Ông Trump, đừng dại bắt nạt Fed

Sự độc lập của các ngân hàng trung ương cần được đảm bảo. Ông Trump và những vị lãnh đạo khác đang đi quá xa thẩm quyền của mình. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương cũng không thể hy vọng sẽ không bị chỉ trích hoặc liên quan tới chính trị.

Tân Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump – liên tục chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – bà Janet Yellen – trong suốt chiến dịch tranh cử. Tại Vương quốc Anh (UK), Thủ tướng Theresa May liên tục đặt câu hỏi về hành động của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) trong thời gian gần đây, khiến tương lai của Thống đốc Mark Carney trở nên mờ mịt. Có vẻ như sự độc lập bấy lâu nay của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đang bị đe dọa.

Bà Yellen và ông Trump

Các ngân hàng trung ương sẽ được tự quyết định chính sách tiền tệ trong 3 trường hợp. Thứ nhất, chính phủ bị cám dỗ bởi chính sách in tiền nhằm bù đắp thâm hụt ngân sách, điển hình như Zimbabwe. Thứ 2, khi đất nước cần sự ổn định kinh tế trong khi chính trị thay đổi hàng ngày, việc kiểm soát tiền tệ cần nằm trong tay của ngân hàng trung ương. Thứ 3, chính sách tiền tệ đang làm tốt nhiệm vụ của mình. Về cơ bản, tất cả đều phi chính trị.

Nếu chú ý tới chính sách của Fed trong thập kỷ qua, chúng ta sẽ thấy rõ 3 luận điểm trên. Sau khi kinh tế suy thoái trong thời gian gần đây, Fed phải dùng tới những biện pháp chưa từng có. Các ngân hàng trung ương khác cũng vậy, nhưng đó là điều họ cần làm bởi chính phủ thất bại cho việc sử dụng hiệu quả các biện pháp tài khóa.

Độc lập không phải là tất cả nhưng cũng có giá trị riêng của nó. Theo nhiều cách, các ngân hàng trung ương cũng có tác động chính trị nhất định thông qua chính sách điều hành của mình. Các thống đốc của Fed được bổ nhiệm bởi Tổng thống và phê chuẩn bởi Thượng viện. Các quyết định của Fed sẽ được Quốc hội chất vấn. Trên thực tế, sự cân bằng tuyệt đối đã không còn. Nhiều người đặt vấn đề về việc các chính trị gia, từ bộ trưởng tài chính cho tới người đứng đầu chính phủ, đang vượt quyền khi trực tiếp chỉ trích các quyết định của ngân hàng trung ương.

Chính phủ có thể chỉ trích sự lựa chọn của ngân hàng trung ương nhưng không thể tranh cãi với họ về điều đó. Đó là sự độc lập cần có của các ngân hàng trung ương để họ có thể mang tới những lợi ích thiết thực và ổn định điều kiện kinh tế. Ranh giới này sẽ bị phá bỏ nếu chính phủ yêu cầu: “Hãy làm như những gì chúng tôi yêu cầu.”

Bất đồng quan điểm là chuyện bình thường nhưng đe dọa thì không. Những ý kiến của bà May chưa thể coi là đe dọa nhưng sự can thiệp của ông Trump tới Fed lại đang khiến nhiều người lo ngại. Không chỉ bất đồng với bà Yellen, vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ còn cáo buộc vị chủ tịch này không làm tròn trách nhiệm của mình. Suy cho cùng, đây chính là sự đe dọa và là cách ông Trump thực hiện công việc của mình.

Đôi lúc, Fed phạm sai lầm và các chính trị gia có thể nói về điều đó. Các ngân hàng trung ương nên lắng nghe và bỏ qua những lời đe dọa. Với ông Trump? Có lẽ ông cần biết rằng Fed là một tổ chức ông không nên bắt nạt nếu không muốn tự bắn vào chân mình.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/ong-trump-dung-dai-bat-nat-fed-20161123104249516p145c151.news