Ông Phùng Quốc Hiển: 'Chúng ta đột mà không được phá'

Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng nay 6/10.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Nhiều ý kiến chưa đồng thuận

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ KH&ĐT báo cáo dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, việc ban hành Nghị định 56/2009/NĐ-CP được thực hiện trong thời kỳ nền kinh tế gặp khó khăn, cả nước đang thực hiện gói kích cầu.

Vì vậy, một trong những hạn chế lớn nhất trong phạm vi điều chỉnh của Nghị định 56/2009/NĐ-CP là không quy định về nguồn vốn hỗ trợ, chưa tạo ra cơ chế hình thành nguồn kinh phí dành riêng hỗ trợ DNNVV mà chủ yếu lồng ghép vào các chương trình, chính sách theo ngành, lĩnh vực dẫn đến việc các chính sách chưa hiệu quả.

Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định cả nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ DNNVV, vì vậy cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nhưng đề nghị chỉnh sửa từ “ngân sách” thành “nguồn vốn” để bao quát chung.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết thêm, đối với đối tượng áp dụng cũng có nhiều ý kiến. Theo đó, loại ý kiến thứ nhất cho rằng đối tượng áp dụng của Luật là quá rộng (khoảng 97,9% là DNNVV) và do nguồn lực Nhà nước có hạn, không thể hỗ trợ tất cả nên Luật cần hỗ trợ nhóm có tiềm năng phát triển. Đồng thời cân nhắc loại trừ đối tượng là các DNNVV thuộc nhóm công ty hoạt động theo hình thức công ty mẹ-công ty con, tập đoàn kinh tế.

“Loại ý kiến thứ hai nhất trí quy định của dự thảo Luật, theo đó đối tượng áp dụng gồm doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV quy định tại Điều 5 Luật này và cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến hỗ trợ DNNVV” – ông Vũ Hồng Thanh nói.

Góp ý kiến về dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập của cả quy trình và dự án luật. Trong đó, dự án luật vẫn không tạo được sự đồng thuận của các bộ. Ví dụ như, Bộ Tài chính thì gần như bác hết các điều kiện liên quan đến hỗ trợ về thuế. Còn Ngân hàng Nhà nước thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Bộ Công Thương lo đến khả năng bị kiện ra WTO nếu một số quy định tại dự thảo luật được áp dụng. “Tôi chỉ trích ý kiến các "ông" như thế thì đã có chuyện rồi”, ông Hiển lo ngại. Ông Hiển nhấn mạnh, đồng ý đột phá nhưng “chúng ta đột mà không được phá”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định Ủy ban Thường vụ không có thành viên nào không ủng hộ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng luật hóa như thế nào thì cần bàn kỹ hơn.

Chủ tịch Quốc hội cũng băn khoăn: Có nên ra luật hay không? Về sự tương thích của luật này với các luật khác và các điều ước quốc tế có vấn đề gì không? Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí để Chính phủ hoàn thiện lại luật này, 4 ngày nữa (10/4) thì trình lại để xem xét.

DNNVV được tiếp cận mặt bằng sản xuất

Theo Dự thảo Luật Hỗ trợ DNNVV, DNNVV có quyền: Tiếp cận và nhận hỗ trợ từ nhà nước, tổ chức và cá nhân phù hợp với mục tiêu, đối tượng và điều kiện hỗ trợ; Lựa chọn hình thức, nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp; Phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền về các hành vi vi phạm hoặc có quy định gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước hoặc tổ chức, cá nhân. Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, DNNVV có các nghĩa vụ sau đây: Cung cấp thông tin về doanh nghiệp chính xác, đầy đủ, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin cung cấp theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức hỗ trợ; Bố trí nguồn lực đối ứng để tiếp nhận, phối hợp và tổ chức thực hiện có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hoạt động đúng quy định của pháp luật, tuân thủ các nghĩa vụ đối với nhà nước; Thực hiện đúng các cam kết đối với cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ, các nội dung hỗ trợ cơ bản cho DNNVV bao gồm: được gia nhập và rút khỏi thị trường, tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, thông tin và tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ong-phung-quoc-hien-chung-ta-dot-ma-khong-duoc-pha-post210794.info