Ông Tập Cận Bình – "Lãnh đạo hạt nhân" của Trung Quốc

Trong thông cáo được đưa ra sau khi kết thúc Hội nghị T.Ư 6 hôm 27-10, Ban Chấp hành T.Ư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định Chủ tịch Tập Cận Bình là "lãnh đạo hạt nhân" của đảng. Ở thời điểm sắp hết nhiệm kỳ, điều này đồng nghĩa với việc ông Tập sẽ có ảnh hưởng lớn hơn trong kỳ đại hội vào năm tới.

Ông Tập Cận Bình. Ảnh: AFP

"Lãnh đạo hạt nhân" là cụm từ mô tả vị trí lãnh đạo cao nhất. Nó được cố lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình "khai sinh" để mô tả về quyền hạn tuyệt đối của cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, cũng như bản thân ông và người kế nhiệm Giang Trạch Dân.

Thông cáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc kêu gọi toàn thể các đảng viên hãy đồng lòng đoàn kết "xung quanh Ban Chấp hành T.Ư với hạt nhân là đồng chí Tập Cận Bình". Mặc dù vậy, thông cáo cũng khẳng định cơ chế lãnh đạo tập thể "phải luôn được tuân thủ và không được vi phạm trong bất kỳ tình huống hoặc lý do nào". Đây được coi là động thái nhằm củng cố quyền lực của ông Tập sau khi đã nắm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, kiểm soát bộ máy quân sự và vũ trang của Trung Quốc.

Lên nắm quyền cách đây gần 4 năm, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gây dấu ấn mạnh với chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" với quy mô chưa từng có. Hơn 1 triệu quan chức bị trừng phạt vì tội tham nhũng kể từ năm 2013, trong đó có nhiều lãnh đạo chủ chốt trong chính quyền trung ương lẫn địa phương đã "ngã ngựa", trong đó có Ủy viên Bộ chính trị Bạc Hy Lai, Bộ trưởng Bộ Công an Chu Vĩnh Khang... Vai rò "lãnh đạo hạt nhân" sẽ giúp ông Tập tiếp tục đạt được "thắng lợi mang tính áp đảo" trong chiến dịch chống tham nhũng, tiếp tục tiến hành cải cách chính trị, quân sự sâu rộng.

Đặc biệt, vai trò "Lãnh đạo hạt nhân" sẽ tăng cường đáng kể vị thế của ông Tập trong đại hội đảng lần thứ XIX diễn ra vào năm 2017. Đại hội này sẽ thành lập Ủy ban thường vụ Bộ Chính trị mới, được coi là đỉnh cao quyền lực ở Trung Quốc. Vị thế "Lãnh đạo hạt nhân" cho phép ông Tập có tiếng nói lớn trong việc bố trí nhân sự cũng như có quyền phủ quyết cuối cùng về nhân sự của Ủy ban thường vụ này. Tuy nhiên theo ông Zhang Lifan, một nhà bình luận chính trị tại Bắc Kinh, quyền hạn lớn hơn cũng đi kèm với trách nhiệm lớn hơn trong bối cảnh Trung Quốc hiện đối mặt nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội. "Nếu kinh tế tiếp tục đi xuống và rạn nứt trong xã hội trở nên nghiêm trọng hơn, trách nhiệm của lãnh đạo hạt nhân sẽ lớn hơn", ông Zhang nói.

Ông Steve Tsang, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc đương đại tại Đại học Nottingham, cho biết vẫn còn rất nhiều câu hỏi chưa được trả lời như người kế nhiệm ông Tập là ai? Liệu ông Tập sẽ tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba hay không? Theo tiền lệ, ông Tập sẽ về hưu sau Đại hội Đảng năm 2022, tuy nhiên ông Tsang cho rằng, ông Tập sẽ chấm dứt vai trò Chủ tịch nước, nhưng vẫn giữ vai trò lãnh đạo Đảng sau năm 2022.

An Bình
(Theo Reuters, AP)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_156834_ong-ta-p-ca-n-bi-nh-la-nh-da-o-ha-t-nhan-cu-a-trun.aspx