tuyên bố lập trường của Mỹ trong việc ủng hộ sự kiểm soát của Nhật Bản trên quần đảo Senkaku để ngăn chặn một cuộc tấn công từ Trung Quốc. Thời điểm của cuộc gọi cũng là lúc Trung Quốc công nhận rằng nước này không thể làm Mỹ hay Nhật Bản e ngại không củng cố liên minh của họ.

Ông Trump đã có cuộc điện đàm đầu tiên với ông Tập

Theo American Interesr, vẫn còn quá sớm để đánh giá liệu đội ngũ của ông Trump sẽ thành công như thế nào trong chính sách đối ngoại, nhưng cả báo chí lẫn nước ngoài đều cần phải tránh không đánh giá thấp một cách mù quáng về ông Trump và chính quyền mới. Sự đánh giá sai lầm này từng hủy hoại sự nghiệp của các đối thủ hiểu biết và dày dạn kinh nghiệm như Jeb Bush và Hillary Clinton.

Mới đây đã xuất hiện một hội chứng mới, đó là Hội chứng rối loạn vì ông Trump. Hội chứng này liên quan đến khả năng nhiều người nhìn nhận xem ông Trump sẽ làm hoặc không làm được gì. Việc tạo ra hội chứng này là một phần trong phương pháp của ông Trump: Khiến các đối thủ đánh giá thấp ông hóa ra lại là một điều hữu ích trong chiến lược giành chiến thắng của ông Trump. Và khiến truyền thông nháo nhác với những lời công kích lẫn nhau là một trong các biện pháp ông Trump dùng để làm suy yếu đối thủ, khiến họ rối trí và mất uy tín trong mắt những người ủng hộ và những kẻ nghi ngờ.

American Interest nhận định chắc chắn vẫn có những nhược điểm trong cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông Trump trong quan hệ với các cường quốc, và chúng cũng có thể sẽ khiến ông Trump phải trả giá đắt. Nhưng cũng có những lợi thế nhất định. Ông Trump đến nay vẫn tái khẳng định một liên minh vững mạnh với Nhật Bản trong khi ép Nhật Bản phải giảm thặng dư thương mại với Mỹ và đầu tư vào khả năng sản xuất ở đây. Đồng thời, lời đe dọa đánh giá lại yếu tố thương mại trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung đã khiến Trung Quốc phải dè chừng tiết độ. Đó không phải là một khởi đầu tồi.

Đặng Phương Thảo -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/donald-trump-mat-mat-hay-thang-hiep-dau-voi-trung-quoc-108274.html